Hướng tới Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10: Nhận thức đóng vai trò quyết định

H.Ngọc
06:00 - 08/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Và nhận thức cũng là thách thức lớn nhất trong quá trình chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là cách mạng về tư duy, nhận thức

Theo Cẩm nang Chuyển đổi số của Bộ Thông tin và Truyền thông, khó khăn lớn nhất của chuyển đổi số là thay đổi thói quen để có nhận thức đúng.

Con người vốn đã quen với môi trường thực tại, khi chuyển lên môi trường số là khá khó khăn. Thay đổi thói quen là việc lâu dài. Đối với một tổ chức, thay đổi được chủ yếu dựa vào quyết tâm của người đứng đầu.

Hướng tới Ngày chuyển đổi số quốc gia 10/10: Nhận thức đóng vai trò quyết định - Ảnh 1.

Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số.

Chuyển đổi số là chuyện chưa có tiền lệ, vì vậy, nhận thức đúng là việc khó. Nhận thức đúng về chuyển đổi số còn phải đặt trong bối cảnh cụ thể của tổ chức. Không phải chỉ là vấn đề công nghệ, nhận thức đầu tiên là chuyện dám làm hay không dám làm của người lãnh đạo.

Chuyển đổi số là chấp nhận cái mới, là cuộc cách mạng về tư duy, nhận thức, thể chế, chính sách trước khi bắt đầu là một cuộc cách mạng về công nghệ.

Cẩm nang Chuyển đổi số, Bộ Thông tin và Truyền thônghttps://dx.mic.gov.vn/

Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 3/6/2020 đã nhấn mạnh: “Nhận thức đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số”. 

Mỗi cơ quan, tổ chức và cả quốc gia cần tận dụng tối đa cơ hội để phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trong đó, việc xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số trong từng ngành, từng lĩnh vực, từng địa phương có ý nghĩa sống còn, là cơ hội để phát triển các ngành, lĩnh vực, địa phương và nâng cao thứ hạng quốc gia. 

Đi nhanh, đi trước giúp dễ thu hút nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành phổ biến thì nguồn lực trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi, dễ bỏ lỡ cơ hội phát triển.

Nhận thức về chuyển đổi số đang được nâng cao

Đến nay, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả rõ nét, đặc biệt là nhận thức về chuyển đổi số trong cơ quan nhà nước, doanh nghiệp và toàn dân không ngừng được nâng cao.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, 22/22 bộ, ngành và 63/63 địa phương đã thành lập Ban chỉ đạo về chuyển đổi số; hầu hết các bộ, ngành và địa phương đã ban hành chương trình/kế hoạch/đề án chuyển đổi số giai đoạn 5 năm. 

Cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho chính phủ số được đẩy mạnh triển khai. Trong đó, đáng chú ý là cơ sở dữ liệu hộ tịch điện tử toàn quốc; Cổng Dịch vụ công quốc gia đã tích hợp trên 3.500 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3,4 của các bộ, ngành, địa phương...

Ngoài ra, các cơ sở dữ liệu quốc gia khác như bảo hiểm, hộ tịch, đăng ký doanh nghiệp đã đi vào vận hành ổn định, đang mang lại hiệu quả tích cực.

Các cơ sở dữ liệu tạo nền tảng cho Chính phủ số, đặc biệt là Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, được tích hợp, kết nối và mở rộng thu thập dữ liệu dân cư với trên 17 triệu thông tin bảo hiểm xã hội; gần 78 triệu thông tin công dân với trên 133 triệu mũi tiêm chủng; trên 570.000 thông tin dữ liệu về cán bộ, giáo viên; triển khai thẻ căn cước công dân gắn chip; cấp trên 7 triệu số định danh cho trẻ em đăng ký khai sinh; thí điểm sử dụng thẻ căn cước công dân trong khám chữa bệnh...

Ngày Chuyển đổi số quốc gia hướng tới toàn dân

Năm 2022 là năm đẩy mạnh chuyển đổi số theo hướng toàn dân và toàn diện, lấy người dân làm trung tâm. Ngày Chuyển đổi số quốc gia (10/10) ra đời cũng không nằm ngoài mục tiêu giúp người dân hiểu đúng, hiểu sâu hơn về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số.

Với chủ đề "Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân", Ngày Chuyển đổi số quốc gia tập trung phát động nhiều sáng kiến mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, quảng bá toàn dân những sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số cho người dân.

Các bộ, ban, ngành và địa phương đã và đang triển khai nhiều hoạt động thiết thực hưởng ứng sự kiện lần đầu diễn ra này.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài Chính, Viện Hàn lâm khoa học và Công nghệ cùng nhiều tỉnh, thành phố như Bắc Giang, Bến Tre, Bình Thuận, Cao Bằng, Đồng Nai, Đồng Tháp, Hậu Giang, Hưng Yên, Sóc Trăng, Tiền Giang đều chọn ngày chuyển đổi số ngành, địa phương trùng Ngày chuyển đổi số quốc gia.

Tính đến nay đã có gần 40 bộ, ngành, địa phương có kế hoạch cụ thể triển khai các hoạt động hưởng ứng Ngày chuyển đổi số quốc gia.

Bình luận của bạn

Bình luận