Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nào không bắt buộc phải công chứng, chứng thực?
Bản chất của hợp đồng là sự thỏa thuận, thể hiện ý chí của các bên. Tuy nhiên, đất đai là tài sản đặc biệt và phải đăng ký quyền sử dụng, do đó pháp luật đất đai quy định việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải đáp ứng các điều kiện nhất định về mặt hình thức thì mới có hiệu lực pháp luật.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất nào không bắt buộc phải công chứng, chứng thực?
Điều 27 Luật Đất đai 2024 quy định như sau:
Quyền chuyển đổi, chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho quyền sử dụng đất; thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất
"3. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện các quyền của người sử dụng đất được thực hiện như sau:
a) Hợp đồng chuyển nhượng, tặng cho, thế chấp, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất phải được công chứng hoặc chứng thực, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;
b) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp; hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên;
c) Văn bản về thừa kế quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật về dân sự;
d) Việc công chứng, chứng thực thực hiện theo quy định của pháp luật về công chứng, chứng thực."
Đối chiếu với quy định trên thì có các hợp đồng về quyền sử dụng đất sau đây không bắt buộc phải công chứng, chứng thực:
(1) Hợp đồng cho thuê, cho thuê lại quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp;
(2) Hợp đồng chuyển nhượng, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất, tài sản gắn liền với đất mà một bên hoặc các bên tham gia giao dịch là tổ chức hoạt động kinh doanh bất động sản được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của các bên.
Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất không công chứng, chứng thực có đảm bảo giá trị pháp lý?
Như đã trình bày ở trên, đối với những hợp đồng không bắt buộc phải công chứng, chứng thực các bên có thể tự thỏa thuận với nhau việc công chứng, chứng thực. Giá trị nội dung của hợp đồng này không phụ thuộc vào việc có công chứng, chứng thực hay không công chứng, chứng thực.
Dù các bên chỉ ký hợp đồng mà không có nhu cầu công chứng, chứng thực thì hợp đồng đó vẫn có giá trị pháp lý.
Tuy nhiên hợp đồng có công chứng, chứng thực sẽ có giá trị pháp lý tốt hơn, hạn chế được phần nào rủi ro, tranh chấp xảy ra cho các bên.
Đặc biệt, hợp đồng được công chứng, chứng thực có giá trị chứng cứ, những tình tiết, sự kiện trong hợp đồng này không phải chứng minh, trừ trường hợp bị Tòa án tuyên bố là vô hiệu.
Do đó, dù pháp luật cho phép các bên có quyền lựa chọn công chứng, chứng thực hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất hoặc không, tuy nhiên, để tránh rủi ro các bên nên cân nhắc việc công chứng, chứng thực, nhất là với những hợp đồng có giá trị lớn.
Hiệu lực của hợp đồng không công chứng, chứng thực:
Theo quy định tại Điều 401, Bộ luật Dân sự 2015 quy định về hiệu lực hợp đồng như sau:
“Điều 401. Hiệu lực của hợp đồng
1. Hợp đồng được giao kết hợp pháp có hiệu lực từ thời điểm giao kết, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật liên quan có quy định khác.
2. Từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực, các bên phải thực hiện quyền và nghĩa vụ đối với nhau theo cam kết. Hợp đồng chỉ có thể bị sửa đổi hoặc hủy bỏ theo thỏa thuận của các bên hoặc theo quy định của pháp luật.”
Như vậy, thời điểm có hiệu lực của hợp đồng do các bên thỏa thuận và ghi trong hợp đồng. Trường hợp hợp đồng có công chứng, chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm công chứng, chứng thực.
Trường hợp hợp đồng không có thỏa thuận, không có công chứng, chứng thực thì thời điểm có hiệu lực của hợp đồng là thời điểm các bên ký kết hợp đồng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google