Hơn 70.000 nhân viên tại 145 trường đại học ở Anh đình công

Lam Linh
16:16 - 26/04/2023
Công dân & Khuyến học trên

Do bất bình với chế độ lao động, vừa qua, hơn 70.000 nhân viên tại 145 trường đại học ở Anh đã tham gia đình công để yêu cầu tăng lương và điều kiện làm việc tốt hơn.

Hàng chục nghìn nhân viên các trường đại học Anh tham gia đình công  - Ảnh 1.

Cuộc đình công của giáo viên diễn ra ở Eastbourne, East Sussex. Ảnh: Jon Santa

Theo South China Morning Post, được dẫn dắt bởi Hiệp hội Đại học và Cao đẳng, hơn 70.000 nhân viên tại 145 trường đại học ở Anh đang tham gia đình công. Trong đó, các cán bộ giảng dạy ở khắp Vương quốc Anh cũng bắt đầu tẩy chay chấm thi và không sửa bài thi cuối kỳ của học sinh.

Nhân viên các trường đại học ở Anh đã tham gia đình công với 4 mục đích: tăng lương, đền bù cho công việc không được trả lương trước đây, thu hẹp khoảng cách giới và sắc tộc, và chấm dứt tình trạng mất an toàn trong hợp đồng lao động.

Mặc dù các cuộc đình công trong hệ thống giáo dục của Anh thỉnh thoảng diễn ra. Song, đây là cuộc đình công lớn nhất trong một thập kỷ. Điều này cũng là dấu hiệu cho thấy sự thất bại lớn trong nền giáo dục Anh – một trong những nền giáo dục được cho là tiên tiến và thu hút nhiều du học sinh nhất.

Đình công tại Anh phản ánh vấn đề thị trường hóa giáo dục

Cho đến cuối thế kỷ 20, hầu hết các trường đại học ở Anh hoạt động bằng nguồn tài trợ của nhà nước. Tuy nhiên, sự phát triển của xã hội đã thay đổi bộ mặt của giáo dục đại học ở Vương quốc Anh.

Đầu tiên, với mục đích đảm bảo quyền học tập của mọi người dân, số lượng các trường đại học ở Anh đã mọc lên như nấm. Vì vậy, Chính phủ Anh trước đây đã có một cam kết là kết nạp ít nhất 50% thanh niên vào các trường đại học.

Trước đây, Chính phủ Anh tài trợ và miễn phí hoàn toàn chi phí học tập cho sinh viên các trường đại học. Nhưng sau đó các khoản phí phải nộp đã được đề xuất. Theo đó, các khoản phí đã phát triển từ mức trần là 1.000 Bảng Anh/năm lên mức hiện tại là 9.250 Bảng Anh/năm.

Với mục đích đưa ra là nâng cấp cơ sở hạ tầng và nâng cao chất lượng giảng dạy, hiện nay, sinh viên quốc tế phải trả số tiền cao hơn gấp đôi.

Ngày nay, giáo dục ở Anh thường chú trọng vào thành tích và bảng xếp hạng. Họ giảm tiêu chuẩn đánh giá để leo lên vị trí đầu trong bảng xếp hạng giáo dục. Đồng thời, họ thuê các chuyên gia của công ty làm hiệu trưởng các trường đại học. Điều này đã dẫn đến việc các trường đại học tuyển dụng nhiều sinh viên quốc tế hơn để tối đa hóa thu nhập.

Hiện tại, Vương quốc Anh có khoảng 600.000 sinh viên quốc tế, chiếm 1/5 tổng số sinh viên ở tất cả các cấp.

Sự bùng nổ về số lượng sinh viên đã giúp doanh thu hằng năm của quốc gia này chiếm 15 tỷ Bảng Anh. Điều này cho phép các trường đại học tích lũy được số tiền khổng lồ. Trong năm 2020-2021, ước tính giá trị thặng dư là gần 3,5 tỉ Bảng Anh.

Tốc độ tăng trưởng của doanh thu nhanh và số lượng sinh viên khổng lồ nhưng chế độ đãi ngộ cho nhân viên lại chưa được nâng lên tương xứng, điều kiện làm việc cũng không đảm bảo chất lượng.

Điều kiện làm việc không bảo đảm - nguyên nhân khiến nhân viên các trường đại học Anh đình công

Có ba xu hướng chi phối đến điều kiện làm việc của nhân viên các trường đại học ở Anh.

Đầu tiên, mức lương dựa trên giá trị thực nhận được của người lao động trong khu vực công đã giảm suốt nhiều năm. Nhưng lương của khu vực tư nhân vẫn tăng. Điều này đã chi phối đến điều kiện làm việc.

Chẳng hạn, một học giả đã có bằng tiến sĩ chỉ kiếm được 30.000 Bảng Anh/năm. Thu nhập này là ít hơn hoặc tương đương với những công việc yêu cầu thời gian đào tạo ngắn như: tài xế xe buýt hay người lao động phổ thông.

Thứ hai, các trường đại học có xu hướng thiết lập các hợp đồng lao động không công bằng cho người lao động. Các chính sách về nghỉ phép hoặc phúc lợi công việc trong hợp đồng lao động là không thỏa đáng. Điều này dẫn đến khoảng 90.000 nhân viên của trường đại học làm việc trong bấp bênh.

Cuối cùng, do thiếu nhân sự, nhân viên các trường đại học buộc phải đảm nhận thêm nhiều nhiệm vụ khác. Đó là những công việc không được trả lương như: đánh giá các bài báo và đóng góp cho các sáng kiến đa dạng.

Tiền lương không theo kịp tình hình lạm phát 

Hơn 70.000 nhân viên tại 145 trường đại học ở Anh đang tham gia đình công - Ảnh 3.

Các nhân sự ngành giáo dục và những người ủng hộ diễu hành về phía trung tâm Westminster của thủ đô London. Ảnh: Leon Neal

Chi phí năng lượng và tiền thuê nhà tăng vọt kết hợp với lạm phát cao đã khiến cuộc sống của đội ngũ nhân viên ở các trường đại học lại thêm chồng chất khó khăn.

Số lượng sinh viên tăng lên mỗi năm khiến khối lượng công việc của nhân viên các trường đại học Anh trở nên quá tải. Tuy nhiên, tiền lương lại bị giảm trầm trọng khiến họ phải vật lộn để đối phó giá cả hàng hóa, chi phí gia tăng.

Hiệp hội Đại học và Cao đẳng đã đưa ra khiếu nại. Đó là các trường đại học đang chi nhiều tiền và nguồn lực hơn trong việc xây dựng các tòa nhà và khuôn viên mới. Hơn nữa, mức lương trung bình của các phó hiệu trưởng là khoảng 400.000 Bảng Anh/năm – gấp hơn 10 lần thu nhập của nhân viên.

Việc đình công trong nhiều tháng và các cuộc tẩy chay chấm thi đã tác động đáng kể đến cuộc sống của các sinh viên. Bởi có nhiều sinh viên sẽ bị hoãn lễ tốt nghiệp. Các sinh viên cho rằng đình công đã làm mất cơ hội việc làm của họ, đặc biệt với những người đang ứng tuyển vào làm việc ở các công ty nước ngoài.

Ảnh hưởng của đình công đến sinh viên là lý do nhiều trường đại học đã đe dọa nhân viên. Họ tuyên bố sẽ khấu trừ một nửa hoặc toàn bộ lương, ngay cả khi nhân viên đã hoàn thành các nhiệm vụ như giảng dạy và chuẩn bị bài tập.