Kinh tế: Áp lực lạm phát vẫn còn nhưng sẽ bớt "nóng"

Nam Nguyễn
21:00 - 18/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo báo cáo mới của VNDIRECT, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 của Việt Nam đã tăng mạnh 0,5% so với tháng trước đó, cho thấy khả năng hồi phục của nhóm các mặt hàng hóa tiêu dùng nói riêng, và lực cầu trong nước nói chung đang tích cực trở lại...

CPI ở mức cao nhất kể từ tháng 3/2020

Khi phân tích về sự hồi phục của các nhóm ngành, các chuyên gia cho rằng, lực cầu nội địa vẫn đang tích cực nhưng có thể suy yếu trong thời gian tới. Trong đó, lý do khách quan của chỉ số tháng 1 đã rơi vào tháng Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng nội địa tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ. Vì vậy, hoàn toàn có thể có khả năng các ngành dịch vụ, bao gồm cả bán lẻ, có thể suy yếu trong những tháng tới do lĩnh vực sản xuất đang bị thu hẹp và thị trường bất động sản ảm đạm.

Cụ thể, chỉ số CPI tăng mạnh 0,5% so với tháng trước, chủ yếu do giá thực phẩm và đồ uống tăng. CPI nhóm lương thực & thực phẩm tăng 0,8% so với tháng trước trong khi CPI nhóm đồ uống & thuốc lá tăng 1,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết. CPI nhóm giao thông tăng 1,4% so với tháng trước do giá xăng dầu trong nước hồi phục vào tháng 1/2023. Tính theo năm, CPI của Việt Nam trong tháng 1/2023 tăng 4,9% so với cùng kỳ, mức cao nhất kể từ tháng 3/2020.

Áp lực lạm phát là vẫn còn

Với các lý do đã phân tích, chuyên ra chỉ ra áp lực lạm phát sẽ duy trì ở mức cao trong nửa đầu năm 2023 với nhiều lý do hiện hữu. 

Trong đó, việc kỳ vọng doanh số bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng sẽ tăng 8,5-9,0% so với cùng kỳ trong năm 2023, thấp hơn mức 19,9% so với cùng kỳ trong năm 2022 là một dự đoán có khả năng. Tuy nhiên, việc tăng lương cơ sở lên 1,8 triệu đồng/tháng (tăng 20,8%), có hiệu lực từ ngày 01/07/2023, đồng thời Quốc Hội cũng đã thông qua việc tăng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp thôi việc cho một số đối tượng như người hưởng lương hưu từ ngân sách nhà nước, cán bộ y tế cơ sở…Thông thường khi lương cơ sở tăng, lạm phát cũng có xu hướng tăng do tâm lý tăng lương gắn với tăng giá hàng tiêu dùng của một bộ phận người kinh doanh tạp hóa, bán lẻ.

Ngoài ra, mặc dù hàng hóa toàn cầu đã đạt đỉnh nhưng tác động của việc đồng USD mạnh lên đối với nguyên liệu nhập khẩu vẫn còn kéo dài đến Q3/2023.

Chi phí nợ cao hơn so với cùng kỳ có thể được chuyển vào giá bán lẻ cho người dùng cuối. Từ đó, VNDIRECT giữ quan điểm về việc nhiều khả năng Chính phủ sẽ tăng giá một số dịch vụ công thiết yếu như điện, y tế, học phí trong năm nay. Cụ thể hơn, giá điện bán lẻ sẽ chịu áp lực điều chỉnh tăng vào năm 2023 do chi phí sản xuất tăng (tỷ giá tăng, giá nguyên liệu đầu vào tăng gồm than, khí…). 

Thực tế, Chính phủ vừa ban hành khung giá bán lẻ điện bình quân mới, với mức tối thiểu (chưa bao gồm thuế GTGT) là 1.826,22 đồng/kWh, mức tối đa là 2.444,09 đồng/kWh. So với khung giá cũ, giá tối thiểu tăng 220,03 đồng/kWh (tương đương 13,7%); giá tối đa tăng 537,67 đồng/kWh (tương đương 28,2%). 

Trên thực tế, khung giá bán lẻ điện bình quân là mức sàn và mức trần để Chính phủ quy định giá bán lẻ điện chính thức. Việc thay đổi khung giá bán lẻ điện bình quân chưa làm thay đổi ngay giá bán lẻ điện chính thức cho sinh hoạt và sản xuất kinh doanh. Hiện giá bán lẻ điện bình quân chính thức là 1.864,44 đồng/Kwh, vẫn nằm trong khung giá bán lẻ điện mới.

Dự báo áp lực lạm phát có thể được xoa dịu vào nửa cuối 2023

Với việc dự báo CPI bình quân của Việt Nam ở mức 4,2-4,6% so với cùng kỳ, trong Q1/2023, chuyên gia đã giữ nguyên dự báo về lạm phát bình quân năm 2023 là 3,8% so với cùng kỳ, (+/- 0,2 điểm %), dưới mức mục tiêu của Chính phủ là 4,5%. 

Trong đó, "chất xúc tác" giảm cho CPI năm 2023 có thể là: nhu cầu thấp hơn dự kiến tại các thị trường phát triển trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế giảm tốc. Ngoài ra, với tình hình thế giới vẫn chưa có những tín hiệu lạc quan về các chỉ số tăng trưởng của các nền kinh tế lớn, tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn cao tại Mỹ, hay tốc độ phục hồi sau khi mở cửa của nền kinh tế Trung Quốc có thể còn tồn tại những rủi ro. Trong đó, rủi ro tăng giá có thể là sự phục hồi nhu cầu mạnh hơn dự kiến của Trung Quốc.

Tuy nhiên, mọi việc có thể tiến triển tốt hơn với những nỗ lực của các chiến lược quốc gia, sau khi đạt tới đỉnh điểm, "cơn bão" lạm phát có thể bị kìm hãm lại. Bằng chứng là sau những nỗ lực thu hẹp mức tăng lãi suất điều hành xuống 0,25 điểm % của  FED vào những kỳ điều hành gần nhất (1/2/2023), nước đi này đã phản ánh đúng kỳ vọng thị trường khi dữ liệu về lạm phát của Mỹ trong những tháng gần đây cho thấy xu hướng hạ nhiệt khá rõ nét. 

Bản thân chủ tịch FED cũng đã có những phát biểu khiến tâm lý của nhiều người trở lại "ổn định" hơn, ông nói: "Giờ đây, chúng ta đã có thể khẳng định lần đầu tiên rằng quá trình giảm lạm phát đã bắt đầu, đây là một điều tốt", ông còn nói thêm "Nếu chúng tôi cảm thấy mình đã quá mạnh tay và lạm phát đang giảm nhanh hơn chúng tôi kỳ vọng, thì chúng tôi có các công cụ có thể giải quyết vấn đề đó". 

Cho dù chủ tịch FED phát biểu rằng còn nhiều việc phải làm để đạt được mục tiêu lạm phát cũng như có thể sẽ có thêm một vài đợt nâng lãi suất điều hành trong thời gian tới. 

Chu kỳ thắt chặt tiền tệ sắp kết thúc.
Ông Jerome Powell - Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED)

Thị trường hiện đang kỳ vọng FED sẽ tăng lãi suất điều hành thêm 25 điểm cơ bản tại cuộc họp tiếp theo vào giữa tháng 3 và 25 điểm cơ bản nữa tại cuộc họp tháng 5, rồi ngừng tăng lãi suất sau đó. Như vậy, thị trường kỳ vọng đỉnh chu kỳ tăng lãi suất của FED là 5,25%, không thay đổi so với dự báo trước đó toàn cầu tăng lên.

Bình luận của bạn

Bình luận