Hơn 675 triệu ca mắc, COVID-19 vẫn là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu

N.Cường
11:58 - 31/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau 3 năm kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, thế giới đã ghi nhận hơn 675 triệu ca mắc với gần 6,8 triệu trường hợp tử vong. Tổ chức Y tế Thế giới tiếp tục đánh giá đại dịch COVID-19 vẫn là tình trạng y tế khẩn cấp gây lo ngại trên toàn cầu.

Cảnh báo cao nhất toàn cầu với COVID-19

Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tại cuộc họp Ban Điều hành ngày 30/1/2023, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhất trí với ý kiến tham vấn của Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 của WHO và xác định rằng dịch bệnh tiếp tục gây ra một cuộc khủng hoảng y tế cộng đồng đáng lo ngại trên toàn cầu. 

WHO đã quyết định duy trì cảnh báo ở cấp độ cao nhất trên toàn cầu với đại dịch COVID-19 sau 3 năm ban hành (tháng 3/2020).

Hơn 675 triệu ca mắc trên thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu - Ảnh 1.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: AFP/Getty Images

Trước đó, ngày 27/1/2023, Ủy ban Khẩn cấp về COVID-19 của Tổ chức này đã nhóm họp phiên thứ 14 để thảo luận về việc liệu tình hình dịch COVID-19 hiện nay còn tương ứng với mức báo động toàn cầu cao nhất hay không và đi đến thống nhất bày tỏ lo ngại về nguy cơ đại dịch tiếp diễn.

Phát biểu tại cuộc họp, Tổng Giám đốc WHO cho rằng giai đoạn khẩn cấp của đại dịch vẫn chưa kết thúc vì số ca tử vong vẫn gia tăng, đồng thời cảnh báo khả năng ứng phó toàn cầu đối với cuộc khủng hoảng "vẫn còn hạn chế".

Đó là phản ứng toàn cầu vẫn còn lúng túng vì ở rất nhiều quốc gia, những công cụ mạnh mẽ, cứu sinh gồm vaccine, phương pháp điều trị, chẩn đoán vẫn chưa đến được với những người dân cần chúng nhất, đặc biệt là người già và nhân viên y tế.

Đồng thời, nhiều hệ thống y tế trên khắp thế giới đang phải vật lộn để đối phó với COVID-19 cũng như tình trạng nhân viên y tế mệt mỏi.

Thêm vào đó, việc giám sát và giải trình tự gene đã giảm đáng kể trên khắp thế giới, khiến việc theo dõi các biến thể đã biết và phát hiện những biến thể mới trở nên khó khăn hơn…

Hơn 675 triệu ca mắc trên thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu - Ảnh 2.

Một y tá chuẩn bị tiêm cho Jonathan Halter khi đại sứ quán Đức bắt đầu triển khai tiêm vaccine BioNTech COVID-19 cho người Đức xa xứ tại bệnh viện Beijing United Family ở Bắc Kinh, Trung Quốc ngày 5/1/2023. Ảnh: Reuters

Hơn 675 triệu ca mắc trên thế giới, đại dịch COVID-19 vẫn là trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu - Ảnh 3.

Người bà đeo khẩu trang phòng COVID-19 đang bế cháu gái của mình ở Thâm Quyến, Trung Quốc. Ảnh: UN News

Hơn 675 triệu ca mắc COVID-19 trên thế giới

Theo trang thống kê COVID-19 trực tuyến worldometers.info lúc 9 giờ 35 phút ngày 31/1/2023 (giờ Hà Nội), tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới hiện nay là 675,013,547 trường hợp. Tổng số ca đã tử vong là 6,760,663 trường hợp. Tổng số ca đã phục hồi sau khi mắc bệnh là 647,308,156 ca.

Tổng số bệnh nhân đang được điều trị là 20,944,728 ca, trong đó, 99,8% (20,902,564 ca) số bệnh nhân mắc COVID-19 trong tình trạng nhẹ và chỉ có 0,2% ca mắc trong tình trạng nặng hoặc nguy kịch (42,164 ca).

Về tình hình điều trị, đã có 647,308,156 ca hồi phục và xuất viện, chiếm 99% trong tổng số ca mắc COVID-19 trên thế giới.

Tính đến thời điểm hiện tại, Mỹ vẫn là nước ghi nhận số ca mắc COVID-19 cao nhất trên thế giới với 104,183,562 trường hợp, theo sau đó là Ấn Độ với 44,682,719 trường hợp. Pháp xếp thứ 3 trên thế giới với 39,517,451 trường hợp. Xếp thứ 4 là Đức với 37,739,472 ca; thứ 5 là Brazil với 36,809,608 ca mắc COVID-19.

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 11.526.461 ca nhiễm, đứng thứ 13/230quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 117/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 116.484 ca nhiễm).

Nguồn: WHO, worldometers.info, UN News