Hơn 40.000 giáo viên bỏ việc trong 3 năm qua - có đáng lo ngại?

Ngọc Trân
09:09 - 20/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Những năm gần đây, mỗi năm có tới hàng chục ngàn giáo viên bỏ việc là nỗi băn khoăn khá lớn khi ngành giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông 2018. Tình trạng thiếu giáo viên không chỉ đối với các môn học mới mà giáo viên mầm non, tiểu học ở nhiều địa phương cũng đang thiếu khá nhiều.

Hơn 40.000 giáo viên bỏ việc trong 3 năm qua - có đáng lo ngại? - Ảnh 1.

Giáo viên cần được làm việc trong môi trường lành mạnh, giảm tải việc ngoài luồng, tập trung cho giảng dạy. Ảnh: chinhphu.vn

Nguyên nhân cơ bản mà ngành giáo dục thẳng thắn thừa nhận là thu nhập hàng tháng của một bộ phận giáo viên trẻ hiện nay quá thấp và áp lực công việc ngày một nhiều hơn, khó hơn trước đây. Vì thế, một bộ phận giáo viên có cơ hội là họ sẵn sàng bỏ việc để có thu nhập tốt hơn và môi trường làm việc thoải mái hơn.

Vì sao 3 năm gần đây, mỗi năm có hàng chục ngàn giáo viên bỏ việc?

Trước thềm năm học mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã chia sẻ với truyền thông về tình trạng giáo viên nghỉ việc trong những năm gần đây: "Một bộ phận không nhỏ giáo viên đã chuyển nghề, nghỉ việc chuyển hướng đi xuất khẩu lao động, làm ở các khu công nghiệp, làm tự do...

Trong vòng 3 năm học kể từ tháng 8/2020 đến tháng 8/2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông nghỉ việc, bỏ việc lên đến con số hơn 40.000 người. Trong đó 2 năm học có số lượng giáo viên bỏ việc nhiều nhất là năm 2021-2022 (khoảng 16.000) và năm học 2022-2023 (hơn 13.000). 

Ban đầu, chúng tôi đánh giá do tác động của dịch bệnh, đời sống khó khăn dẫn đến đội ngũ nhà giáo rời bỏ nghề nhiều như vậy. Tuy nhiên, khi dịch bệnh lắng xuống, tình trạng đó vẫn tiếp diễn".

Bộ trưởng còn cho biết thêm: "Nhà giáo phải nỗ lực thay đổi rất nhiều trong khi tiền lương chưa thay đổi, cuộc sống không được cải thiện. Đó thực sự là những khó khăn lớn đối với đội ngũ nhà giáo".

Trao đổi về đời sống giáo viên hiện nay, Tiến sĩ Nguyễn Ngọc Ân, Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam còn cho biết thêm: "Nhiều giáo viên ở lại với nghề cũng đang phải làm thêm nhiều việc khác để đảm bảo cuộc sống. Do đó, nếu Nhà nước không kịp thời có những chính sách hỗ trợ giáo viên số lượng thầy cô giáo bỏ việc thời gian tới có thể còn gia tăng. Các giáo viên đều mong muốn có giải pháp để giúp nâng cao hơn thu nhập, có thể toàn tâm toàn ý cho công việc dạy học".

Rõ ràng, qua những chia sẻ của lãnh đạo ngành giáo dục, cũng như nhìn từ bảng lương của giáo viên ở các nhà trường, nhất là những giáo viên có thâm niên nghề còn ít đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Mặc dù ngày 1/7 vừa qua, lương cơ sở đã tăng từ 1.490.000 lên 1.800.000 đồng nhưng thực tế đời sống của một bộ phận lớn giáo viên hiện nay còn vất vả bởi 4 năm vừa qua lương cơ sở đứng yên.

Việc tăng lương cơ sở lên 20,8% vừa qua cũng chỉ bù được các khoản trượt giá. Không chỉ mọi giá cả sinh hoạt, các dịch vụ hàng ngày tăng thêm mà ngay cả tiền điện, tiền nước… cũng đều tăng lên. Ngoài ra, tình hình kinh tế những năm qua do dịch bệnh COVID-19 bùng phát kéo theo nhiều khoản đóng góp, ủng hộ đi kèm. Nhiều giáo viên, nhất là giáo viên các môn học được xem là môn phụ phải xoay đủ nghề để kiếm sống và nuôi nghề dạy học của mình.

Giải bài toán lương giáo viên hiện nay không đơn giản

Mức lương giáo viên mới ra trường đến những thầy cô có thâm niên 15 năm công tác trong ngành giáo dục hiện nay sẽ có mức lương dao động từ 4-8 triệu đồng (tính theo mức lương cơ sở 1.800.000 đồng. Mức lương này, nếu so sánh với những lao động phổ thông, những công nhân đang làm tại các khu công nghiệp rõ ràng lương giáo viên đang thấp hơn. Trong khi, giáo viên không đơn thuần như những lao động phổ thông bởi ngoài chuyện đóng góp các loại quỹ "tự nguyện" còn phải đầu tư rất nhiều cho thiết bị, đồ dùng dạy học, in ấn giáo án, mua tài liệu giảng dạy. Ngoài ra, gần 3 năm nay còn phải học thêm một số chứng chỉ theo quy định của ngành…

Tại sự kiện Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục" vừa qua, đã có rất nhiều ý kiến trao đổi về thu nhập hàng tháng của giáo viên, về chuyện thăng hạng. Chia sẻ với giáo viên về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết: "Ngành Giáo dục có số lượng người hưởng lương, công chức, viên chức rất lớn, chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước. Do đó, mỗi chính sách điều chỉnh, dù nhỏ, cũng cần tính toán các nguồn lực, điều kiện. Bởi vậy, chúng ta mong muốn, kiến nghị nhưng cũng cần từng bước, hợp lý".

Thực tế, việc tăng lương cho giáo viên để "giáo viên sống được bằng lương" thì tự thân ngành giáo dục không quyết được vì liên quan đến nhiều bộ, ngành khác và còn phụ thuộc vào ngân sách nhà nước. Hơn nữa, cả nước có khoảng 1,6 triệu giáo viên - chiếm hơn 70% tổng số công chức, viên chức cả nước nên lương giáo viên chỉ cần nhích lên một chút là ra những con số rất lớn. Trong khi, ngân sách còn khó khăn thì việc tăng lương cho giáo viên nói riêng và cán bộ, công chức, viên chức nói chung là điều không dễ dàng trong lúc này.

Vì thế, 3 năm qua, ngành giáo dục đã có hơn 40.000 người nghỉ việc cũng là điều dễ hiểu. Dù con số này rất lớn, đáng lo ngại khi hàng chục ngàn giáo viên bỏ việc mỗi năm mà nhiều nơi, nhiều trường đang thiếu giáo viên. Song, trong thời buổi kinh tế thị trường thì đây cũng là điều không thể trách các thầy cô bỏ nghề để đi tìm công việc mới. Bởi, ngoài tình yêu nghề, tình yêu công việc thì họ cũng phải yêu và có trách nhiệm với gia đình và con em họ nữa.

Thiết nghĩ, trong bối cảnh toàn ngành giáo dục đang triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới với rất nhiều đầu việc khó, rất nhiều những bỡ ngỡ thì ngoài chuyện thu nhập hàng tháng của giáo viên là ngành giáo dục không thể đứng ra quyết định được nhưng có nhiều cái nằm trong khả năng của ngành. Đó là giảm đi những cuộc thi, hội thi vô bổ. Tuyển dụng, thuyên chuyển công tác cho giáo viên cần minh bạch, không nhũng nhiễu. Quy chế dân chủ cần phát huy ở các nhà trường. Đặc biệt, giảm tải những loại hồ sơ sổ sách, những cuộc họp hình thức để giáo viên tìm thấy niềm vui trong công việc nhằm hạn chế tình trạng "đồng sàng dị mộng" hiện nay của một bộ phận giáo viên.