Hơn 1.000 nhà dân vẫn bị ngập, cô lập do mưa lớn

Minh Châu
11:06 - 29/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Mưa lớn kèm dông lốc những ngày qua ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ đã làm 8 người chết và mất tích, 9 người bị thương, hơn 1.000 nhà dân bị ngập, cô lập, gần 39.000ha lúa, hoa màu bị ngập, hư hại.

Thiệt hại do mưa lớn ở khu vực Bắc Bộ

Theo Cục Quản lý Đê điều và Phòng, chống thiên tai, báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Hòa Bình, Hà Nội, Bắc Giang, Phú Thọ, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình cho biết, ảnh hưởng của mưa lớn kèm dông lốc từ ngày 26 – 28/9/2023 đã gây thiệt hại như sau:

1 người chết do lũ cuốn trôi tại suối Bưng, Cao Phong, Hòa Bình (Ông Bùi Văn Nam, sinh năm 1982 trú tại Xóm Bưng 1, xã Thu Phong, huyện Cao Phong); 3 người mất tích (Sơn La); 1 người bị thương (Yên Bái).

24 nhà bị ngập (Hoà Bình); 60 nhà bị cô lập (Hoà Bình); 2 nhà bị sập (Quảng Ninh); 78 nhà bị hư hỏng do sạt lở (Lào Cai 19, Sơn La 6, Yên Bái 1, Hoà Bình 49, Phú Thọ 3).

21.995ha lúa bị ngập, hư hại (Lào Cai 47, Hoà Bình 1.652, Quảng Ninh 5, Hà Nam 5.848, Nam Định 10.177, Thái Bình 4.266); 5.537ha hoa màu bị ngập, hư hại (Lào Cai 100, Hà Nội 334, Bắc Giang 10, Phú Thọ 108, Hà Nam 1.376, Thái Bình 3.610).

Mưa lũ cũng làm 197 con gia súc, gia cầm bị chết (Hoà Bình), 56 ha ao hồ bị ngập, hư hại (Hoà Bình 16, Hà Nội 40).

65 vị trí giao thông (Lào Cai 58, Yên Bái 2, Hòa Bình 3, Bắc Giang 1, Phú Thọ 1) bị sạt lở với khối lượng 17.027m3.

Vẫn còn hơn 1.000 nhà dân bị ngập, cô lập do mưa lớn - Ảnh 1.

Vẫn còn hơn 1.000 nhà dân bị ngập, cô lập do mưa lớn ở Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ. Ảnh: VOV

Thiệt hại do mưa lớn ở khu vực Bắc Trung Bộ

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, mưa lớn kèm lốc, sét xảy ra từ ngày 24-28/9/2023 đã gây thiệt hại như sau:

3 người chết (Quảng Trị 1 người do sét đánh; Thanh Hóa 2 người do lũ cuốn trôi, cháu Lê Nhật Minh, 14 tuổi, xã Lương Nội, huyện Bá Thước và ông Cao Ngọc Trường, sinh năm 1980, xã Bình Lương, huyện Như Xuân); 1 người mất tích (Thanh Hóa); 8 người bị thương (Thừa Thiên Huế).

145/1.860 nhà còn bị ngập (Nghệ An); 927 nhà tại Nghệ An và 3 bản tại Quảng Bình bị cô lập; 9 nhà bị sập (Nghệ An); 422 nhà bị hư hỏng (Thanh Hóa 59, Nghệ An 185, Quảng Trị 88, Thừa Thiên Huế 84).

2.945ha lúa bị ngập, hư hại (Thanh Hóa 1.078, Nghệ An 1.867); 5.757ha hoa màu bị ngập, hư hại (Thanh Hóa 2.417, Nghệ An 3.340) và 2.519ha cây trồng khác bị hư hại (Nghệ An).

4.017 con gia súc, gia cầm bị chết (Nghệ An), 1.065 ha ao hồ bị ngập (Nghệ An).

78 vị trí giao thông (Nghệ An 76, Hà Tĩnh 2) bị sạt lở với khối lượng 8.088 m3, tổng chiều dài 10.835m; 6 cầu giao thông hư hỏng (Nghệ An 3, Hà Tĩnh 3); 7 cống hư hỏng (Nghệ An).

1 tàu cá bị chìm khi đang neo đậu trên sông Gianh (Quảng Bình).

Thiệt hại khác: 69 cột điện bị gãy đổ (Nghệ An 67, Thừa Thiên Huế 2); 1 nhà văn hoá, 3 nhà kho bị hư hỏng (Quảng Trị); sập đổ 2.469m hàng rào (Thanh Hoá 230, Nghệ An 2.179, Hà Tĩnh 60); 460m ống nước sinh hoạt bị hư hỏng (Nghệ An); 2 nhà hàng nổi bị chìm, trôi (Quảng Bình).

mua lon 1.jpg

Lực lượng Cảnh sát giao thông Công an huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa hướng dẫn, tổ chức di chuyển người dân và các cháu học sinh qua đập tràn bảo đảm an toàn. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an

Ngoài ra, theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội và Hà Nam, ngày 28/9/2023 đã xảy ra 3 sự cố đê điều (Hà Nội: 2, Hà Nam: 1), cụ thể như sau:

Sự cố sạt lở đê hữu Bùi tại vị trí thượng lưu cống qua đê trạm bơm Nhân Lý, huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội (đê cấp IV): sạt lở hai bên mang cống với chiều dài khoảng 5m; địa phương đã khoanh vùng sạt lở, và tiến hành xử lý giờ đầu, cắm cọc tre gia cố chân và đắp áp trúc mái đê bị sạt.

Sự cố sạt trượt mái đê thượng lưu đê tả Đáy đoạn từ K48+850-K48+860 trên địa bàn, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội (đê cấp I): chiều dài cung sạt khoảng 10m; địa phương đã cắm biển cảnh bảo, căng dây khoanh vùng sạt lở.

Sự cố sạt trượt mái đê thượng lưu đê tả Đáy đoạn từ K104+870-K104+891 trên địa bàn xã Kim Bình, thành phố Phủ Lý (đê cấp III): chiều dài cung sạt khoảng 21m, cung sạt thẳng đứng cao từ (0,8-1,2)m, mép cung sạt cách mặt đê (2,5-5,25)m.

Tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ

Ngày 28/9/2023, Thủ tướng Chính phủ có Công điện số 898/CĐ-TTg gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Thanh Hoá, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Ninh Bình, Hoà Bình, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ và các Bộ, ngành về việc tập trung ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Cùng ngày, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai có văn bản số 364/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai về việc chủ động ứng phó với triều cường Rằm tháng Tám Âm Lịch.

Ngày 28/9/2023, Bộ Công an có Công điện số 09/CĐ-BCA-V01, Bộ Công Thương có Công điện số 6662/CĐ-BCT, Bộ Y tế có Công điện số 1265/CĐ-BYT về việc ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ.

Đoàn công tác của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai đã đi kiểm tra công tác ứng phó và khắc phục hậu quả mưa lũ tại Nghệ An.

mua lon 2.jpg

Mưa lớn gây ngập lụt và sạt lở tại nhiều địa phương trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Ảnh: Cổng TTĐT Bộ Công an

Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai đã ban hành văn bản số 849/ĐĐ- QLĐĐ gửi Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố Hà Nội, Phú Thọ, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa và Nghệ An về việc triển khai công tác đảm bảo an toàn hệ thống đê điều ứng phó với tình hình mưa lũ.

Ngày 27/9/2023, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai có văn bản số 362/VPTT gửi Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh từ Thanh Hoá đến Hà Tĩnh và các tỉnh miền núi phía Bắc về việc ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, nguy cơ lũ quét, sạt lở đất.

Tại địa phương, các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất. Các tỉnh Yên Bái, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Hoà Bình, Ninh Bình, Thái Bình đã ban hành văn bản triển khai ứng phó.

Các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tiếp tục huy động lực lượng hỗ trợ người dân khắc phục nhà ở, ổn định đời sống; tổ chức kiểm soát giao thông tại các điểm bị ngập sâu, chia cắt.

Các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương và Đồng Nai chủ động triển khai các biện pháp ứng phó với triều cường Rằm tháng Tám Âm Lịch.

Các địa phương tổ chức trực ban, theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai, chủ động triển khai các biện pháp ứng phó.