Hơn 1 thế kỷ nằm dưới đáy đại dương, vì sao xác tàu Titanic không thể trục vớt?
Trong suốt 111 năm qua, tàu Titanic vẫn như một "nghĩa trang" khổng lồ để hơn 1.500 nạn nhân được yên nghỉ trong lòng Đại Tây Dương ở độ sâu hơn 4.000 mét. Dù công nghệ ngày càng phát triển, nhiều phương án trục vớt xác tàu Titanic được đưa ra nhưng đều không khả thi.
Titanic - chuyến tàu định mệnh năm 1912
Tàu Titanic, với tên gọi đầy đủ là Royal Mail Ship Titanic, được xem là con tàu lớn, hiện đại, lộng lẫy và sang trọng bậc nhất những năm đầu thế kỷ 20. Con tàu từng được coi là một đỉnh cao của kiến trúc hàng hải và là một tiến bộ công nghệ với chiều dài gần 300 mét, cao 25 tầng, nặng 46.000 tấn.
Titanic khởi hành từ cảng thành phố Southampton (Anh) vào ngày 10/4/1912, dự kiến tới New York (Mỹ), bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên và cũng là cuối cùng của nó. Giới thượng lưu khi ấy phải bỏ ra khoảng 4.350 USD cho một vé ở khoang hạng nhất.
Chỉ bốn ngày sau khi xuất phát, vào đêm 14/4/2912, con tàu đâm vào một tảng băng trôi, làm vỡ ít nhất 5 khoang thân tàu. Các ngăn này chứa đầy nước và kéo mũi tàu xuống.
Do các khoang của Titanic không có nắp ở trên cùng, nên nước từ các khoang bị vỡ tràn vào từng khoang tiếp theo, khiến mũi tàu chìm xuống và đuôi tàu được nâng lên gần như thẳng đứng trên mặt nước. Sau 2 giờ 40 phút, tàu Titanic đã bị gãy làm đôi, đuôi tàu và mũi tàu chìm hoàn toàn xuống đáy đại dương.
Vì thiếu xuồng cứu sinh và thiếu các quy trình cứu hộ khẩn cấp nên chỉ có khoảng 700 người được cứu sống nhờ lên thuyền cứu hộ, mặc áo phao hoặc nằm trên các vật dụng có thể nổi trên mặt nước như thùng phi, cửa gỗ... Hầu hết những người sống sót là phụ nữ và trẻ em.
Tìm thấy xác Titanic dưới đáy đại dương sau 73 năm
Vào tháng 9 năm 1985, nhà hải dương học Robert Ballard muốn thử nghiệm tàu ngầm robot, một loại công nghệ mới sẽ được sử dụng để tìm kiếm tàu chiến và tàu ngầm bị chìm.
Theo đó, ông Robert Ballard yêu cầu Hải quân Mỹ cho phép ông thử xác định vị trí Titanic bằng công nghệ mới này và đã được cấp phép để tiến hành.
Chỉ sau hai tuần tìm kiếm ở độ sâu 12.500 mét dưới mặt nước, nhóm các nhà khoa học do Robert Ballard dẫn đầu đã xác định vị trí xác Titanic ở độ sâu hơn 4.000 mét dưới bề mặt Đại Tây Dương, cách tỉnh Newfoundland (Canada) khoảng 590km về phía đông nam.
Các cuộc thám hiểm dưới đáy đại dương sau đó phát hiện ra rằng, Titanic không chỉ ở trong tình trạng phân hủy nặng nề mà còn bị gãy đôi thành hai mảnh. Một phần thân tàu bị hư hại nặng ở mạn phải của mũi tàu đã cung cấp bằng chứng cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ va chạm với một tảng băng trôi năm xưa.
Kế hoạch trục vớt xác tàu Titanic
Sau khi phát hiện ra tàu Titanic ở độ sâu hơn 4.000 mét, các nhà khoa học thấy rằng, việc khôi phục từng mảnh vỡ của con tàu này trở về nguyên vẹn là điều không thể. Tuy nhiên, tình trạng của Titanic dưới đáy đại dương không ngăn được những thiên tài với bộ óc phiêu lưu nghĩ ra cách đưa nó trở lại.
Các ý tưởng từ đơn giản đến "lố bịch" được đưa ra để trục vớt xác Titanic như: sử dụng cần cẩu gắn trên tàu cứu hộ hay lấp đầy Titanic bằng những quả bóng bàn và gắn những quả bóng bay chứa đầy khí heli vào thân tàu, rồi đóng băng con tàu như một khối băng cho đến khi xác tàu nổi lên.
Một số khác đề xuất đặt những quả bóng bay lớn bên dưới thân tàu Titanic để giúp nâng nó lên trên mặt nước. Tuy nhiên, vấn đề là những quả bóng bay phải được thổi phồng với một áp suất cực lớn để giúp con tàu nổi lên mặt nước và áp suất khổng lồ này có thể dẫn đến việc con tàu bị tan rã.
Hoạt động trục vớt thành công nhất diễn ra vào năm 1998 khi công ty RMS Titanic đã cố gắng nâng một phần thân tàu nặng 20 tấn, rộng 91 mét vuông – phần đã đã tách rời khỏi con tàu khi va chạm 86 năm trước đó. Nhóm phục chế cũng đã mang về khoảng 5.000 hiện vật, bao gồm đồ trang sức, đồ chơi, bát đĩa và các thiết bị được sử dụng trên tàu.
Nguyên nhân không thể trục vớt Titanic
Cho đến nay, các cuộc thám hiểm trục vớt khác vẫn chưa thể mang về bất cứ thứ gì lớn hơn tấm thân tàu này. Các nhà hải dương học đã chỉ ra rằng, môi trường biển khắc nghiệt đã tàn phá phần còn lại của con tàu sau hơn một thế kỷ dưới mặt nước.
Tính acid của nước biển đã ăn mòn con tàu và làm tổn hại đến tính toàn vẹn của nó đến mức phần còn lại của Titanic có thể sẽ vỡ vụn nếu bị can thiệp. Cùng với đó, các vi khuẩn gây rỉ sét trên phần lớn thân tàu, lan can boong tàu cũng đã ăn mòn con tàu, làm suy yếu thêm cấu trúc.
Nội thất của con tàu cũng ở trong tình trạng tồi tệ không kém với các boong bị sập hoàn toàn. Do đó, các lối đi bên trong mà trước đây từng có thể tiếp cận được bởi tàu ngầm mini robot nay đã bị hỏng và các khoang cabin hầu như đã xuống cấp theo thời gian.
Đến năm 2016, các nhà khoa học đã phát hiện ra một sinh vật gọi là vi khuẩn extremophile – một nhân tố hung hăng hơn trong việc phá hủy những gì còn lại của Titanic, khiến nhiều người tin rằng toàn bộ tàn dư của con tàu sẽ bị phân hủy hoàn toàn vào năm 2030.
Giải pháp nào để "hồi sinh" tàu Titanic?
Với việc trục vớt cục bộ trở nên bất khả thi, những lo ngại khác đã được đặt ra về việc phải làm gì với các bộ phận đơn lẻ của con tàu vẫn có thể được trục vớt.
Những người theo chủ nghĩa bảo tồn lập luận rằng, sự phân hủy dần dần của con tàu khiến việc giữ lại những đồ vật gắn liền với một huyền thoại nổi tiếng và bi thảm của lịch sử loài người trở nên quan trọng hơn.
Trong khi đó, những người không tán thành với quan điểm này lại phản biện rằng, cuộc triển lãm Titanic: The Artifact Exhibition 2020 tại Las Vegas năm 2020 – nơi trưng bày 108 cổ vật được trục vớt từ con tàu xấu số - là bằng chứng cho thấy bất kỳ nỗ lực khai hoang nào từ con tàu chỉ nhằm mục đích kiếm tiềm vụ lợi.
Một số nhóm khác cho rằng Titanic nên được bảo tồn nguyên vẹn và coi như một nghĩa trang để 1.500 nạn nhân được yên nghỉ. Tuy nhiên, các nhà hải dương học tiết lộ rằng, không có bằng chứng về hài cốt của con người sau hàng trăm lần lặn tìm kiếm. Nguyên nhân được cho là do môi trường đại dương cùng các sinh vật biển đã ăn những hài cốt của những nạn nhân xấu số này.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google