Hôm nay, Việt Nam sẽ được ngắm nguyệt thực nửa tối - "mặt trăng hoa"

Trần Vũ
08:07 - 05/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

22h15 tối 5/5 (giờ Việt Nam), toàn bộ lãnh thổ Việt Nam nằm trong khu vực quan sát nguyệt thực nửa tối. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguyệt thực nửa tối (còn gọi mặt trăng hoa) dự kiến sẽ bắt đầu đêm 5/5, đạt cực đại vào lúc 0h22 sáng 6/5.

Hôm nay, Việt Nam sẽ được ngắm nguyệt thực nửa tối - "mặt trăng hoa" - Ảnh 1.

Gần 84% dân số toàn cầu sẽ thấy nguyệt thực nửa tối, bao gồm Việt Nam. Ảnh minh họa.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguyệt thực nửa tối dự kiến đạt cực đại vào lúc 0h22 sáng 6/5

Nguyệt thực nửa tối toàn phần rất hiếm gặp. Lần này còn được gọi là "mặt trăng hoa" (đặt theo tên các loài hoa nở khắp Bắc bán cầu vào thời điểm này trong năm) sẽ bắt đầu và có thể quan sát từ bất cứ nơi nào mà mặt trăng ở phía trên đường chân trời, gồm châu Nam Cực, châu Á, Nga, châu Đại Dương, Đông và Trung Phi.

Toàn bộ lãnh thổ Việt Nam nằm trong khu vực quan sát nguyệt thực trọn vẹn. Tại Thành phố Hồ Chí Minh, nguyệt thực nửa tối dự kiến sẽ bắt đầu đêm 5/5, đạt cực đại vào lúc 0h22 sáng 6/5. Trăng sẽ xuất hiện sáng và tròn trên khắp thế giới vào ngày 5-7/5. 

Đây là lần nguyệt thực nửa tối sâu nhất cho đến năm 2042. Chỉ một phần của thế giới mới có thể nhìn thấy hiện tượng này. "Mặt trăng hoa" sẽ di chuyển qua một phần bóng của Trái đất và bị che khuất trong vài giờ. Sự kiện sẽ được hiển thị cho hơn 6,6 tỷ người.

Theo Tiền phong, người xem ở Trung Đông, Châu Phi, Châu Á, Úc, New Zealand và Nam Cực, cũng như Đại Tây Dương, Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương có thể xem Mặt trăng bị che khuất.

Người dân ở Bắc Mỹ, Nam Mỹ hoặc hầu hết châu Âu sẽ không quan sát được nguyệt thực nửa tối vì mặt trăng sẽ ở dưới đường chân trời trong toàn bộ thời điểm Trái Đất ở trong bóng của mặt trăng.

Sự kiện nguyệt thực lần này sẽ kéo dài tổng cộng 4 giờ 18 phút.

Nguyệt thực nửa tối toàn phần xảy ra khi Trái đất nằm chính giữa mặt trời và mặt trăng, và là một phần của quỹ đạo của Mặt trăng thẳng hàng giống như nguyên nhân gây ra nhật thực toàn phần gần đây.

Trăng tròn trong lần nguyệt thực này sẽ rất dễ quan sát mà không bị lóa. Các nhà quan sát có thể nhận thấy bóng râm trên bề mặt mặt trăng. Với những người quan sát từ trái đất, mặt trăng trông tối đi nhưng không biến mất hoàn toàn. 

Tuy nhiên, những lần nguyệt thực hiếm hoi như thế này gây tối nhiều hơn và có thể nhìn thấy bằng mắt thường dễ dàng hơn. Một khi mặt trăng đi vào vùng nửa tối hoàn toàn, nhiều khả năng ít nhất một phần mặt trăng sẽ chạm tới vùng bóng tối (umbra) - phần bên trong tối hơn của bóng trái đất.

Lần gần đây nhất có thể quan sát nguyệt thực nửa tối từ Bắc Mỹ là vào ngày 30/11/2020 và hiện tượng thiên văn đặc biệt này sẽ trở lại vào ngày 25/3/2024. Nguyệt thực toàn phần tiếp theo - thường được gọi là "trăng máu" - sẽ diễn ra vào ngày 13-14/3 năm 2025.

Theo TTXVN, nhà nghiên cứu Đặng Vũ Tuấn Sơn, Chủ tịch Hội Thiên văn và Vũ trụ học Việt Nam (VACA) cho biết, nguyệt thực nói chung và "Nguyệt thực nửa tối" nói riêng xảy ra khá nhiều, gần như năm nào cũng có để quan sát. Với lần này, việc quan sát sẽ khá thuận lợi vì hiện tượng "Nguyệt thực nửa tối" diễn vào gần nửa đêm, là khi mặt trăng lên rất cao trên bầu trời. Khác với nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, với "Nguyệt thực nửa tối", mặt trăng chỉ đi vào vùng nửa tối của Trái Đất. Do đó, nó vẫn nhận được một lượng lớn ánh sáng mặt trời. Phần mặt trăng được bao phủ bởi bóng nửa tối có sự tối đi một chút và chuyển sang sắc đỏ nhạt.

Người quan sát nên chú ý thời tiết, cần một bầu trời trong gần như không có mây để có thể nhìn thấy mặt trăng. Ngoài ra, nên chọn vị trí quan sát là nơi ít ô nhiễm ánh sáng để việc quan sát hiệu quả hơn. Một chiếc kính thiên văn, ống nhòm hoặc máy ảnh có zoom quang học tương đối cao sẽ giúp việc quan sát thú vị hơn.

Tuy nhiên ngay cả bằng mắt thường, người dân vẫn có thể quan sát dễ dàng và an toàn hiện tượng này. Khác với nguyệt thực toàn phần hoặc một phần, "Nguyệt thực nửa tối" không chuyển sang màu đỏ thẫm và tối, nó chỉ có sắc đỏ nhạt và tối hơn trăng tròn thông thường đôi chút.



Bình luận của bạn

Bình luận