Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9: Tăng cường năng lực số cho thanh niên
Ngày 14/9, Quốc hội Việt Nam và Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đã tổ chức Tọa đàm “Tăng cường năng lực số cho thanh niên” tại Nhà Quốc hội, Hà Nội.
Chuyển đổi số là cơ hội để thanh niên đi nhanh hơn, bứt phá tạo những giá trị mới
Tọa đàm “Tăng cường năng lực số cho thanh niên” là hoạt động đầu tiên trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9, diễn ra tại Hà Nội, từ ngày 14 -18/9 với chủ đề: “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo”.
Phát biểu tại Tọa đàm, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Chủ nhiệm Ủy ban quốc gia về Thanh niên Việt Nam Bùi Quang Huy cho biết, chuyển đổi số là một xu hướng tất yếu khách quan, diễn ra trên mọi mặt của đời sống xã hội, trên phạm vi toàn cầu mà không một quốc gia, tổ chức, cá nhân nào có thể đứng ngoài tiến trình đó.
Cùng với nhận thức chung của Đảng, Nhà nước Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh xác định chuyển đổi số trước hết là chuyển đổi về nhận thức, bởi với công nghệ số người dùng có vai trò quan trọng hơn người tạo ra công nghệ gốc. Muốn chuyển đổi số cần có những công dân có đầy đủ năng lực số để học tập, làm việc, kinh doanh, khởi nghiệp, giải trí… trên môi trường số, bởi đây là cuộc cách mạng toàn dân. Người trẻ, hơn ai hết phải là đối tượng tiên phong trong nâng cao năng lực số của bản thân và hỗ trợ cộng đồng nâng cao năng lực số.
Theo ông Bùi Quang Huy, trong bối cảnh chuyển đổi số, thanh niên phải đối mặt với những thách thức không nhỏ mà điển hình nhất, dễ thấy nhất đó là sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường lao động khi máy móc dần thay thế con người trong một số lĩnh vực và sự chuyển dịch về lực lượng lao động toàn cầu. Với sự cạnh tranh khắc nghiệt như vậy, nếu thanh niên không quan tâm tới việc tăng cường năng lực số của bản thân, chủ động tham gia quá trình chuyển đổi số thì không chỉ ảnh hưởng tới chính cơ hội nghề nghiệp, việc làm, phát triển bản thân trong tương lai của thanh niên bị ảnh hưởng mà rộng hơn là thương hiệu quốc gia bị ảnh hưởng.
“Những ý kiến được chia sẻ trong Tọa đàm ngày hôm nay sẽ giúp các cơ quan, tổ chức của Việt Nam và các nước trên thế giới có thêm nhiều thông tin quý báu trong quá trình xây dựng và thực thi các chính sách, hành động nhằm nâng cao năng lực số cho thanh niên, góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo; cùng nhau hành động vì sự phát triển phồn vinh, thịnh vượng của mỗi quốc gia và toàn thế giới”, ông Bùi Quang Huy nhấn mạnh.
Phát biểu tại Tọa đàm, Tổng Thư ký Liên minh Nghị viện thế giới (IPU) Martin Chungong khẳng định, Tọa đàm là bước khởi đầu quan trọng cho các hoạt động trong khuôn khổ Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 diễn ra tại Hà Nội. Quá trình phát triển, IPU đã thực sự trở thành một tổ chức toàn cầu của nghị viện các quốc gia trên thế giới, với 179 nghị viện thành viên và 14 cơ quan nghị viện khu vực; đồng thời đại diện cho 90% dân số thế giới. Vì thế, việc tạo động lực và trao quyền cho giới trẻ là nhiệm vụ của IPU.
Trong thời đại công nghệ số có nhiều cơ hội và thách thức đi kèm, ông Martin Chungong nhấn mạnh đến việc gắn kết thanh niên vào những nỗ lực này là sự đầu tư cần thiết cho tương lai.
“Việc sử dụng công nghệ số giúp chúng ta hoạt động hiệu quả hơn, tăng cường kết nối hơn. Các nghị viên trẻ đang có những nhân tố quan trọng để thúc đẩy hợp tác thông qua công nghệ số. Nhờ công nghệ số mà thanh niên có thể góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, kết nối với thế giới. Vì thế, việc xây dựng công nghệ số cho giới trẻ là việc đầu tư thỏa đáng cho mục tiêu bao trùm trong tương lai”, ông Martin Chungong nhấn mạnh.
Tại Tọa đàm, các diễn giả, đại biểu đã trao đổi, thảo luận nhiều nội dung liên quan đến quá trình chuyển đổi số của Việt Nam cũng như các nước trên thế giới; đặc biệt là vai trò của thanh niên trong việc đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số vào các lĩnh vực trong cuộc sống. Các đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp quan trọng để nâng cao năng lực số cho giới trẻ; chia sẻ những nguy cơ và thách thức mà giới trẻ khi tiếp cận những tiến bộ về công nghệ số hiện nay.
Chương trình Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9
Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 do Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức từ ngày 14-17/9/2023, tại Việt Nam với chủ đề “Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu Phát triển Bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo". Đây là lần đầu tiên Quốc hội Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu.
Với chủ đề vừa mang tính thời sự vừa hướng đến tương lai phát triển bền vững trên toàn cầu, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 là cơ hội để các nghị sĩ trẻ đến từ các nghị viện thành viên Liên minh Nghị viện thế giới cùng nhau thảo luận về các hành động của nghị viện, phát huy vai trò của giới trẻ trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, thúc đẩy đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững.
Hội nghị thu hút sự tham dự của gần 500 đại biểu quốc tế và trong nước, đến từ nghị viện các nước thành viên IPU và các tổ chức liên nghị viện, tổ chức quốc tế, quan sát viên. Đây là lần tổ chức có quy mô lớn nhất từ trước đến nay của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu.
Theo chương trình, sáng mai, ngày 15/9, Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu lần thứ 9 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội.
Ngay sau phiên khai mạc, Hội nghị sẽ nghe phát biểu đề dẫn về tình hình thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững và vai trò của chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Tiếp đó, Hội nghị sẽ tiến hành 3 phiên thảo luận chuyên đề.
Cụ thể, Phiên thảo luận chuyên đề 1 về "Chuyển đổi số" sẽ tập trung vào: việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy quá trình chuyển đổi số nhằm tăng cường các cơ hội phát triển kinh tế bền vững; chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sĩ trẻ nhằm thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (4IR); chia sẻ những tiến bộ đạt được trong việc số hóa các hoạt động của nghị viện vì sự phát triển bền vững.
Tại Phiên thảo luận chuyên đề 2 về "Đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp", Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về việc hoàn thiện thể chế, chính sách trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (bao gồm cả khởi nghiệp của thanh niên) làm động lực cho sự phát triển bao trùm và bền vững, trong đó có lĩnh vực công nghệ thực phẩm (foodtech); chia sẻ kinh nghiệm của nghị viện các nước trong công tác lập pháp, giám sát và vai trò của các nghị sĩ trẻ nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp; trao đổi, thảo luận về sự phát triển của trí tuệ nhân tạo góp phần đẩy mạnh quá trình đạt được SDGs; đề xuất với các nghị viện về các chính sách và giải pháp về việc xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách để giảm thiểu các rủi ro liên quan đến trí tuệ nhân tạo.
Tại Phiên thảo luận chuyên đề 3 về "Thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa vì sự phát triển bền vững", Hội nghị sẽ tập trung thảo luận về: vai trò của các nghị viện và nghị sĩ trẻ trong việc thúc đẩy tôn trọng đa dạng văn hóa trong bối cảnh chuyển đổi công nghệ và toàn cầu hóa; hợp tác kỹ thuật số dựa trên đạo đức và giảm thiểu tác động không mong muốn của chuyển đổi số đối với quyền riêng tư, bảo mật và hạnh phúc; phát huy vai trò của văn hóa trong các chính sách phát triển tại cấp độ quốc gia, khu vực và quốc tế; cam kết bảo vệ và phát huy sự đa dạng văn hóa; tạo môi trường, hệ sinh thái thuận lợi cho văn hóa và đa dạng văn hóa; vai trò của văn hóa và đa dạng văn hóa trong phát triển bền vững.
Đặc biệt, Hội nghị dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố Hội nghị về Vai trò của giới trẻ trong việc thúc đẩy thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững thông qua chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo. Đây sẽ là Tuyên bố đầu tiên của Hội nghị Nghị sĩ trẻ toàn cầu sau 8 kỳ hội nghị.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google