Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12: Xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả
Ngày 13/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12. Đây là sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam là Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022-2023.
Tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, giáo dục đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển của mọi quốc gia, mọi dân tộc trong mọi thời đại. Việt Nam coi giáo dục là quốc sách. Phát triển giáo dục được xác định là 1 trong 3 khâu đột phá để thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam giai đoạn 2021-2030.
Bày tỏ sự vinh dự của Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam khi là Chủ tịch kênh giáo dục ASEAN nhiệm kỳ 2022 và 2023 trong bối cảnh mới, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, với tinh thần “giáo dục cần dựa trên những nguyên tắc hợp tác, cộng tác và đoàn kết”, Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam lựa chọn chủ đề của nhiệm kỳ này là "nỗ lực chung nhằm tái định hình việc học và tăng cường khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục khu vực ASEAN và hơn thế nữa trong bối cảnh mới”.
Để phù hợp với chương trình hành động của ASEAN về giáo dục giai đoạn 2021-2025, cũng như hướng tới tăng cường thúc đẩy khả năng thích ứng của hệ thống giáo dục trong bối cảnh mới, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra một số ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam làm chủ tịch kênh giáo dục 2022-2023 như sau:
- Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe tinh thần của người học;
- Tăng cường giáo dục về bảo vệ môi trường, biến đổi khí hậu;
- Bảo đảm việc tiếp cận giáo dục công bằng và có chất lượng cho người học, đặc biệt là nhóm yếu thế;
- Thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện và đảm bảo an toàn không gian mạng cho người học;
- Đổi mới sáng tạo trong giáo dục đại học nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế-xã hội.
Những ưu tiên này phù hợp với 5 nội dung mà Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres đã kêu gọi các nước cam kết cho giáo dục và 5 chủ đề thảo luận tại Hội nghị thượng đỉnh Giáo dục được tổ chức tại New York, Mỹ vào các ngày 17, 18 và 19/9 vừa qua.
Với mong muốn tiếp tục nhận được sự ủng hộ và hỗ trợ từ các nước thành viên ASEAN và các đối tác trong nhiệm kỳ Chủ tịch của mình, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam cam kết “cố gắng hết sức để hiện thực hóa những ưu tiên và định hướng lớn của giáo dục ASEAN trong giai đoạn sắp tới”.
Thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh, đây là sự kiện có ý nghĩa đặc biệt, nếu tính luân phiên tổ chức trong ASEAN thì 20 năm nữa, Việt Nam mới lại có vinh dự đăng cai. Sự kiện còn đặc biệt hơn khi được tổ chức trực tiếp sau 2 năm cả thế giới, trong đó có ngành Giáo dục, phải chống chọi với đại dịch COVID-19 và việc học tập ở khắp nơi trên thế giới đều bị gián đoạn.
Phó Thủ tướng khẳng định, giáo dục luôn được xác định là ưu tiên hàng đầu của cộng đồng ASEAN; là 1 trong 3 mục tiêu được ghi trong Hiến chương ASEAN. Cũng như các quốc gia khác, Việt Nam luôn xác định giáo dục là quốc sách hàng đầu, luật định dành ít nhất 20% ngân sách nhà nước cho giáo dục. Con người là trung tâm của quá trình phát triển, mọi sự phát triển kinh tế - xã hội đều vì con người, vì một cuộc sống tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.
Thông qua Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN lần thứ 12 và những ưu tiên trong nhiệm kỳ Việt Nam vinh dự làm Chủ tịch luân phiên của hợp tác giáo dục ASEAN năm 2022 và 2023, Phó Thủ tướng bày tỏ sự tin tưởng, những người đứng đầu ngành Giáo dục các nước ASEAN sẽ cùng xây dựng và thực thi chính sách giáo dục đúng đắn, hiệu quả, trước mắt để khôi phục và duy trì tính liên tục của hoạt động học tập.
Về trung và dài hạn, bằng cách xây dựng hệ thống giáo dục linh hoạt và tự cường hơn, từng quốc gia và cả cộng đồng ASEAN sẽ sẵn sàng ứng phó với những thách thức có thể gây ra gián đoạn học tập hay ảnh hưởng nghiêm trọng.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định, Chính phủ Việt Nam sẽ ủng hộ và tạo điều kiện tối đa để hỗ trợ Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam chủ trì, cùng các bộ ngành, địa phương thúc đẩy việc thực hiện các hoạt động được thống nhất tại hội nghị này, phù hợp với tinh thần của Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025 và các mục tiêu của Cộng đồng Văn hóa Xã hội ASEAN đến năm 2025, góp phần để Việt Nam và ASEAN hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc.
Tại Hội nghị, Bộ trưởng các nước thành viên ASEAN tập trung trao đổi về tình hình giáo dục và đào tạo của mỗi nước, chia sẻ các bài học thực tiễn, kinh nghiệm và tìm kiếm giải pháp hợp tác, hướng tới phát triển giáo dục bền vững của mỗi quốc gia, đặc biệt là trong bối cảnh hậu đại dịch COVID-19.
Hội nghị cũng cập nhật tình hình triển khai các hoạt động trong khuôn khổ Kế hoạch hành động giáo dục ASEAN giai đoạn 2021-2025 và thảo luận các vấn đề khác.
Đồng thời thống nhất về sự cần thiết của việc mở cửa trường học trở lại an toàn và duy trì việc mở cửa các trường học, khắc phục tình trạng hao hụt kiến thức và gia tăng khả năng thích ứng cho hệ thống giáo dục trong ASEAN và các quốc gia thành viên trước đại dịch, thảm họa và tình huống khẩn cấp trong tương lai. Nhu cầu chuyển đổi số các hệ thống giáo dục trong ASEAN cùng sự cần thiết của việc đảm bảo sức khỏe tinh thần và phúc lợi cho các bên liên quan trong nền giáo dục toàn ASEAN cũng được nhấn mạnh tại Hội nghị.
Ngày 14/10, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam Nguyễn Kim Sơn sẽ chủ trì Hội nghị Bộ trưởng Giáo dục ASEAN+3 (với các đối tác Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc) lần thứ 6 và Hội nghị thượng đỉnh Bộ trưởng Giáo dục Đông Á ASEAN-EAS (gồm các nước ASEAN+3 và các đối tác Mỹ, Australia, New Zealand, Nga, Ấn Độ) lần thứ 6.
Tại đây, các Bộ trưởng và trưởng đoàn sẽ thảo luận về các chương trình, hỗ trợ và đóng góp của các nước đối tác trong cơ chế hợp tác ASEAN+3 và ASEAN-EAS đối với các quốc gia thành viên ASEAN trong giáo dục, cùng các vấn đề khác.
Hai Hội nghị này cũng sẽ thông qua các Tuyên bố chung - văn kiện quan trọng giúp định hướng các hoạt động của hợp tác giáo dục ASEAN cho giai đoạn từ nay đến 2025.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google