Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất 4 kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học – khuyến tài

Đắc Quang
16:23 - 25/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với Hội Khuyến học Việt Nam ngày 25/5, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng đã báo cáo, công tác khuyến học - khuyến tài của Hội và đề xuất 4 kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác này.

Hội Khuyến học Việt Nam đóng góp tích cực vào sự nghiệp chấn hưng và đổi mới giáo dục và đào tạo

Theo Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng, trải qua hơn 1/4 thế kỷ xây dựng và phát triển, nhất là trong nhiệm kỳ vừa qua, Hội Khuyến học Việt Nam đã có những đóng góp vào sự nghiệp chấn hưng và đổi mới giáo dục và đào tạo, hình thành và xây dựng xã hội học tập ở Việt Nam, đã xác định mô hình xã hội học tập phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của nước nhà.

Đồng thời thúc đẩy phong trào học tập suốt đời của người lớn và hỗ trợ hoạt động dạy và học của hệ thống giáo dục chính quy, tham gia tích cực đào tạo bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ cho sự phát triển của đất nước.

Hội Khuyến học Việt Nam đề xuất 4 kiến nghị với Chính phủ tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học – khuyến tài - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà thăm và làm việc với Hội Khuyến học Việt Nam ngày 25/5. Ảnh: Tô Dương

Hội Khuyến học Việt Nam tổ chức quán triệt, triển khai các chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, các đề án, chương trình, kế hoạch và chỉ đạo của Thủ tưởng Chính phủ về đẩy mạnh công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập và nhân rộng các mô hình học tập giai đoạn 2021-2030.

Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam và hội khuyến học các địa phương đã ký kết chương trình phối hợp; đổi mới công tác thông tin, tuyên truyền, góp phần nâng cao nhận thức các cấp, các ngành, của người dân về công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; quan tâm, triển khai sâu sát, hiệu quả công tác tổ chức hội và phát triển hội viên.

Đến nay, Hội Khuyến học Việt Nam có 63 tổ chức hội cấp tỉnh, hơn 23 triệu hội viên; trên 16.700 hội khuyến học cơ sở; trên 131.000 chi hội khuyến học; trên 129.000 ban khuyến học.

Bên cạnh đó, công tác phát triển quỹ khuyến học – khuyến tài được hội khuyến học từ trung ương đến địa phương đặc biệt quan tâm. Đến nay, tổng số quỹ khuyến học – khuyến tài trên cả nước đạt hơn 4.000 tỉ đồng.

4 đề xuất, kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học – khuyến tài - Ảnh 3.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng báo cáo tại buổi làm việc của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà với Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Tô Dương

Hội khuyến học các cấp đã tổ chức nhiều hoạt động huy động kinh phí hỗ trợ học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn, học sinh, sinh viên xuất sắc, tạo học bổng cho người lớn và giải thưởng khuyến khích tài năng.

Thời gian tới, Hội Khuyến học Việt Nam nỗ lực thực hiện tốt 10 nhiệm vụ Đại hội 6 đề ra, bám sát chỉ thị, nghị quyết, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.

Trong đó, Hội Khuyến học Việt Nam sẽ đẩy mạnh việc phát triển các tổ chức hội và hội viên theo hướng tiếp tục tăng về số lượng và năng lực vận động nhân dân thực hiện khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập; tích cực xây dựng các mô hình học tập; tập huấn cho cán bộ, hội viên về các chủ trương của Đảng, nhà nước về nội dung xã hội học tập và tuyên truyền trong nhân dân; phát triển quỹ khuyến học theo hướng đa dạng, hiệu quả.

4 đề xuất, kiến nghị của Hội Khuyến học Việt Nam với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng cũng đã nêu ra những bất cập của Hội trong quá trình hoạt động. Từ đó, trình bày đề xuất, kiến nghị với Phó Thủ tướng.

Thứ nhất, hiện tại việc công nhận hội đặc thù ở các địa phương thực hiện chưa đồng đều. Có địa phương, hội khuyến học cấp tỉnh được công nhận, cấp huyện, xã chưa được công nhận, hoặc được đặc thù cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã thì không có.

Điều đó không động viên được những người đã về hưu tiếp tục làm việc ở hội khuyến học. Trong khi hội rất cần lực lượng này tham gia triển khai nhiệm vụ đến cơ sở.

4 đề xuất, kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ để tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học – khuyến tài - Ảnh 4.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam Lê Mạnh Hùng trình bày đề xuất, kiến nghị với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhằm tháo gỡ khó khăn trong công tác khuyến học - khuyến tài hiện nay. Ảnh: Tô Dương

Thứ hai, về kinh phí hoạt động của các cấp hội, giai đoạn 2021-2030, triển khai 2 Đề án 387/QĐ-TTg và 677/QĐ-TTg, Hội Khuyến học Việt Nam chỉ được cấp kinh phí từ Bộ Tài chính là khoảng 1 tỉ 300 triệu đồng. Số tiền này không đủ để triển khai cả 2 Đề án trên.

Về kinh phí, thù lao cho cán bộ chuyên trách hội, Hội Khuyến học Việt Nam là hội đặc thù, được Đảng và Nhà nước giao nhiệm vụ nên được hưởng chế độ thù lao đặc thù cho cán bộ hội chuyên trách ở đủ các cấp tỉnh, huyện, xã, và được giao kinh phí thực hiện nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao (theo Quyết định 30/2011/QĐ-TTg).

Tuy nhiên, không phải tỉnh nào cũng thực hiện đúng theo quy định. Do đó, Hội Khuyến học Việt Nam đề nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chỉ đạo thống nhất cho 63 tỉnh, thành phố, thực hiện chế độ đặc thù đầy đủ và cấp kinh phí cho hội khuyến học cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã để thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao.

Thứ ba, Hội Khuyến học Việt Nam cũng đề nghị Thủ tướng Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ giao các cơ quan nghiên cứu cho thành lập lại Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập ở cấp Trung ương.

Từ năm 2007 đến năm 2016, Chính phủ đã thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập do 1 Phó Thủ tướng đứng đầu, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo là Phó Trưởng ban thường trực, lãnh đạo các bộ, ngành là ủy viên ban chỉ đạo.

Sau đó Ban chỉ đạo cấp Trung ương đã giải thể. Ban chỉ đạo các tỉnh vẫn được duy trì. Hiện nay, tất cả các tỉnh, thành phố đều có ban chỉ đạo xây dựng xã hội học tập cấp tỉnh, cấp huyện, nhiều nơi đến cấp xã. Nhưng lại không có người chỉ huy cấp Trung ương về vấn đề này. Vì vậy, mỗi địa phương triển khai theo thẩm quyền của địa phương mình.

Hội Khuyến học Việt Nam cho rằng cần thiết phải có Ban Chỉ đạo xây dựng xã hội học tập ở cấp Trung ương để chỉ đạo, điều phối tất cả các hoạt động liên quan đến việc tổ chức thực hiện các đề án xây dựng xã hội học tập trên phạm vi cả nước.

Thứ tư, tổ chức của Hội Khuyến học Việt Nam như hiện nay đã ổn định, Hội đề nghị không sáp nhập với hội nào.

Tại buổi làm việc với Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đại diện các bộ, ngành, tổ chức cũng đã trình bày những khó khăn bất cập từ cơ chế, chính sách trong quá trình thực hiện công tác khuyến học - khuyến tài, xây dựng xã hội học tập của đơn vị mình. Đồng thời thảo luận nhiều vấn đề về công tác khuyến học - khuyến tài trong giai đoạn hiện nay.