Hội đồng đánh giá luận văn, luận án: không nể nang, dễ dãi
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa trả lời phản ánh của cử tri Đà Nẵng về tình trạng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ nhiều về số lượng nhưng chất lượng chưa cao, ít có công trình khoa học nào mang tính đột phá, có hiệu quả, áp dụng trong đời sống xã hội.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thừa nhận, chất lượng đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam hiện nay chưa đồng đều giữa các trường.
Nguyên do nguồn lực đầu tư hạn chế, một số đơn vị chưa tuân thủ chặt chẽ quy chế đào tạo.
Từ đó dẫn đến tình trạng chất lượng nhiều công bố khoa học bắt buộc chưa cao, chỉ ở mức đối phó đủ điều kiện công trình.
Hiện còn tồn tại tình trạng "nể nang, dễ dãi khi thành lập hội đồng đánh giá luận văn, luận án", thông qua một số đề tài luận án tiến sĩ có phạm vi quá hẹp, không bảo đảm giá trị khoa học…
Thực tế trong 2 năm trở lại đây, theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tuyển sinh đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở trong nước đã giảm đáng kể.
Năm học 2019-2020, tổng chỉ tiêu tuyển sinh đào tạo trình độ tiến sĩ do các cơ sở đào tạo xác định là 5.111, tuy nhiên toàn hệ thống chỉ tuyển được 1.274 nghiên cứu sinh (tương đương 24,93% so với tổng chỉ tiêu đã xác định); chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ là 59.518 nhưng chỉ tuyển được 41.551 học viên cao học (69,81%).
Năm học 2020-2021, chỉ tiêu đào tạo trình độ tiến sĩ là 5.056 và tuyển được 1.735 (34,32%); chỉ tiêu đào tạo trình độ thạc sĩ là 56.069 nhưng cũng chỉ tuyển sinh được 40.640 (72,48%).
Tính đến thời điểm tháng 11/2022, quy mô đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ của cả nước là 88.243 học viên cao học và 8.933 nghiên cứu sinh ở tất cả các lĩnh vực và ngành đào tạo.
Trong khi đó, ở một số nước khác như Trung Quốc, chỉ riêng trong lĩnh vực kỹ thuật (engineering), số tuyển mới năm 2020 tại các trường đại học công lập ở nước này đã là 980.678 học viên cao học và 195.850 nghiên cứu sinh.
Ở Israel, năm học 2020-2021 có tới 68.885 học viên cao học và 11.855 nghiên cứu sinh tiến sĩ.
Bên cạnh đó, mục tiêu và chuẩn đầu ra trình độ thạc sĩ, tiến sĩ của Việt Nam đã được quy định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam (ban hành kèm theo Quyết định số 1982/QĐ-TTg ngày 18/10/2016 của Thủ tướng Chính phủ), về cơ bản gần như tương thích và phù hợp với Khung tham chiếu các trình độ ASEAN4 và Khung trình độ Châu Âu, bảo đảm những người được đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ sau khi tốt nghiệp được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng, mức tự chủ và trách nhiệm để bắt đầu triển khai và tiến hành các nghiên cứu khoa học một cách độc lập.
Như vậy, có thể thấy về mặt chính sách, đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ ở Việt Nam đã tiếp cận với các chuẩn của khu vực và quốc tế.
Để nâng cao chất lượng công tác đào tạo sau đại học, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết, Bộ đã và đang thực hiện đồng bộ những giải pháp như hoàn thiện hệ thống chính sách bảo đảm chất lượng đào tạo, tăng cường sự minh bạch, gia tăng vai trò giám sát của các bên liên quan trong đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ.
Bộ cũng tăng cường kiểm định các chương trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ, định kỳ rà soát, tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng, nhất là đội ngũ giảng viên cơ hữu.
Bộ yêu cầu các trường thực hiện nghiêm các quy định trong quy trình đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ từ tuyển sinh, tổ chức đào tạo và cấp bằng, trong đó đặc biệt lưu ý việc xét duyệt đề tài, định hướng và nội dung nghiên cứu bảo đảm đáp ứng yêu cầu về giá trị khoa học và thực tiễn.
Ông đề nghị các cơ sở giáo dục cần tăng cường công khai, minh bạch danh mục đề tài luận văn, luận án, học viên cao học, nghiên cứu sinh, người hướng dẫn và nội dung các luận văn, luận án trên trang thông tin điện tử của cơ sở đào tạo theo quy định hiện hành.
"Đặc biệt, đề cao liêm chính khoa học, tránh nể nang, dễ dãi trong việc hướng dẫn, đánh giá và phản biện luận văn, luận án", Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nói.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google