Bất liêm trong nghiên cứu khoa học

GS. TS Phạm Tất Dong
16:54 - 18/05/2022
Công dân & Khuyến học trên

Nhiều năm nay, những người làm khoa học chân chính cùng với đông đảo công chúng rất bất bình về tính bất liêm (Dishonesty) của không ít những công trình nghiên cứu khoa học, đặc biệt là trong lĩnh vực làm luận án tiến sĩ và luận văn thạc sĩ.

Bất liêm trong nghiên cứu khoa học

Quan niệm và hiểu biết đối với công tác nghiên cứu khoa học của một số tổ chức và cá nhân có vấn đề cần xem xét lại.

Chữ liêm trong nghiên cứu khoa học 

Sự bất liêm thể hiện ở nhiều khía cạnh như đạo văn (ăn cắp tài liệu của người khác làm của mình), đạo dịch (lấy những tư liệu dịch từ nguyên bản ở nước ngoài đưa vào công trình mà không nói xuất xứ), thuê người viết luận văn, luận án, hoặc thậm chí bỏ tiền ra để mua chuộc người phản biện hay người đóng vai ủy viên hội đồng chấm luận án.

Ở mức tử tế hơn, người ta chọn những vấn đề, những số liệu có sẵn, coi đó là số liệu do mình thu thập qua nghiên cứu hoặc sửa lại tài liệu gốc, ngụy tạo số liệu, ngụy biện cho sản phẩm của mình là công trình khoa học.

Tôi gọi đây là mức độ tử tế hơn bởi nó không quy vào lỗi "ăn cắp", nhưng nó ngộ nhận và làm người khác cũng ngộ nhận, trường hợp này quy vào cái tội "ăn gian" thì đúng hơn. Tuy nhiên, cả trường hợp thứ nhất lẫn trường hợp thứ hai đều vi phạm những quy tắc đạo đức và văn hóa trong nghiên cứu khoa học.

Khi bàn về Đạo đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh có viết liền 4 bài báo về Cần, Kiệm, Liêm, Chính. Người viết về chữ Liêm như sau: "Liêm là trong sạch, không tham lam… Tham tiền của, tham địa vị, tham danh tiếng, tham ăn ngon, đều là bất liêm. Dìm người giỏi, để giữ địa vị và danh tiếng của mình là tham danh đạo vị. Gặp việc phải, mà sợ khó nhọc nguy hiểm, không dám làm là tham dật úy lạo. Gặp giặc mà rụt rè, không dám đánh là tham sinh úy tử. Những hành vi đó đều trái với chữ Liêm. Do bất liêm mà đi đến tội ác trộm cắp. Công khai hay bí mật, trực tiếp hay gián tiếp, bất liêm tức là trộm cắp. 

Nghiên cứu khoa học là một hoạt động hướng vào việc tìm kiếm những điều chưa biết về một sự vật, sự kiện, hiện tượng nào đó, đi sâu hơn vào bản chất ở mức độ người đi trước đã phát hiện, tiệm cận hơn nữa về chân lý.

Nghiên cứu khoa học cần tìm ra cái mới. Do đó, với những cách làm trước đó, người ta đã tìm ra cái mới nhất định của sự vật hay hiện tượng, cần phải có cách làm mới (phương pháp) để tìm thêm ra cái mới hơn. Cách làm mới phải nhờ đến những kỹ thuật mới và những công nghệ mới. Với công nghệ mới, cái quan trọng nhất là bí quyết (knowhow). Nhờ bí quyết, các sản phẩm mới không lặp lại sản phẩm đã có. 

Vì vậy, yêu cầu đầu tiên của một sản phẩm khoa học là có tính mới. Một sản phẩm có được chỉ dựa vào sự sao chép cái cũ, về thực chất, nó vô giá trị.

Cái mới của sản phẩm được thể hiện ở những lợi ích mới do nó mang lại. Không thể có một sản phẩm mới mà lợi ích lại không hơn gì sản phẩm cũ. Nếu công nhận lợi ích của sản phẩm mới, điều đầu tiên là xem nó mang lại những lợi ích có hơn các sản phẩm trước đó hay không.

Cái mới của sản phẩm có thể là làm cho những lợi ích vật chất và tinh thần tăng lên, nhưng cũng có thể nó làm gia tăng nội hàm của một khái niệm nào đó mà công trình nghiên cứu hướng tới. Khái niệm có đời sống của nó, nghĩa là nó có vận động đi lên, phát triển và rồi cũng có thể nó lỗi thời, được thay thế bằng khái niệm khác.

Tính kế thừa trong nghiên cứu khoa học là vô cùng cần thiết. Người ta ca ngợi Isaac Newton là con người vĩ đại trong lĩnh vực vật lý học cổ điển, nhưng ông lại nói rằng, những gì ông làm được là nhờ ông được đứng trên vai những người khổng lồ. Điều này có nghĩa, Newton có được một khối lượng lớn những tri thức của nhân loại, nhờ đó, ông đã đi tới những công trình vĩ đại qua lao động quên mình và với tư duy sáng tạo tuyệt vời của mình.

Giới khoa học luôn đề cao sự liêm chính về học thuật (Academic Integrity), và từ đó, coi liêm chính khoa học (Scientific Integrity) như đạo đức, như văn hóa chỉ đường cho các công trình. Sự liêm chính khoa học được thể hiện ở các tính chất sau trong sản phẩm khoa học: tính nghiêm minh (Seriousness); tính minh bạch (Transparence); tính công bằng (Impartially).

Không bảo đảm sự liêm chính, nghiên cứu khoa học sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng trong xã hội, bởi làm theo những điều không khoa học thì những việc làm sẽ không thể có được kết quả mong đợi…

Thực tế đã có ngộ nhận những sản phẩm không phải là khoa học thành sản phẩm của nghiên cứu khoa học.

Sự rộ lên của dư luận xã hội về một luận án tiến sĩ với tên "Nghiên cứu giải pháp phát triển môn cầu lông cho công chức, viên chức thành phố Sơn La" của tác giả Đặng Hoàng Anh, cán bộ giảng dạy của trường Đại học Tây Bắc (công bố trên trang luanvan.moet.edu.vn cua Bộ Giáo dục và Đào tạo) chưa hết tăng nhiệt.

Nhiều người không chấp nhận kết quả của luận án này vì không coi đây là một công trình khoa học. Nguyễn Ngọc Châu (Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) cho rằng, nếu dễ dãi công nhận luận án này thì sẽ có luận án khác về phát triển môn cầu lông cho cán bộ, viên chức ở các địa phương khác chẳng hạn.

Tôi đồng tình với Nguyễn Ngọc Châu vì, sự chấp nhận đề tài kiểu này sẽ dẫn đến hàng trăm luận án về phát triển bóng bàn, bóng chuyền, bóng rổ, bơi lội, đi giày trượt Patin… ở các tỉnh, thành, rồi ở các huyện, quận v.v… Riêng về thể thao trong công chức, viên chức đã sinh loạn luận án.

Lê Văn Út (Đại học Tôn Đức Thắng) nhận xét rằng: "Họ đã bị nhầm lẫn đề tài nghiên cứu của luận án tiến sĩ với các công việc của cá nhân/tổ chức nhận lương phải làm hàng ngày".

Hoàng Ngọc Vinh (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho rằng, đây là đề tài nghiên cứu "kiểu công nghiệp, sao chép, copy – paste cần được loại bỏ ngay lập tức".

Tôi sẽ đánh giá một vấn đề của luận án này với tính chuyên nghiệp sâu hơn chút nữa để đọc giả rõ hơn vì sao tôi không coi đây là một luận án. Xin đi vào một vài điểm trong luận án.

Chương I của luận án có tên: Tổng quan những vấn đề nghiên cứu. Trong chương này, tác giả đã liệt kê những gì mà luận án đề cập như: Các quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước về công tác thể dục thể thao trong thời kỳ đổi mới; Một số cơ sở lý luận về xã hội hóa và xã hội hóa thể dục thể thao; Đặc điểm và hình thức hoạt động câu lạc bộ thể dục thể thao cơ sở; Những yếu tố bảo đảm cho công tác thể dục thể thao trong các cơ quan hành chính nhà nước; Đặc điểm hoạt động của môn cầu lông; Cơ sở lý luận về giải pháp; Quy hoạch và giải pháp phát triển môn cầu lông; Những công trình nghiên cứu có liên quan.

Tổng quan nghiên cứu trong luận án phải viết như thế nào?

Đó là phần tác giả phải điểm ra trong nước và trên thế giới đã có công trình nào triển khai các nội dung nghiên cứu cùng bình diện với đề tài của mình. Những đề tài đó đã giải quyết được vấn đề gì rồi, chỗ nào chưa giải quyết, từ đó xác định vấn đề còn để trống mà đề tài sẽ đi vào để làm phong phú hơn nữa về lý luận và thực tiễn trong chính vấn đề đó.

Khi luận án đưa ra Hội đồng để bảo vệ, các phản biện và toàn thể ủy viên Hội đồng đều buộc phải có nhận xét "Đề tài có tính độc lập, không trùng lặp với bất cứ nội dung của các luận án đã bảo vệ trước đó". 

Nếu nghiên cứu sinh không xác định được chỗ đứng của mình trong hàng loạt các công trình đã có thì việc tiến hành nghiên cứu sẽ là thừa. Vì vậy, trong lí do chọn đề tài, nghiên cứu sinh phải có câu cam kết "Đề tài của tôi là công trình không trùng lặp, tôi hoàn toàn chịu trách nhiệm về vấn đề này".

Tác giả đã hiểu nhầm chữ Tổng quan, do đó liệt kê những gì mà luận án mình sẽ đề cập. Mặt khác, tác giả đã coi các quan điểm của Đảng và chính sách của Nhà nước, quan điểm xã hội hóa về thể dục thể thao, đặc điểm hoạt động của câu lạc bộ thể dục thể thao… như những công trình khoa học là quá ấu trĩ. Tác giả luận án hiểu sai nhiệm vụ viết phần tổng quan và sinh viên làm luận án tốt nghiệp không bao giờ được phép có sự hiểu sai như vậy.

Ý nghĩa quan trọng của phần tổng quan là ở chỗ đó, qua phần Tổng quan, người đọc sẽ hiểu vốn học vấn chuyên sâu của nghiên cứu sinh như thế nào trong lĩnh vực mà rồi đây anh ta sẽ là chuyên gia, anh ta kế thừa ở những người đi trước được những tri thức nào v.v…

Vấn đề quan trọng khác trong luận án là giả thuyết khoa học (Hypothesis) của công trình mà tác giả không đề cập.

Giả thuyết là sự giải thích đề xuất cho một hiện tượng. Để một giả thuyết trở thành một giả thuyết khoa học, phương pháp khoa học yêu cầu cần có một sự kiểm định. Các giả thuyết khoa học thường được các nhà khoa học dựa vào những quan sát trước đó mà không thể giải thích được với các lý thuyết khoa học hiện có.

Nói nôm na hơn, luận án là một hành trình dùng các cách nào đó để xác định, làm sáng tỏ, để chứng minh đề xuất của mình. Nếu xác minh được đề xuất của mình là đúng thì tác giả đóng góp được cái mới, còn không thì cũng là một sự đóng góp vào việc tiếp tục công nhận những hiểu biết trước đó mà thôi.

Để đi sâu vào những vấn đề nghiên cứu, tác giả phải trình bày về phương pháp tiếp cận (Approach), tức là con đường dẫn đến chỗ cần phải đạt được của luận án. Điều này cũng không được tác giả trình bày. Approach được xác định thì mới có cơ sở lựa chọn những phương pháp cụ thể (Methodes) trong nghiên cứu.

Kinh nghiệm hướng dẫn luận án tiến sĩ của tôi đã cho tôi khẳng định sự cần thiết các điều (1), (2) và (3) trong bất kỳ luận án nào. Khi hướng dẫn một nghiên cứu sinh mới, tôi thường yêu cầu viết cho tôi phần tổng quan, không dưới 10 trang vi tính. Nếu nghiên cứu sinh không làm được điều này thì có nghĩa trong vốn liếng khoa học của anh ta về lĩnh vực đã chọn là quá ít, chứng tỏ độ chín về sự ấp ủ đề tài chưa đạt. Hai là, khi định nghiên cứu một vấn đề mà lại không định ra được Hypothesis, chắc chắn nghiên cứu sinh không hiểu sâu về đối tượng nghiên cứu hoặc lẫn lộn đối tượng luận án với đối tượng khác. Ba là, không định ra Approach thì sẽ không chọn được phương pháp nghiên cứu chủ đạo, mà là coi các phương pháp cụ thể có vai trò như nhau.

Quay lại luận án của Đặng Hoàng Anh. Sự hiểu biết không đầy đủ của anh ấy về những điều cơ bản trong một công trình khoa học đã làm cho luận án đi đến những kết luận thiếu giá trị và khiên cưỡng. Nếu tất cả công chức, viên chức ở Sơn La toàn chơi cầu lông thì quá vô lý. Môn bóng bàn, bóng chuyền, cờ tướng, cờ vua, bóng đá, bóng rổ sẽ ra sao. Có phải cứ đến giờ nghỉ cuối ngày là công chức viên chức chỉ có chơi cầu lông? Hơn nữa, tác giả cho rằng, phát triển cầu lông phải theo tinh thần xã hội hóa. Vậy các môn khác có cần xã hội hóa không? Mô thức tư duy này tôi gọi là "Distorted mindset". Chỉ thế thôi luận án cũng đáng để đánh trượt.

Đến đây, tôi xin chuyển qua một hiện tượng khác trong việc chọn đề tài làm luận án.

Trong thư viện luận văn - luận án "luanvan.moet.edu.vn" có mấy chục luận án, đại loại:

Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2015. (Nghiên cứu sinh: Lê Xuân Dũng).

Đảng bộ tỉnh Nghệ An lãnh đạo xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở xã, phường, thị trấn từ năm 2005 đến năm 2015 (Nguyễn Thế Thái).

Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo đào tạo nguồn nhân lực cho nông nghiệp từ năm 2001 đến năm 2010. (Nghiên cứu sinh: Phạm Thị kim Lan).

Đảng bộ tỉnh Thái Bình lãnh đạo kết hợp kinh tế với quốc phòng từ năm 1986 đến năm 2010 (Nghiên cứu sinh: Phạm Văn Vĩnh).

Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh từ năm 1997 đến năm 2015 (Nghiên cứu sinh: Trần thị Vân).

Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lãnh đạo xây dựng nông thôn mới từ năm 2010 đến năm 2020 (Nghiên cứu sinh: Hoàng Công Vũ).

Đảng bộ tỉnh Đồng Tháp lãnh đạo cải cách hành chính từ năm 1995 đến năm 2015 (Nghiên cứu sinh: Lê Thanh Dũng).

Tính sơ bộ, tôi thấy có 30 luận án tiến sĩ được "sản xuất" theo mẫu: Đảng bộ (…) lãnh đạo (…) từ năm (…) đến năm (…).

Một người nào đó, muốn tìm cho mình một luận án tiến sĩ theo cách này rất dễ. Ví dụ, tôi sẽ chọn một luận án với tên như sau: Đảng bộ (huyện XY) lãnh đạo (phát triển làng nghề) từ năm (20...) đến năm (20…).

Chắc chắn tôi không bị trùng lặp đề tài mình chọn với đề tài khác vì ở Việt Nam hiện có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, có trên 700 huyện/quận/thị xã và trên 10.000 xã/phường/thị trấn. Nếu chỉ chọn đề tài Đảng bộ lãnh đạo Đoàn thanh niên Cộng sản thì chí ít chúng ta có (63 + 700 + 10.000) = 10.763 đề tài đảng bộ các cấp lãnh đạo Đoàn thanh niên trong giai đoạn nào đó. Nếu không chọn Đảng bộ lãnh đạo Đoàn thanh niên, mà là Đảng bộ lãnh đạo việc xây dựng hợp tác xã kiểu mới thì lại có thêm 10.763 đề tài khác v.v…

Tôi cho đây là một hiện tượng khủng hoảng khoa học (Scientific Crisis) bởi tính phi khoa học (Non – Scientific) đã được ngộ nhận là khoa học.

Chỉ riêng hiện tượng này, tôi có mấy ý kiến sau: Đảng bộ đưa ra một chủ trương, triển khai chủ trương đó vào cuộc sống; Để biết kết quả của chủ trương đó, sau một giai đoạn nhất định, việc tổng kết việc thực hiện chủ trương đó là tất nhiên. Ban Tuyên giáo các cấp sẽ thực thi nhiệm vụ tổng kết. Đây không phải là nhiệm vụ phát triển khoa học.

Một văn bản tổng kết công tác không thể nhầm lẫn với một công trình khoa học, lại không thể coi người thực thi nhiệm vụ tổng kết công tác đảng là người thực hiện nghĩa vụ nghiên cứu sinh. Do đó, trao cho anh ta học vị tiến sĩ là một vi phạm về những quy định của Nhà nước đối với việc đào tạo sau đại học cũng như quy định về phong học vị khoa học.

Nếu coi nhiệm vụ tổng kết công tác chỉ đạo của Đảng là công tác đào tạo nhân lực chất lượng cao thì tính xem, những tiến sĩ được đào tạo này sẽ được sử dụng ở lĩnh vực sản xuất nào trong nền kinh tế quốc dân. Những gì họ viết trong tổng kết công tác đã giúp họ tăng năng lực nghiên cứu khoa học và trước hết, họ có được những năng lực gì về khoa học và công nghệ?

Tại sao các cơ quan quản lý khoa học, đào tạo sau đại học cũng như những người nhận làm thầy hướng dẫn những đề tài kiểu này lại coi việc kiểm tra, đánh giá công tác hàng tháng, hàng năm của cơ quan nhà nước và của Đảng là vấn đề khoa học?

Như vậy, quan niệm và hiểu biết đối với công tác nghiên cứu khoa học của một số tổ chức và cá nhân có vấn đề cần xem xét lại.