Hồi chuông cảnh báo về sóng nhiệt càn quét khắp nơi

Thạch Bình
07:16 - 24/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Một đợt sóng nhiệt khắc nghiệt vừa bao phủ châu Âu với nhiệt độ tại các quốc gia cao ở mức kỷ lục, trong khi các vụ cháy rừng và tình trạng khô hạn tiếp tục hoành hành.

Gần đây, các nước châu Âu và Mỹ liên tục hứng chịu sự tấn công của sóng nhiệt chưa từng thấy trước đây. Nhiệt độ ở Bồ Đào Nha có thời điểm lên đến 46 độ C, nhiệt độ ở Anh vượt ngưỡng 40 độ C, ghi nhận kỷ lục mới. 

Ở Bồ Đào Nha, sóng nhiệt trong hai tuần qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 1.000 người. 

Nắng nóng cực đoan cũng gây cháy rừng xuyên quốc gia khiến cho lực lượng phòng cháy chữa cháy của các nước ngược xuôi vất vả. Nhiều nơi ở Mỹ đã đưa ra cảnh báo nắng nóng, đặc biệt khoảng 100 triệu người, hoặc 1/3 dân số ở khu vực đồng bằng phía Nam và hơn 20 bang của khu vực Đông Bắc sẽ chịu ảnh hưởng của nắng nóng. 

Thời tiết cực đoan hoành hành khắp nơi xem ra không phải là hiện tượng hiếm gặp của thế kỷ. Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) cảnh báo, sóng nhiệt mà châu Âu đang đối mặt sẽ xuất hiện với tần suất ngày càng nhiều trong vài thập niên tới, các tác động tiêu cực ít nhất sẽ kéo dài đến năm 2060. 

Bên cạnh ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người, sóng nhiệt còn ảnh hưởng trầm trọng đến nông nghiệp và sản xuất lương thực. Đây là một lời cảnh báo đối với toàn nhân loại. Các nước phát triển ở khu vực ôn đới đã ngày càng cảm nhận được mối đe dọa của nắng nóng. Một số tác động tiêu cực có lẽ là điều mà trước đó họ chưa từng nghĩ đến. 

Chẳng hạn, dưới sự tấn công của sóng nhiệt, người Anh mới đột nhiên phát hiện thiết kế nhà ở truyền thống của họ có thể đã lỗi thời. Phần lớn thiết kế nhà ở của Anh đều nhằm giữ ấm, trong nhà chỉ lắp hệ thống sưởi, không có máy lạnh. Hiện nay đối diện với thời tiết nắng nóng nên mọi người rất khó thích nghi.

Hồi chuông cảnh báo về sóng nhiệt càn quét khắp nơi  - Ảnh 2.

Một đợt sóng nhiệt khắc nghiệt bao phủ châu Âu. Ảnh minh họa: Reuters

Cơ quan giám sát khí quyển Liên minh châu Âu (EU) cảnh báo, sóng nhiệt càn quét khắp châu Âu cũng đang dẫn đến tình trạng ô nhiễm tầng ozone rất nghiêm trọng, gây nên ảnh hưởng tiềm tàng đối với sức khỏe con người. Nhiệt độ cao khiến cho mặt đất xuất hiện ozone nồng độ cao, khác với lớp bảo vệ ở tầng trên của bầu khí quyển, ozone bề mặt được thải ra bởi nhiên liệu hóa thạch và các chất ô nhiễm nhân tạo khác. 

Khí nhà kính phản ứng hóa học sau khi tiếp xúc với ánh sáng Mặt Trời không chỉ gây hại cho sức khỏe con người, mà còn ức chế quá trình quang hợp và sinh trưởng của thực vật. Sóng nhiệt sẽ hủy hoại nghiêm trọng mùa màng, đe dọa an ninh lương thực toàn cầu. Đây là cảnh báo được các chuyên gia khí hậu đưa ra từ sớm. 

Các khu vực dễ bị tổn thương nhất của những đợt sóng nhiệt này bao gồm phía Tây Bắc Mỹ, Tây Âu, phía Tây của Nga, cũng như Ukraine. Khoảng 1/4 các loại lương thực chủ yếu của toàn cầu như lúa mỳ, ngô, đậu tương được sản xuất ở những khu vực này. 

Tháng 5/2022, quốc gia sản xuất lúa mỳ lớn thứ hai thế giới là Ấn Độ đã đột ngột cấm xuất khẩu mặt hàng này, nguyên nhân chủ yếu cũng là do bị sóng nhiệt tấn công, sản lượng sụt giảm. Đối với nhiều đảo quốc nhỏ trên thế giới, khí thải nhà kính khiến toàn cầu nóng lên và mối đe dọa lớn nhất gây nên là mực nước biển dâng. Đây là mối đe dọa sinh tồn. Do đó, nếu nhân loại không thể kịp thời xoay chuyển xu hướng biến đổi khí hậu, hậu quả sẽ rất khó tưởng tượng. 

Ngày 18/7, tại hội nghị đối thoại khí hậu diễn ra ở Berlin (Đức), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres một lần nữa cảnh báo một nửa nhân loại trên Trái Đất đang chịu sự đe dọa của lũ lụt, hạn hán, bão và cháy rừng, không một quốc gia nào có thể ngoại lệ. 

Ông nhấn mạnh: “Chúng ta đang đứng trước sự lựa chọn, hoặc là cùng nhau hành động, hoặc là tự sát tập thể”. Đáng tiếc là, đến nay các nước trên thế giới vẫn không thể đồng tâm hiệp lực để ứng phó với vấn đề “tê giác xám” toàn cầu nóng lên hiện nay. Thế giới đang ở trong thời đại thiếu sức mạnh lãnh đạo quốc tế, cơ chế hợp tác lỏng lẻo và nghi ngờ lẫn nhau.

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden lên nắm quyền, ông đã đã đảo ngược quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của cựu Tổng thống Donald Trump, cố gắng đóng vai trò thúc đẩy, nhưng đáng tiếc là “lực bất tòng tâm”. 

Dự luật năng lượng sạch và biến đổi khí hậu được ông Biden đề xuất gần đây bất ngờ bị chính người của đảng Dân chủ là Thượng nghị sĩ Joe Manchin phản đối, nên đến nay vẫn chưa thể thông qua tại Quốc hội. Điều không may tương tự là, hiện nay các nước châu Âu đang tập trung nguồn lực cho các vấn đề khác, đặc biệt là cuộc xung đột Nga-Ukraine và hiệu ứng tiêu cực xuất phát từ các lệnh trừng phạt kinh tế đối với Nga. Chẳng hạn như nguồn cung dầu thô, khí đốt tự nhiên và lương thực thiếu hụt, giá cả leo thang, lạm phát tăng cao cũng như các đợt bùng phát của dịch COVID-19 lặp đi lặp lại. 

Các nước như Đức vốn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu khí đốt tự nhiên của Nga, buộc phải tái khởi động nhiệt điện than để giải tỏa nhu cầu cấp bách. Nỗ lực ứng phó biến đổi khí hậu của thế giới hiện đang gặp phải trở ngại ngoài ý muốn. Tuy nhiên, tác giả bài viết cho rằng thời tiết cực đoan ngày càng đáng sợ sẽ thôi thúc các nước châu Âu coi trọng hơn vấn đề biến đổi khí hậu, đồng thời tăng cường đầu tư để đẩy mạnh nghiên cứu và phát triển các công nghệ mới như năng lượng tái tạo, năng lượng hạt nhân thế hệ mới, năng lượng hydro… 

 Do đó con đường duy nhất để tránh các hiểm họa do biến đổi khí hậu là hợp tác sớm nhất có thể, thực hiện cắt giảm carbon, giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch, đồng thời nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng mới.

Nguồn: TTXVN