Học sinh lớp 10 thi năng lực xét tuyển đại học: Lợi bất cập hại

Ly Hương
14:05 - 09/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Học sinh lớp 10 được thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học khiến dư luận tranh cãi trái chiều. Đây là chủ trương nên hay không nên?

Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh cho học sinh từ lớp 10 tham dự kỳ thi riêng, kết quả được bảo lưu trong hai năm để xét tuyển đại học.

Đại diện các trường đại học lý giải, quy định này được đưa ra dựa trên việc Bộ Giáo dục và Đào tạo cho phép học sinh lớp 10, 11 dự thi quốc gia, quốc tế cùng lớp 12. Thực tế cũng cho thấy, nhiều học sinh lớp dưới có năng lực tốt và đạt giải cao.

Nên hay không nên thi đại học từ lớp 10?

Việc học sinh lớp 10 được thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học khiến dư luận xã hội tranh cãi trái chiều. Một luồng ý kiến cho rằng, đây là chính sách hay, giúp những học sinh có học lực khá, giỏi được trải nghiệm để đánh giá chính xác khả năng của bản thân.

Trên diễn đàn giáo dục, Khải Từ Như chia sẻ: "Những năm 90 của thế kỉ trước, xóm tôi có vài học sinh học rất giỏi, học thêm khối A từ lớp 9, đến khi học xong lớp 11 đã có thể giải bộ đề thi đại học. Các em nộp hồ sơ thi tuyển vào Đại học Bách khoa để thi thử xem sao. Khi báo kết quả thi đại học, các bạn ấy đạt điểm rất cao luôn. Vậy là vững tin cho đợt thi chính thức năm sau và kết quả đã đỗ đạt như ý với nguyện vọng đã chọn".

"Mình đồng ý, nếu các em thì mà đủ điểm đậu thì kiến thức 3 năm cấp 3 các em đã học và nắm vững rồi. Nếu thi đậu thì những năm sau các em sẽ học nhàn hơn, đỡ áp lực. Có những ngành của Đại học Bách khoa Hà Nội lấy điểm tốt nghiệp trên 27, trong khi xét theo điểm đánh giá năng lực chỉ lấy 15 điểm thôi. Nếu học sinh thi trượt coi như là một lần trải nghiệm, không hề áp lực gì ở đây cả", Nguyễn Tùng nêu quan điểm.

Tuy vậy, luồng ý kiến khác lại phản đối, bởi học sinh lớp 10 dự thi xét tuyển vào đại học chỉ tốn tiền, lãng phí thời gian, tạo áp lực không đáng có. 

Phạm Minh cho biết, học sinh mới lớp 10 đã thi đỗ đại học thì lên lớp 11, 12 các em không học nữa, lãng phí 3 năm cấp 3. Như thế không đạt mục tiêu giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc tuyển học sinh vượt cấp có thể thực hiện riêng cho những trường hợp "thần đồng" đặc biệt, không nên làm đại trà.

 "Thế thì cho học vượt cấp, vượt lớp như ở nước ngoài, làm sao cứ phải kéo đến lớp 12 trong khi năng lực và kiến thức đó người ta có thể học hết từ 15 tuổi", một ý kiến không đồng tình với cách làm của các trường đại học.

Hiện những tranh cãi này vẫn đang tiếp diễn và nhận được nhiều sự quan tâm của học sinh và đội ngũ giáo viên.

Thi đại học sớm là lợi bất cập hại

Chia sẻ về việc học sinh lớp 10 được tham gia kì thi đánh giá năng lực xét tuyển đại học, thầy Phan Anh, giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh không đồng tình với chủ trương của Đại học Bách khoa Hà Nội và Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh. Anh đưa ra những lí do như sau.

Thứ nhất, thầy Phan Anh cho rằng anh và các đồng nghiệp dạy môn Toán nhận thấy kiến thức phần toán học của kỳ thi đánh giá tư duy tập trung vào lớp 11 và 12. Nếu học sinh tham gia kì thi này thì các em chỉ còn cách chạy đua học thêm ngày đêm sao cho kịp chương trình, sẽ gây quá tải trong việc học.

Thứ hai, học sinh lớp 10 vừa trải qua kì thi tuyển sinh 9 lên 10 – kì thi được cho là áp lực hơn cả kì thi đại học. Cùng với đó, học sinh lớp 10 học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 rất mới mẻ, tương đối nặng về kiến thức. Việc liên tục thi cử làm sao các em còn sức lực để vui chơi giải trí, luyện tập thể dục thể thao.

Thứ ba, nếu học sinh thi hỏng – mà xác suất cao là sẽ hỏng - thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tâm lí, bởi chẳng có học sinh nào thi hỏng mà vui vẻ cả. Chưa kể, học sinh và cha mẹ các em còn mất nhiều công sức, thời gian, tiền bạc một cách vô lối.

"Thêm nhiều học sinh lớp 10 dự thi đánh giá năng lực thì trường đại học sẽ có thêm nguồn thu chứ họ có mất mát gì đâu. Học sinh và cha mẹ các em hãy tỉnh táo, tham gia kì thi quá sớm coi chừng lợi bất cập hại. Hơn nữa, ngày nay việc vào đại học không quá khó, học sinh có thể tham gia xét tuyển bằng nhiều phương thức khác nhau từ sau học kì 1 của năm lớp 12", thầy Phan Anh đưa ra lời khuyên.