Học sinh có cần thiết phải tựu trường sớm?

Thành Phúc
11:41 - 25/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Một số nhà trường đã cho học sinh tựu trường khá sớm với rất nhiều lý do khác nhau. Có trường thì lấy lý do hệ thống lại kiến thức, ô tập, ôn thi cho học sinh. Giáo viên vào làm một số những việc không thực sự cần thiết nhưng ngày nào cũng vào trường cả ngày.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 đối với các cấp học giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên áp dụng trong toàn quốc. Theo hướng dẫn, khai giảng năm học sẽ diễn ra vào ngày 5/9/2023. Thời gian tựu trường sớm nhất trước 1 tuần so với ngày tổ chức khai giảng. Riêng đối với lớp 1, tựu trường sớm nhất trước 2 tuần so với ngày tổ chức khai giảng.

Có những trường học tựu trường từ rất sớm

Theo khung kế hoạch thời gian năm học 2023-2024 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, chỉ có học sinh lớp 1 tựu trường sớm nhất là 2 tuần so với ngày khai giảng. Những lớp còn lại sớm nhất là 1 tuần. Điều này có nghĩa trừ lớp 1 ra, các lớp còn lại tựu trường sớm nhất là ngày 28/8 tới đây. Tuy nhiên, thực tế không phải vậy. Có những trường học tổ chức cho học sinh học thêm gần hết cả mùa hè nên gần như học sinh không có mùa hè. Vì thế, chuyện tựu trường hay khai giảng cũng chỉ thực hiện trên danh nghĩa hình thức mà thôi.

Em Kim Thi - một học sinh lớp 10 của tỉnh phía Bắc chia sẻ: sau khi trúng tuyển vào lớp 10 của trường trung học phổ thông thì nhà trường thông báo cho học sinh trúng tuyển vào trường hệ thống kiến thức cấp trung học cơ sở từ cuối tháng 7. Nói là hệ thống kiến thức nhưng thực tế đa phần các thầy cô dạy kiến thức các bài học mới của lớp 10. Tuy nhiên, việc "hệ thống kiến thức" này nhà trường thu tiền học sinh như đi học thêm ở bên ngoài. Những anh chị lớp 11, lớp 12 thì học từ ngay sau khi nghỉ hè với lý do học sớm để chuẩn bị ôn thi lớp 12 nên thực tế lịch tựu trường, khai giảng với các em chỉ mang tính hình thức mà thôi.

Em Văn Dương - học sinh trường trung học phổ thông chuyên ở một tỉnh phía Nam chia sẻ: các em được nhà trường thông báo vào trường từ ngày 14/8 cho đến nay. Hằng ngày vào trường được các thầy cô, anh chị của Ban chấp hành Đoàn trường hướng dẫn nội quy nhà trường; tổ chức giới thiệu truyền thống nhà trường; lao động trong khuôn viên nhà trường; hướng dẫn tập bài thể dục giữa giờ… Mỗi buổi vào trường chỉ độ trên dưới 1 giờ đồng hồ nhưng ngày nào cũng vào cả sáng, chiều rất mất thời gian. Đáng lẽ, nếu vào trường mỗi ngày 1 buổi còn đỡ, nhưng đằng này ngày nào cũng vào một chút rồi về. Trong khi, trường chuyên nên không phải học sinh nào cũng gần nhà mà có nhiều bạn ở các huyện lân cận nên đi lại rất bất tiện.

Em Kiều My, học sinh lớp 9 của một trường trung học cơ sở cho biết, các em được nhà trường yêu cầu vào trường từ ngày 1/8 để ôn thi học sinh giỏi. Vì thế, mấy tuần vừa qua đều phải vào trường học tập. Bởi vậy, nhiều kế hoạch đi chơi, thăm thú bên nội, bên ngoại đều phải gác lại. Cho dù lịch tựu trường là ngày 28/8 tới đây nhưng các em đã học ở trường được mấy tuần rồi.

Nhìn chung, mỗi trường học khi triệu tập học sinh vào trường vào dịp hè đều có những lý do khác nhau để yêu cầu học sinh trong trường hoặc một bộ phận học sinh vào trường. Điều này cho thấy, dù học sinh muốn hay không cũng đều phải tuân theo lịch của nhà trường chứ không thể thoái thác, chối từ.

Việc tựu trường sớm có thực sự cần thiết?

Mấy năm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trương tổ chức ngày khai giảng (ngày 5/9) xong mới bước vào thực học đã được đội ngũ nhiều người đồng tình. Chủ trương này tạo sự đồng nhất cho các nhà trường và tránh được tình trạng dạy trước chương trình (có thu tiền) cho học sinh. Tuy nhiên, chủ trương này vẫn chưa được một số nhà trường tuân thủ nghiêm túc, nhất là khối trung học phổ thông.

Tâm lý một số Ban giám hiệu nhà trường luôn muốn dạy trước chương trình để học sinh kết thúc sớm nhằm chuẩn bị ôn tập tốt nghiệp vào cuối lớp 12. Song, phía sau những điều này không nhận được sự đồng tình của tất cả phụ huynh và học sinh. Vì suy cho cùng, đó là cách dạy thêm trá hình trong hè.

Nhiều phụ huynh và học sinh không muốn học trong hè vẫn phải theo vì không theo thì bạn bè trong lớp học qua mình, sau này vào thời điểm học chính thức sẽ không theo kịp. Trong khi, việc thi tốt nghiệp trung học phổ thông mấy năm gần đây không quá nặng nề, hơn nữa số lượng học sinh chỉ thi tốt nghiệp để được xét tốt nghiệp vì không có nhu cầu học đại học nhưng những em này không có cách nào khác là miễn cưỡng thực hiện theo kế hoạch nhà trường.

Thực tế cho thấy, khung năm học của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành phù hợp, đối với những học sinh từ lớp 2 đến lớp 12 đã quen với nền nếp nên chỉ cần tựu trường sớm vài ngày để bầu lại ban cán sự lớp (nếu thay đổi) hoặc có thể tham gia lao động vệ sinh trường lớp. Bên cạnh đó, mỗi môn học sẽ được nhà trường bố trí 1 tiết để học sinh làm quen với giáo viên bộ môn và nghe hướng dẫn về cách học tập. Những học sinh đầu cấp thì nghe thêm một chút (khoảng 1 giờ) về truyền thống nhà trường, giới thiệu về sơ đồ trường lớp, phòng bộ môn để các em làm quen.

Riêng việc dạy thêm, hay "hệ thống kiến thức" là không cần thiết vì thời gian năm học đã bố trí 35 tuần cụ thể. Khoảng thời gian này, giáo viên và học sinh sẽ dạy và học hết chương trình, hết các bài học được cụ thể hóa trong phân phối chương trình. Việc ôn thi học sinh giỏi cũng không cần thiết, nhất là ôn thi học sinh giỏi cấp trung học cơ sở hiện nay gần như không có quyền lợi gì cụ thể. Nếu đậu, được thưởng vài trăm ngàn đồng, trượt thì chẳng được gì mà kéo theo nỗi buồn dai dẳng. Tuy nhiên, vì danh dự, vì thành tích nhà trường nên một số trường học chủ động ôn tập cho học sinh từ hè để hy vọng đạt được nhiều giải trong kỳ thi học sinh giỏi.

Hãy để ngày khai giảng năm học mà học sinh náo nức, chờ đợi, chứ ngày khai giảng năm học nhưng học sinh đã học, đã vào trường từ trước đó nhiều tuần thì ý nghĩa cũng mai một và học sinh cũng hững hờ tham dự.