Học sinh bị "ép" học thêm "tự nguyện" - phụ huynh cần làm gì?

Ly Hương
12:45 - 29/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Rất nhiều trường phổ thông "ép" học sinh học thêm "tự nguyện" bằng cách yêu cầu phụ huynh viết vào mẫu đơn xin học thêm in sẵn. Vậy phụ huynh cần làm gì để từ chối việc viết đơn xin học thêm cho con, em?

Học sinh bị "ép" học thêm "tự nguyện", phụ huynh cần làm gì? - Ảnh 1.

Nhà giáo L.T.T. (Thanh Hóa) lưu ý phụ huynh học sinh một số văn bản quy phạm pháp luật quy định về dạy thêm, học thêm còn hiệu lực cho đến nay.

Thứ nhất, bậc tiểu học bị cấm dạy thêm. Nếu con, em đang học tiểu học thì bất cứ ở đâu mà nhà trường tổ chức dạy thêm thì phụ huynh cũng cần lên tiếng phản đối, thậm chí tố cáo.

Lưu ý thêm: khoản 2 Điều 4 Thông tư 17/2012/TT-BGDĐT về các trường hợp không được dạy thêm quy định như sau: "Không dạy thêm đối với học sinh tiểu học, trừ các trường hợp: bồi dưỡng về nghệ thuật, thể dục thể thao, rèn luyện kỹ năng sống".

Nghĩa là đối với tiểu học thì có 3 nội dung như trên được phép dạy thêm. Toán, Văn - TiếngViệt, Tiếng Anh tuyệt đối không được dạy. (Tuy nhiên: 1/ Thông tư này ra đời từ 2012, đến nay tất cả các môn này đều đã trở thành môn học chính thức trong chương trình giáo dục, nên không còn cần phải dạy thêm – học thêm nữa. 2/ Dù bất luận thế nào, học thêm cũng là trên nguyên tắc tự nguyện và tuyệt đối tự nguyện).

Thứ hai, học thêm là tự nguyện tuyệt đối và là học ngoài giờ chính khóa. Khoản 3, khoản 4 Điều 3 Thông tư 17 quy định: "Đối tượng học thêm là học sinh có nhu cầu học thêm, tự nguyện học thêm và được gia đình đồng ý; không được dùng bất cứ hình thức nào để ép buộc gia đình học sinh và học sinh học thêm" và "Không tổ chức lớp dạy thêm, học thêm theo các lớp học chính khóa; học sinh trong cùng một lớp dạy thêm, học thêm phải có học lực tương đương nhau; khi xếp học sinh vào các lớp dạy thêm, học thêm phải căn cứ vào học lực của học sinh".

Thứ ba, đối với các hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa thì phải hiểu rằng: "Là hoạt động giáo dục đáp ứng nhu cầu của người học không thuộc chương trình, kế hoạch giáo dục do các cơ quan có thẩm quyền đã phê duyệt".

Nghĩa là nếu dạy thêm là có thể dạy môn học trong nhà trường (theo quy định như đã dẫn) thì hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp là không thể mang môn Toán, môn Văn – Tiếng Việt, môn Tiếng Anh hay bất kỳ môn học nào đã có trong chương trình giáo dục vào để "giáo dục ngoài giờ chính khóa" nữa, vì các môn này đã có trong chương trình rồi. Chỉ được dạy, ví dụ võ hay sửa chữa xe đạp điện chẳng hạn, vì trong chương trình học không có.

Lưu ý không được vi phạm quy định về dạy thêm học thêm và người học thêm tham gia trên tinh thần tự nguyện (Thông tư 04/2014/TT-BGDĐT quy định quản lý hoạt động giáo dục kỹ năng sống và hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa). Như vậy, nhà trường đưa bất cứ nội dung nào vào dạy, và dùng những hình thức có tính ép buộc, nếu thấy sai thì phản ánh, tố cáo, nếu không muốn thì không tham gia.

"Tóm lại, khi trước mắt nạn dạy thêm chưa dẹp hoàn toàn được thì quy định về dạy thêm học thêm hay quy định về giáo dục ngoài giờ lên lớp đều đã được luật hóa và các vị phụ huynh hãy căn cứ vào đó mà làm. Không muốn thì tuyệt đối không tham gia; thấy sai thì phải lên tiếng, và cùng nhau lên tiếng.

Khi đã có pháp luật trong tay mình một cách rõ ràng chắc chắn đến thế mà các bậc cha mẹ vẫn nhắm mắt vì sợ hãi thì không thể biện minh được. Hãy sẵn sàng cho con ở nhà, dù cả trường chỉ có mình con mình không đi học thêm. Và nếu thấy nhà trường chen các tiết học thêm vào chính khóa hay xếp thời khóa biểu có tính bắt chẹt thì hãy khiếu nại, phản ánh và công khai thông tin lên mạng xã hội, truyền thông.

Cha mẹ nếu thấy sai không nói, thấy đúng không làm thì không ai có thể làm thay được. Trong hoàn cảnh này, giáo dục có thể thay đổi hay không, phần lớn phụ thuộc vào chính phụ huynh", nhà giáo L.T.T. nhắn gửi phụ huynh.