Công văn của Bộ Xây dựng không thể sửa được Nghị định của Chính phủ!

Lam Linh
19:25 - 18/07/2023
Công dân & Khuyến học trên

Bộ trưởng Bộ Xây dựng thừa ủy quyền Thủ tướng ký một văn bản đính chính nội dung nghị định đã được ban hành gần một tháng và đã có hiệu lực thi hành. Ở góc độ văn bản pháp quy, đang gây ra sự xáo trộn không đáng có!

Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa thay mặt Chính phủ, thừa ủy quyền Thủ tướng ký công văn 333 về việc đính chính Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng

"Do sơ xuất kỹ thuật, xin đính chính sai sót tại khoản 5 Điều 6 Nghị định số 35/2023/NĐ-CP ngày 20/6/2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng như sau:

Khoản 5 Điều 6 đã viết: "5. Bãi bỏ khoản 2 Điều 5, khoản 2 Điều 9".

Nay sửa lại như sau: "5. Bãi bỏ khoản 2 Điều 9".

Nghị định số 35/2023/NĐ-CP bắt đầu có hiệu lực từ ngày 20/6/2023. Tuy nhiên, với việc đính chính như trên, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP ngày 20/10/2015 của Chính phủ về phát triển và quản lý nhà ở xã hội được giữ lại sau chưa đầy 1 tháng bãi bỏ theo Nghị định số 35/2023/NĐ-CP.

Khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP được giữ lại có nội dung như sau:

"Trường hợp dự án phát triển nhà ở thương mại, dự án đầu tư phát triển đô thị có quy mô sử dụng đất dưới 10 ha thì chủ đầu tư dự án được lựa chọn hình thức hoặc dành quỹ đất 20% để xây dựng nhà ở xã hội quy định tại Khoản 1 Điều này, hoặc chuyển giao quỹ nhà ở tương đương với giá trị quỹ đất 20% tính theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước tại thời điểm chuyển giao để sử dụng làm nhà ở xã hội, hoặc nộp bằng tiền tương đương giá trị quỹ đất 20% theo giá đất mà chủ đầu tư thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước nhằm bổ sung vào ngân sách địa phương dành để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn".

Vậy việc Bộ Xây Dựng đính chính Nghị định bằng Công văn có đúng quy định, quy trình ban hành văn bản quy định pháp luật?

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam gồm những văn bản nào?

Theo hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam được quy định tại Điều 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) thì Hiến pháp là đạo luật cơ bản, có hiệu lực pháp lý cao nhất, do Quốc hội ban hành. 

Tiếp theo là luật, nghị quyết của Quốc hội; 

Kế đó nữa là pháp lệnh (hoặc Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội); Sau đó là lệnh, quyết định của Chủ tịch nước; 

Tiếp theo nữa là nghị định của Chính phủ. 

Dưới nghị định của Chính phủ là quyết định của Thủ tướng Chính phủ rồi mới đến các văn bản quy phạm pháp luật khác.

Như vậy, Nghị định của Chính phủ là văn bản quy phạm pháp luật.

Đính chính văn bản: Của cơ quan nào sẽ dùng công văn của cơ quan đó 

Theo quy định tại Điều 94 Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật thì văn bản sau khi đăng Công báo, nếu phát hiện có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày thì phải được đính chính. 

Đồng thời, cơ quan ban hành có văn bản đính chính đối với những sai sót do lỗi trong quá trình xây dựng, ban hành văn bản.

Như vậy, đối với những văn bản đăng công báo, nếu phát hiện có sai sót về thể thức, kỹ thuật trình bày thì phải được đính chính. Việc đính chính văn bản của cơ quan nào thì sẽ dùng công văn của cơ quan đó. Trong trường hợp này, đính chính Nghị định sẽ bằng công văn của Chính phủ.

Ngoài ra, việc dùng công văn đính chính Nghị định của Chính phủ chỉ phù hợp khi nghị định đó có sai sót về mặt kỹ thuật. Còn nếu nghị định có sai sót về mặt nội dung thì tuyệt đối không được đính chính mà trong trường hợp này, phải áp dụng hình thức là sửa đổi, hoặc có nghị định khác thay thế hoặc bằng một văn bản pháp lý cao hơn.

Như vậy, vấn đề đặt ra ở đây là, việc đính chính theo Công văn số 333 khi giữ lại một quy định quan trọng liên quan đến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội trong khuôn khổ dự án nhà ở thương mại có phải là sai sót về mặt kỹ thuật?

Nếu sai sót về mặt kỹ thuật như có lỗi chính tả thì việc đính chính hoàn toàn có thế chấp nhận được. 

Trước đó, khoản 2 Điều 5 Nghị định số 100/2015/NĐ-CP theo Nghị định số 35/2023/NĐ-CP bị bãi bỏ, tức là điều luật này không có hiệu lực pháp lý. 

Nhưng với việc đính chính của Công văn số 333 thì khoản 2 Điều 5 lại trở nên có hiệu lực pháp luật. Với việc đính chính này sẽ có ảnh hưởng trực tiếp việc xác định mức vốn đầu tư và nghĩa vụ của nhà đầu tư đối với xã hội, cộng đồng.

Đính chính nghị Nghị định số 35/2023/NĐ-CP bằng Công văn số 333 - điều đó có nghĩa là, khi áp dụng quy định tại nghị định này thì luôn phải kèm theo Công văn số 333.

Rõ ràng, một chủ trương được quy định trong nghị định - vốn là văn bản pháp quy chính thức nay lại được đính chính bằng một công văn - một loại văn bản hành chính, không phải là văn bản quy phạm pháp luật là một bất cập. 

Bởi lẽ, việc đính chính như vậy có thể gây khó khăn trong việc áp dụng pháp luật, đặc biệt tại các phiên toà xét xử những vụ án có liên quan. Đồng thời, cũng gây ảnh hưởng đến quyền lợi, nghĩa vụ hợp pháp của những chủ thể chịu sự tác động của quy định này.

Chẳng hạn như, mỗi thẩm phán ở mỗi toà án khác nhau lại có cách áp dụng khác nhau. Đơn cử, thẩm phán của toà án A cho rằng nghị định là văn bản quy phạm pháp luật nên có hiệu lực pháp lý còn công văn thì không phải nên không thể thêm, bớt bất kỳ nội dung gì đã quy định trong nghị định. 

Còn thẩm phán của toà án B lại chấp nhận thi hành nghị định sẽ kèm theo công công văn. Nếu xảy ra tình huống như vậy, quyền lợi của những người liên quan đến vụ việc xét xử sẽ bị ảnh hưởng.