Hiệu trưởng, hiệu phó nghỉ hè 8 tuần, sự thực thế nào?
Dự thảo Luật Nhà giáo và dự thảo Thông tư về chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông quy định chế độ làm việc của hiệu trưởng, hiệu phó có những điểm khác nhau.
Hai dự thảo quy định chế độ làm việc của hiệu trưởng trái ngược nhau?
Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có dự thảo Luật Nhà giáo và dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học.
Tôi nhận thấy, hai dự thảo này quy định chế độ làm việc đối với hiệu trưởng bậc phổ thông có sự khác nhau và có đôi điều cùng chia sẻ thêm.
Khoản 10 Điều 9 dự thảo Luật Nhà giáo quy định quyền của nhà giáo: "Được nghỉ hè và các ngày nghỉ khác theo quy định."
Bên cạnh đó, Điều 27 dự thảo Luật Nhà giáo quy định chế độ làm việc của nhà giáo như sau:
Thời gian nghỉ trong năm của nhà giáo (kể cả cán bộ quản lý cơ sở giáo dục) bao gồm: 08 tuần nghỉ ngơi hàng năm và các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết theo quy định của Bộ Luật Lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của Bộ Luật Lao động và các ngày nghỉ khác theo Luật Bảo hiểm xã hội.
Việc bố trí 08 tuần nghỉ hàng năm do cơ quan quản lý giáo dục cấp tỉnh (đối với giáo dục mầm non, phổ thông), cơ sở giáo dục (đối với giáo dục đại học, cao đẳng sư phạm và giáo dục nghề nghiệp) quy định trong kế hoạch giáo dục hàng năm cho phù hợp điều kiện địa phương và cơ sở giáo dục.
Nếu dự thảo Luật Nhà giáo được thông qua, thì thời gian nghỉ trong năm của hiệu trưởng, hiệu phó sẽ bao gồm: 08 tuần nghỉ ngơi hàng năm, và các ngày nghỉ lễ, nghỉ tết theo quy định của Bộ luật Lao động nghỉ việc riêng, nghỉ không hưởng lương theo quy định của Bộ luật Lao động và các ngày nghỉ khác theo Luật Bảo hiểm xã hội.
Tuy nhiên, khoản 4 Điều 5 dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học nêu thời gian làm việc, thời gian nghỉ hằng năm của giáo viên như sau:
"Thời giờ nghỉ ngơi của hiệu trưởng, phó hiệu trưởng thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động."
Cần biết thêm, khoản 1 Điều 113 Bộ luật Lao động quy định: "Người lao động làm việc đủ 12 tháng cho một người sử dụng lao động thì được nghỉ hằng năm, hưởng nguyên lương theo hợp đồng lao động như sau: 12 ngày làm việc đối với người làm công việc trong điều kiện bình thường".
Như vậy, hiệu trưởng là đối tượng lao động làm việc trong môi trường bình thường, khi làm việc từ 12 tháng trở lên, phó hiệu trưởng, hiệu trưởng sẽ được nghỉ phép là 12 ngày làm việc.
Cùng với đó, theo quy định tại Điều 114 Bộ luật Lao động, cứ đủ 05 năm làm việc cho một người sử dụng lao động thì số ngày nghỉ hằng năm của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 113 của Bộ luật này được tăng thêm tương ứng 01 ngày.
Vì vậy, hiệu trưởng, phó hiệu trưởng cũng được hưởng chính sách, chế độ về ngày nghỉ theo quy định này.
Có thể nhận thấy, dự thảo Luật Nhà giáo quy định thời gian nghỉ trong năm của hiệu trưởng, hiệu phó bao gồm: 08 tuần nghỉ ngơi hàng năm và nghỉ theo Bộ luật Lao động.
Còn theo dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học thì thời giờ nghỉ ngơi của hiệu trưởng, hiệu phó được thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động.
Hay nói cách khác, thời giờ nghỉ ngơi của hiệu trưởng, hiệu phó theo dự thảo Thông tư Quy định chế độ làm việc đối với giáo viên phổ thông, dự bị đại học gây thiệt thòi cho các lãnh đạo so với dự thảo Luật Nhà giáo.
Hiệu trưởng, hiệu phó nghỉ hè 8 tuần có khả thi?
Tôi nhận thấy hiệu trưởng, hiệu phó được nghỉ hè 8 tuần là khó khả thi vì một số lí do sau đây.
Thứ nhất, vào thời điểm tháng 6, hầu hết hiệu trưởng, hiệu phó được điều động làm trưởng điểm thi kì thi tuyển sinh vào lớp 10.
Các lãnh đạo này có 6 ngày làm việc gồm 3 ngày chuẩn bị cơ sở vật chất, triển khai công tác chuyên môn nghiệp vụ và 3 ngày tham gia điều hành kì thi.
Sau kì thi, hiệu trưởng, hiệu phó thường được điều động làm tổ trưởng, tổ phó khâu làm phách ở hội đồng chấm thi.
Với những tỉnh, thành có số lượng học sinh tham dự kì thi đông, các lãnh đạo phải làm việc cho khâu này khoảng 3 ngày.
Cùng với đó, hiệu trưởng, hiệu phó còn chỉ đạo, quản lí giáo viên trong việc dạy ôn tập cho những học sinh kiểm tra lại hoặc các em rèn luyện hạnh kiểm trong hè.
Việc giáo viên ra đề, chấm bài kiểm tra, vô điểm học bạ, xét duyệt học sinh được lên lớp hay ở lại lớp không thể không có mặt hiệu trưởng, hiệu phó. Những công việc này thường kéo dài đến hết tháng 6 hoặc có thể qua đầu tháng 7.
Thứ hai, đối với bậc trung học phổ thông, hiệu trưởng, hiệu phó cùng với giáo viên bộ môn còn phải xét duyệt đơn, tổ chức giảng dạy cho những học sinh có nhu cầu chuyển đổi môn/tổ hợp môn.
Những công việc này kéo dài từ tháng 6 sang tháng 7 nên hiệu trưởng, hiệu phó gần như phải làm việc vào giờ hành chính.
Ví dụ, học sinh lớp 10 làm bài kiểm tra môn/tổ hợp môn thì trước đó hiệu trưởng phải thành lập hội đồng coi kiểm tra, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các giáo viên có liên quan.
Bên cạnh đó, vào khoảng đầu tháng 7 khi địa phương công bố điểm chuẩn tuyển sinh 10 thì hiệu trưởng, hiệu phó cùng với giáo viên làm công tác tuyển sinh khoảng 10 ngày. Cụ thể là những việc như tổ chức thu nhận hồ sơ, tư vấn cho học sinh chọn môn/tổ hợp.
Cùng với đó, hiệu trưởng, hiệu phó cũng tham gia các lớp bồi dưỡng liên quan đến chuyên môn, nghiệp vụ. Riêng hiệu trưởng phải làm việc hành chính để ký duyệt cho những học sinh có nhu cầu chuyển trường.
Ngoài ra, vào đầu tháng 8, hiệu trưởng, hiệu phó còn phải tham gia học chính trị tập trung 3 ngày. Thời gian này, các lãnh đạo còn phải chuẩn bị cơ sở vật chất cho năm học mới.
Như đã phân tích, hiệu trưởng, hiệu phó ở các nhà trường, nhất là trường trung học phổ thông rất khó được nghỉ hè 8 tuần.
Hiệu trưởng, hiệu phó nghỉ hè 8 tuần là khó khả thi ở thời điểm này, trừ khi các loại hồ sơ sổ sách liên quan được ngành giáo dục số hoá đồng bộ ở các địa phương.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google