Hàng loạt đại gia thép báo lỗ, cổ phiếu bị "xả" mạnh

T.T.T
11:52 - 02/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

Liên tiếp các thông tin báo cáo về tình hình lỗ của các doanh nghiệp ngành thép đã khiến giá cổ phiếu giảm sâu, nhiều mã cổ phiếu đã bị bán tháo với mức thanh khoản kỷ lục.

Theo báo cáo tài chính của Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát (HPG), doanh nghiệp đầu ngành này lần đầu báo lỗ sau 13 năm kể từ năm 2008 với khoản lỗ trước thuế lên đến 1.300 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế quý III âm 1.786 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh thu của đại gia ngành thép đi lùi, giảm 12% so với cùng kỳ năm ngoái và gần 8% so với quý trước đó.

Ngay lập tức, cổ phiếu Hoà Phát trong ngày khởi đầu tháng 11 đã rơi vào tình trạng "xả van" mạnh, với số lượng khớp lệnh hơn 66 triệu, mức cao nhất từ giữa tháng 7/2021, trong đó khối ngoại bán 21 triệu cổ phiếu.

HPG rơi thẳng đứng sau giờ mở cửa, sớm chạm giá sàn 15.650 đồng và duy trì trạng thái này đến cuối phiên. Cổ phiếu đóng cửa trong tình trạng không có bên mua, trong khi bên bán còn gần 2 triệu cổ phiếu chờ sang tay giá sàn.

Thanh khoản HPG lên mức cao nhất trong 15 tháng qua với 66,3 triệu cổ phiếu được khớp lệnh, tương ứng 1.040 tỷ đồng. Trong số này có 45 triệu cổ phiếu giao dịch ở mức sàn.

Thông tin không mấy khả quan về kết quả kinh doanh đã gây áp lực lớn đối với mã cổ phiếu quốc dân này. Ngay cả những nhà đầu tư trung thành nhất cũng không khỏi lo lắng trước áp lực xả hàng mạnh mẽ của phiên 1/11. Tính theo khối lượng, nhà đầu tư nước ngoài bán ra hơn 21 triệu cổ phiếu trong khi chỉ mua vào 1 triệu cổ phiếu.

Hàng loạt "đại gia" thép báo lỗ, cổ phiếu bị "xả" mạnh - Ảnh 1.

Biểu đồ giao dịch khối ngoại cho thấy HPG chịu áp lực bán mạnh. Ảnh: VNDirect

Có thể nói, bên cạnh ngành hàng không, thép là một trong những nhóm ngành có lợi nhuận "thê thảm" nhất quý 3 với các công ty đầu ngành liên tiếp báo lỗ kỷ lục. Theo sau HPG, nhóm các doanh nghiệp lỗ hàng trăm tỷ đồng gồm 6 cái tên là Hoa Sen Group (HSG), Pomina (POM), VNSteel (TVN), Thép Nam Kim (NKG), Tôn Đông Á và Thép SMC (SMC).

Công ty cổ phần Thép Nam Kim (NKG) cũng là một mã cổ phiếu vốn được yêu thích trên sàn thép cũng báo lỗ hơn 400 tỷ đồng với doanh thu giảm gần 1,7 lần so với cùng kỳ. Đây là khoản lợi nhuận âm kỷ lục của doanh nghiệp này kể từ khi công bố thông tin vào quý I/2010.

Tương tự, Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen (HSG) lỗ khoảng 887 tỷ đồng vào quý cuối niên độ 2021-2022, trong khi cùng kỳ lãi hơn 940 tỷ. Lần đầu Hoa Sen báo lợi nhuận âm trở lại kể từ quý IV của niên độ 2017-2018.

Nhóm các doanh nghiệp thuộc Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) kỳ này cũng đồng loạt báo lỗ kỷ lục hoặc chỉ lãi nhỏ giọt. Lợi nhuận sau thuế Thép Thủ Đức (TDS) âm 22 tỷ đồng, tăng thêm gần 37% so với cùng kỳ. Đây là mức lỗ lớn nhất kể từ khi doanh nghiệp này công bố thông tin liên tục vào quý II/2013. Mức lỗ tương tự cũng xuất hiện tại Thép Vicasa (VCA), trong khi cùng kỳ công ty vẫn lãi khoảng 2 tỷ đồng. Đây trở thành kỳ kinh doanh thua lỗ lớn nhất của Vicasa kể từ quý III/2020.

Các đơn vị khác như Thép Thái Nguyên (TIS), Kim khí Thành phố Hồ Chí Minh (HMC) chuyển từ lãi trong cùng kỳ thành lỗ lần lượt 25 tỷ đồng và 12 tỷ đồng. Đây là mức lợi nhuận đáy của hai doanh nghiệp trong nhiều năm. Trong "họ" VnSteel, Thép Mê Lin (MEL) và Thép Cao Bằng (CBI) vẫn giữ được lợi nhuận dương nhưng ở mức rất thấp, lần lượt giảm 95% và 99% so với cùng kỳ.

Trong bối cảnh thị trường chung đang "sideway" một cách khó chịu, việc bán tháo 1 trong số các cổ phiếu "blue chip" là tín hiệu không mấy khả quan cho sự hồi phục của thị trường. Các chuyên gia chứng khoán cho rằng, hiện tại trong số các nhóm ngành thì khối Ngân hàng đang có lợi thế về dòng tiền. Nhà đầu tư có thể tham khảo các mã trong danh mục Tài chính - Ngân hàng để mua tích sản lâu dài, chứ về ngắn hạn thì chưa thể lạc quan.