Cổ phiếu ngân hàng "đáng ngại" trong ngắn hạn, nhưng hấp dẫn về dài hạn

PV
18:20 - 05/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Mặc dù, trong ngắn hạn, nhóm cổ phiếu ngân hàng được các chuyên gia khuyến cáo các nhà đầu tư nên thận trọng. Song về dài hạn, đây vẫn là kênh đầu tư khá hấp dẫn.

Cổ phiếu ngân hàng rớt giá

Cổ phiếu ngân hàng "đáng ngại" trong ngắn hạn, nhưng hấp dẫn về dài hạn - Ảnh 1.

Thời gian qua, giá cổ phiếu của nhiều ngân hàng lao dốc. Ảnh: VGP

Thời gian gần đây, trên sàn chứng khoán, cổ phiếu của các ngân hàng liên tục chìm trong sắc đỏ. Thống kê tại thời điểm đóng cửa phiên sáng 5/10, sau thời gian liên tục điều chỉnh, hiện 16 cổ phiếu ngân hàng đã lùi về dưới 20.000 đồng/cổ phiếu. Trong đó, 3 cổ phiếu của Ngân hàng ABBank (mã: ABB), Ngân hàng thương mại cổ phần Thương tín (VBB) và Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Á (mã: VAB) về dưới mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu.

Trước diễn biến tiêu cực của cổ phiếu ngành ngân hàng, các chuyên gia phân tích của Công ty Chứng khoán Vndirect cho rằng nhà đầu tư cần thận trọng hơn với triển vọng ngắn hạn của nhóm cổ phiếu này. Nguyên nhân đến từ những lo ngại về chi phí vốn cao và tăng trưởng tín dụng chậm lại.

Việc lãi suất huy động và lãi suất liên ngân hàng tăng nhanh được dự báo tiếp tục gây áp lực lên chi phí vốn cho đến ít nhất là nửa đầu năm 2023.

Về tăng trưởng tín dụng có dấu hiệu chậm lại khi giới phân tích đánh giá ít có khả năng các ngân hàng thương mại được nhận thêm hạn mức tín dụng từ giờ cho đến hết năm nay, khi mục tiêu hàng đầu của Ngân hàng Nhà nước là kiểm soát lạm phát và ổn định vĩ mô.

Đầu tháng 9, Ngân hàng Nhà nước đã nới hạn mức tín dụng cho ngành ngân hàng

Trước đó, tín dụng toàn ngành đã tăng mạnh 9,91% so với đầu năm tính đến cuối tháng 8, nhưng đà tăng đã chậm lại khi chỉ tăng thêm 0,47% kể từ quý II.

Nhóm phân tích của Công ty Chứng khoán Ngân hàng Agribank (Agriseco Research) cũng nhận định, động lực tăng trưởng của nhóm bị suy giảm hơn khi dư địa tăng trưởng tín dụng không còn nhiều và NIM chịu áp lực do lãi suất đầu vào có xu hướng tăng trong khi lãi suất cho vay khó tăng theo tương ứng. Lợi nhuận ngành ngân hàng trong năm 2022 và 2023 từ đó sẽ khó duy trì tăng trưởng cao như giai đoạn 2020 - 2021.

Bên cạnh đó, đối với triển vọng ngành ngân hàng kể từ đầu năm, các nhà môi giới chứng khoán còn ghi nhận tâm lý các nhà đầu tư bị ảnh hưởng bởi những lo ngại của thị trường về lạm phát và nợ xấu gia tăng.

Tâm lý này càng bị ảnh hưởng hơn khi thị trường vốn bắt đầu chịu sự giám sát chặt chẽ hơn, bất chấp mục đích để cải thiện tính minh bạch và bền vững của thị trường vốn trong dài hạn.

Vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn trong dài hạn 

Mặc dù chịu ảnh giảm giá liên tục, nhưng theo nhóm phân tích của Agriseco Research, về dài hạn, cổ phiếu ngân hàng vẫn là cơ hội đầu tư hấp dẫn nhờ quá trình chuyển đổi số trong hệ thống đang diễn ra mạnh mẽ.

Nhiều ngân hàng đang dần hình thành hệ sinh thái ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm với các sản phẩm tài chính công nghệ 4.0 giúp gia tăng giá trị thặng dư. Cùng với đó, quy mô và năng lực tài chính của các ngân hàng cũng đang được đẩy mạnh nhờ lợi nhuận tích lũy cùng quá trình tăng vốn, phát hành cho đối tác chiến lược.

Trên thị trường giao dịch, sau khi tạo đáy vào tháng 6, cổ phiếu ngành ngân hàng đã bật tăng khoảng 15% trong 2 tháng sau đó và tiếp tục bị điều chỉnh từ đầu tháng 9, giảm khoảng 16% trong bối cảnh vĩ mô biến động, áp lực gia tăng lãi suất.

Lũy kế từ mức đỉnh đầu năm vào tháng 2 cho tới nay, cổ phiếu ngành ngân hàng đã được chiết khấu, trung bình khoảng 40%.

Ngoài ra, nếu chỉ nhìn vào con số P/B (Price-to-Book ratio, là tỉ lệ được sử dụng để so sánh giá của một cổ phiếu với giá trị sổ sách của cổ phiếu đó), một số ngân hàng của Việt Nam thậm chí còn có định giá nằm trong top “đắt đỏ” nhất thế giới. Theo số liệu từ SSI Research, các ngân hàng như Vietcombank (Mã: VCB), SeABank (Mã: SSB), Eximbank (Mã: EIB), National Citizen Bank (Mã: NVB) đều đang có định giá gấp hơn 2 lần giá trị sổ sách, đặc biệt là VCB với P/B cao ngất ngưởng 2,75 lần.

Thực tế, phần lớn các cổ phiếu ngân hàng trong nước đều có P/B dưới 1,5 lần, thậm chí một số cái tên đã xuống dưới giá trị sổ sách như VietinBank (Mã: CTG), Sacombank (Mã: STB), SHB, LienViet Post Bank (Mã: LPB),... Nhưng so với các ngân hàng trên thế giới, mức định giá này vẫn cao hơn đáng kể. 

Chẳng hạn như P/B của ngân hàng Credit Suisse chỉ ở mức 0,22 lần. Hay P/B của loạt ngân hàng như Deutsche Bank AG, BNP Paribas SA, Citigroup Inc, Bank of China Ltd, Barclays PLC, Mitsubishi UFJ Financial Group Inc, Standard Chartered PLC, Sumitomo Mitsui Financial Group Inc,... cũng đều nằm dưới 0,5.

Về cơ bản, mọi sự so sánh đều khập khiễng và ngành ngân hàng tại Việt Nam có những đặc thù nhất định khiến thị trường chấp nhận mặt bằng định giá cao hơn. Một trong số đó là sự khác biệt về loại hình hoạt động giữa các ngân hàng Việt Nam và thế giới, điều có thể ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng trong môi trường lãi suất tăng.

Nguồn: Tổng hợp từ TTXVN