Hãng hàng không lớn thứ 2 Nhật Bản thiệt hại hơn 100 triệu USD sau vụ cháy máy bay

Trang Linh
17:51 - 04/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Vụ cháy máy bay hôm 2/1 khiến hãng hàng không Nhật Bản Japan Airlines mất ít nhất 105 triệu USD.

Hãng hàng không lớn thứ 2 Nhật Bản thiệt hại hơn 100 triệu USD sau vụ cháy máy bay- Ảnh 1.

Ngọn lửa bao trùm phi cơ của Japan Airlines bao trùm ở sân bay Haneda, Tokyo ngày 2/1. Ảnh: AFP

Ngày 4/1, hãng hàng không Japan Airlines (JAL) của Nhật Bản ước tính thiệt hại khoảng 15 tỉ yen (tương đương 104,81 triệu USD) sau vụ cháy máy bay do va chạm giữa chiếc Airbus A350 của hãng với phi cơ của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản tại sân bay Haneda (Tokyo) hai ngày trước đó. 

Tổn thất do vụ cháy máy bay sẽ được bảo hiểm chi trả

Hãng hàng không đang tiếp tục đánh giá tác động của vụ tai nạn trên đối với dự báo doanh thu trong năm tài khóa sẽ kết thúc vào ngày 31/3 tới.

JAL là một trong hai hãng hàng không lớn nhất Nhật Bản. Hôm nay là phiên giao dịch đầu tiên của thị trường chứng khoán nước này sau kỳ nghỉ năm mới. Cổ phiếu JAL hiện tăng 0,5%, sau khi mất 2,4% vào đầu phiên.

Từ đầu năm 2022, các hãng hàng không Nhật Bản bắt đầu phục hồi mạnh hậu COVID-19. JAL ghi nhận doanh thu giai đoạn tháng 4-9/2022 tăng 33% lên 821 tỉ yen (hơn 5,7 tỉ USD). Trong đó, lợi nhuận ròng gần 62 tỉ yen (tương đương 432 triệu USD).

Theo JAL, tổn thất của vụ cháy máy bay sẽ được bảo hiểm chi trả. Từ các nguồn tin trong ngành bảo hiểm, Reuters cho biết các hợp đồng bảo hiểm giá trị lớn thường do nhiều hãng cùng tham gia. Trong đó, công ty AIG (Mỹ) là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong hợp đồng "bảo hiểm mọi rủi ro" cho chiếc A350 thân rộng đã bị thiêu rụi sau vụ va chạm.

Nguyên nhân ban đầu của vụ cháy máy bay tại Nhật Bản

Sự cố va chạm hàng không xảy ra tại sân bay Haneda hôm 2/1, trong lúc máy bay A350 hạ cánh sau hành trình từ thành phố Sapporo đến Tokyo, còn chiếc DHC-6-315 chuẩn bị cất cánh để chuyển đồ cứu trợ đến khu vực bị tàn phá do động đất ngày đầu năm. 

Nguyên nhân dẫn đến vụ va chạm máy bay có thể là do cơ trưởng cảnh sát biển hiểu nhầm chỉ dẫn từ kiểm soát viên không lưu. Phó Tổng giám đốc Cục Hàng không dân dụng Nhật Bản cho biết, bản ghi âm giữa đài kiểm soát không lưu và cơ trưởng cho thấy máy bay cảnh sát biển chưa được phép tiến vào đường băng vào thời điểm xảy ra sự cố. 

Một quan chức Cảnh sát biển Nhật Bản tiết lộ cơ trưởng Genki Miyamoto đã thông báo với sở chỉ huy rằng máy bay được "cấp phép tiến vào đường băng để cất cánh", nhưng thừa nhận không có dấu hiệu nào trong bản ghi âm thể hiện điều đó.

Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản Tetsuo Saito thông tin, đơn vị này đang nộp tài liệu liên quan và sẽ hợp tác toàn diện với các nhà điều tra để bảo đảm áp dụng mọi biện pháp an toàn nhằm ngăn sự cố này tái diễn.

Toàn bộ 367 hành khách và 12 thành viên phi hành đoàn của Japan Airlines được sơ tán thành công trước khi ngọn lửa bao trùm phi cơ, ít nhất 17 người bị thương nhưng không nguy hiểm tính mạng. 

Trong một tuyên bố chiều 3/1, giới chức hãng hàng không lớn thứ hai Nhật Bản khẳng định, việc tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình khẩn cấp đã giúp cứu sống toàn bộ hành khách.

Giám đốc an toàn hàng không Công ty tư vấn Ascend by Cirium có trụ sở tại Anh Paul Hayes nhận định, tổ bay đã làm rất tốt nhiệm vụ của mình và toàn bộ hành khách kịp thoát ra ngoài là "điều kỳ diệu".

Tuy nhiên sau vụ cháy máy bay, 5 trong số 6 thành viên phi hành đoàn trên máy bay của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản đã thiệt mạng. Cơ trưởng đã kịp thời thoát hiểm nhưng bị thương nặng.

Mạng lưới An toàn Hàng không (ASN) cho biết máy bay Airbus A350 có phần thân được chế tạo chủ yếu từ sợi carbon với trị giá 317,4 triệu USD. Đây là lần đầu tiên dòng phi cơ này bị phá hủy hoàn toàn kể từ khi được đưa vào khai thác thương mại vào năm 2015.

Nguồn: Reuters, NHK