Hải Phòng: Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển 3 trụ cột

Tuệ Nhi
21:32 - 04/12/2023
Công dân & Khuyến học trên

Theo chỉ đạo của Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ, Thường trực Thành uỷ, Hải Phòng tập trung, quyết tâm tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột chủ yếu.

Hải Phòng: Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển 3 trụ cột- Ảnh 1.

Hải Phòng tăng tốc đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu kinh tế theo định hướng phát triển 3 trụ cột. Ảnh: Minh họa

3 trụ cột kinh tế Hải Phòng gồm: công nghiệp công nghệ cao; cảng biển - logistics và du lịch - thương mại

Thành ủy Hải Phòng vừa tổ chức Hội nghị lần thứ 14 nghe báo cáo, cho ý kiến về một số nội dung theo quy chế làm việc. Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo được công bố tại hội nghị, Thành ủy Hải Phòng đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện toàn diện, đồng bộ công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, vận động nhân dân, có nhiều đổi mới và đạt kết quả quan trọng.

Về kết quả thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2023, kinh tế thành phố tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) ước đạt 10,34%, duy trì 9 năm liên tục ở mức hai con số. 

Tổng thu ngân sách nhà nước của Hải Phòng ước đạt khoảng 102.614 tỷ đồng. Trong đó, thu nội địa ước đạt 42.500 tỷ đồng, sản lượng hàng hóa qua cảng ước đạt 170 triệu tấn. Vốn đầu tư công được tập trung đẩy mạnh giải ngân; thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng 1,4 lần so với cùng kỳ và vượt kế hoạch đề ra. Các chỉ tiêu kinh tế chủ yếu tiếp tục có sự tăng trưởng so với cùng kỳ.

Hải Phòng: Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển 3 trụ cột- Ảnh 2.

Bí thư Thành ủy Hải Phòng Lê Tiến Châu cho rằng, năm 2023 mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật, nằm trong top đầu các địa phương trên cả nước. Ảnh: ĐT

Thành uỷ, Ban Thường vụ Thành uỷ, Thường trực Thành uỷ Thành phố tiếp tục chú trọng phát triển hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng giao thông đô thị, các công trình giao thông liên kết vùng, có sức lan tỏa. Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu tiếp tục được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo.

Đối với chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt thấp hoặc chưa đạt, các đại biểu dành nhiều thời gian phân tích nguyên nhân chủ quan, khách quan đồng thời đánh giá khả năng tăng trưởng thực tế của thành phố.

Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư Thành ủy Lê Tiến Châu cho rằng, năm 2023 mặc dù gặp nhiều khó khăn, nhưng kinh tế - xã hội thành phố tiếp tục đạt nhiều kết quả nổi bật, nằm trong top đầu các địa phương trên cả nước.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Bí thư Thành ủy cũng thẳng thắn chỉ ra một số nhiệm vụ quan trọng của Thành ủy chưa hoàn thành theo kế hoạch, như: việc thực hiện chủ đề năm 2023 "Đẩy mạnh chỉnh trang, hiện đại hóa đô thị - Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu - Thực hiện chuyển đổi số" chưa đạt nhiều kết quả. Nghị quyết của Ban Thường vụ Thành ủy về đào tạo nghề ban hành được giao trong năm 2023, nhưng đến nay chưa hoàn thành, thực hiện chưa sát với chỉ đạo của Thành ủy. Một số chỉ tiêu, nhất là về kinh tế chưa đạt theo kế hoạch, thậm chí giảm sâu, như: Thu từ xuất nhập khẩu; tỷ lệ hàng hóa qua cảng...

Hải Phòng: Đổi mới mô hình tăng trưởng, tái cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển 3 trụ cột- Ảnh 3.

Các đại biểu đóng góp ý kiến tại hội nghị. Ảnh: ĐT

Nhấn mạnh nhiệm vụ năm 2024, Bí thư Thành ủy đề nghị tập trung cao độ hoàn thành 2 nhiệm vụ Thành ủy đã đăng ký với Bộ Chính trị là Sơ kết 5 năm thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và Đề án thành lập Khu thương mại tự do thành phố Hải Phòng.

Về phát triển kinh tế - xã hội, Bí thư Thành ủy đề nghị Ban Cán sự Đảng Ủy ban nhân dân thành phố trong quá trình điều hành, chủ động rà soát lại các nguồn thu tiềm năng, tạo nguồn thu mới để tăng dự toán thu từ các nguồn khác (ngoài thu từ sử dụng đất); rà soát, cắt giảm tối đa các khoản chi thường xuyên không cần thiết, cân đối lại để bảo đảm chi đầu tư phải lớn hơn chi thường xuyên; lưu ý, cân đối đầu tư công để ưu tiên những dự án hạ tầng lớn, mang tính động lực, quan tâm một số lĩnh vực như y tế, giáo dục, văn hóa…