Hà Nội tuyển sinh vào lớp 10 công lập tỉ lệ 44/100, cạnh tranh khốc liệt

Thành Phúc
15:40 - 19/03/2023
Công dân & Khuyến học trên

Các tỉnh, thành hiện nay chỉ tuyển khoảng trên dưới 70% học sinh lớp 9 tốt nghiệp Trung học cơ sở vào lớp 10 công lập. Đặc biệt là Hà Nội, năm học 2023-2024 tới đây chỉ tuyển 55,7% tổng số học sinh. Cửa vào lớp 10 công lập càng trở nên nhỏ hẹp hơn bao giờ hết.

Gần cuối năm học, những học sinh lớp 9 thuộc những địa bàn có tỉ lệ chọi tuyển sinh vào lớp 10 cao luôn phải bận rộn vì lịch học chính, học thêm dày đặc. Nếu không cố gắng, không nỗ lực tối đa, nhiều em sẽ không có cơ hội vào lớp 10 công lập, đồng nghĩa chi phí học tập sẽ cao khi học ở các trường ngoài công lập.

Tổ chức kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 để học sinh cạnh tranh một cách công bằng, khách quan và đây là phương án khả thi nhất cho đến thời điểm hiện tại.   Hiện, việc tổ chức kỳ thi này rất tốn kém nhưng chính vì tỉ lệ thí sinh dự thi đông, tỉ lệ tuyển sinh ít nên Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khu vực đông dân cư khác bắt buộc phải tổ chức kỳ thi này.

Hà Nội tuyển sinh vào lớp 10 công lập tỉ lệ 44/100 

Ngày 13/3/2023 vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội ban hành Kế hoạch số 656/KH-SGDĐT hướng dẫn tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2023-2024. Theo kế hoạch của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, năm học 2022- 2023, toàn thành phố có 129.210 học sinh dự xét công nhận tốt nghiệp. Số lượng này sẽ được tuyển sinh vào trường Trung học phổ thông khoảng 102.000 học sinh.

Trong đó, tuyển vào các trường Trung học phổ thông công lập khoảng 72.000 học sinh (tăng 1.000 học sinh so với năm học 2022-2023), chiếm tỷ lệ 55,7%. Tuyển vào các trường Trung học phổ thông công lập tự chủ và tư thục khoảng 30.000 học sinh, chiếm tỷ lệ 23,2%. Tuyển sinh vào trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên khoảng 10.000 học viên, chiếm tỷ lệ 7,7%. 

Hà Nội tuyển sinh vào lớp 10 công lập tỉ lệ 44/100, cạnh tranh khốc liệt  - Ảnh 2.

Cánh cửa vào trung học phổ thông công lập tại Hà Nội ngày càng hẹp. Ảnh: Trường THPT Tây Hồ

Tuyển sinh vào các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên liên kết với các trường trung cấp và cao đẳng dạy văn hóa chương trình Giáo dục thường xuyên cấp Trung học phổ thông) khoảng 17.210 học viên, chiếm tỷ lệ 13,4%. 

Nếu so sánh kỳ thi tuyển sinh 10 năm nay với các năm gần đây thì tỉ lệ tuyển vào lớp 10 công lập của Hà Nội năm nay thấp hơn các năm trước. 

Năm học 2021-2022 khoảng 64,7% trúng tuyển vào các trường Trung học phổ thông công lập, năm học 2020-2021 có khoảng 60%, năm học 2019-2020 là 60%.

Việc các trường Trung học phổ thông công lập của Thành phố Hà Nội chỉ tuyển 55,7% số lượng học sinh lớp 9 cho thấy sự căng thẳng trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tới đây. Những thí sinh dự thi - nhất là những thí sinh ở khu vực nội đô sẽ cạnh tranh khốc liệt mới có được 1 suất vào lớp 10 công lập. Dĩ nhiên, những em đậu được kỳ thi này phải là những em có học lực tốt đối với cả 3 môn thi.

Nhiều cánh cửa mở ra đối với học sinh không đậu lớp 10 công lập nhưng ít học sinh đáp ứng được

Thực tế cho thấy, Kế hoạch số 656/KH-SGDĐT của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã thể hiện những con số cụ thể về số lượng vào trường Trung học phổ thông công lập; trường Trung học phổ thông công lập tự chủ và tư thục; trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên; các cơ sở giáo dục nghề nghiệp…

Điều này cho thấy, học sinh lớp 9 khi tham dự kỳ thi tuyển sinh 10 vào các trường công lập nếu không đậu vẫn còn có rất nhiều lựa chọn khác nhau cho tương lai - nếu các em muốn học văn hóa tiếp hoặc theo con đường học nghề, hoặc vừa học văn hóa, vừa học nghề. Thế nhưng, thực tế cho thấy, phụ huynh bây giờ chỉ có 1-2 đứa con, dù giàu hay nghèo thì họ cũng đều muốn con mình tiếp tục duy trì việc học văn hóa để hướng tới tương lai sau này, không mấy phụ huynh lại muốn vào các trường nghề, hoặc vào các trường tư thục mà mình không đủ điều kiện để cho con theo học.

Vì thế, áp lực cạnh tranh ở các trường Trung học phổ thông sẽ rất lớn. Bởi một lẽ đương nhiên, việc học sinh lớp 9 đậu vào lớp 10 của các trường Trung học phổ thông công lập sẽ "dễ thở" hơn về chi phí học tập. Các trường công lập được nhà nước chi trả lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, được đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học. Nhìn chung, chi thường xuyên, không thường xuyên của nhà trường đã được nhà nước "bao cấp" hoàn toàn. Chính vì vậy, học sinh đóng học phí hàng tháng sẽ nhẹ nhàng hơn.

Trong khi, các trường Trung học phổ thông công lập tự chủ phải tự cân đối thu - chi để trả lương cho cán bộ, giáo viên, nhân viên của nhà trường. Các trường tư thục thì ngoài việc phải tự cân đối thu - chi để trả lương thì còn phải thuê mướn cơ sở, đầu tư trang thiết bị.

Vậy nên, chi phí học tập sẽ cao hơn rất nhiều so với khối trường Trung học phổ thông công lập. Việc tự cân đối tài chính để duy trì hoạt động thì điều tất yếu là lấy từ chi phí của người học vì họ không được nhà nước đầu tư, cấp kinh phí hàng năm. Vì vậy, những phụ huynh cho con học ở các trường ngoài công lập phải là những học sinh có điều kiện về tài chính.

Những phụ huynh không có điều kiện về kinh tế thì chỉ có một cách phải động viên, khích lệ và đầu tư cho con ôn luyện để thi tuyển sinh nhằm hướng tới đậu vào các trường công lập. Vì thế, nhiều năm qua thì những trường nội đô ở Hà Nội luôn là những nơi có sự cạnh tranh khốc liệt của các thí sinh khi dự thi tuyển sinh lớp 10.

Sự cạnh tranh này có lẽ sẽ còn tiếp tục bởi vì trước điều kiện trường lớp hiện tại, số lượng học sinh tốt nghiệp Trung học cơ sở của Hà Nội như hiện nay cho thấy việc duy trì kỳ thi tuyển sinh 10 không chỉ cho năm học tới đây. Không thi tuyển, các trường - kể cả Trung học cơ sở; Trung học phổ thông đều sẽ gặp những khó khăn trong phân luồng, tuyển sinh.

Bởi lẽ, như kỳ thi tới đây cho năm học 2023-2024, cứ 100 học sinh đã tốt nghiệp Trung học cơ sở thì các trường Trung học phổ thông chỉ tuyển được chưa đến 56 học sinh (55,7%). Dĩ nhiên, trong số những em không đậu vào lớp 10 công lập không hẳn là các em có học lực không tốt mà vì các trường Trung học phổ thông công lập không thể tuyển được. 

Vì vậy, việc tổ chức kỳ thi tuyển sinh 10 là một điều tất yếu, không có phương án nào khả thi hơn lúc này.