Hà Nội triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông khu vực trường học

Hồng Ngọc
12:52 - 21/11/2023
Công dân & Khuyến học trên

Hà Nội đang triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực trường học tại những vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông; đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh.

Hà Nội triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông khu vực trường học- Ảnh 1.

Lực lượng Công an tuyên truyền về an toàn giao thông tại trường tiểu học trên địa bàn quận Thanh Xuân. Ảnh: Cổng thông tin điện tử quận Thanh Xuân

Cải thiện điều kiện hạ tầng, tạo ra những tuyến đường an toàn hơn cho học sinh ở khu vực các trường học

Theo Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội, với mục tiêu nâng cao mức độ an toàn giao thông, nhằm giảm thiểu tử vong và thương tích liên quan đến tai nạn giao thông đường bộ trên địa bàn, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phê duyệt Dự án Sáng kiến Bloomberg Philanthropies vì an toàn giao thông đường bộ toàn cầu giai đoạn 2021-2025 (Dự án BIGRS).

Thông sự hỗ trợ của các tổ chức Quốc tế về mặt kỹ thuật, đào tạo và nguồn lực, Dự án hỗ trợ 4 hợp phần chính gồm:

(1) Hạ tầng giao thông;

(2) Cưỡng chế vi phạm trật tự, an toàn giao thông;

(3) Tuyên truyền và truyền thông về an toàn giao thông;

(4) Dữ liệu và giám sát.

Một trong những nội dung trọng tâm của Dự án là cải thiện điều kiện hạ tầng đảm bảo an toàn cho đối tượng yếu thế, đặc biệt là cho học sinh ở khu vực các trường học với mục tiêu là tạo ra những tuyến đường an toàn hơn cho học sinh. Qua đó tăng tỷ lệ học sinh tự đến trường, góp phần thực hiện mục tiêu giảm tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (giảm về số vụ, số người chết, số người bị thương) theo Chiến lược Quốc gia bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2060/QĐ-TTg ngày 12/12/2020.

Theo kế hoạch hoạt động năm 2023, Sở Giao thông vận tải thành phố Hà Nội đã chủ trì, phối hợp với đơn vị tư vấn của Dự án và các đơn vị liên quan rà soát, lựa chọn thực hiện triển khai thí điểm các giải pháp cải thiện hạ tầng giao thông tại 3 địa điểm có những điều kiện giao thông và hạ tầng khác nhau, các trường, cụm trường gồm:

- Cụm trường Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Xuân Đỉnh, quận Bắc Từ Liêm;

- Trường tiểu học Nguyễn Du, quận Hà Đông;

- Cụm trường Mầm non Sài Sơn B, trường tiểu học Sài Sơn A, trường phổ thông cơ sở Sài Sơn, huyện Quốc Oai;

Hà Nội triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông khu vực trường học- Ảnh 2.

Phối cảnh dự kiến áp dụng các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông tại cổng trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Hà Đông. Ảnh: Phạm Công/Sở Giao thông vận tải Hà Nội

Trong đó, trường Tiểu học Nguyễn Du, quận Hà Đông và cụm trường Mầm non Sài Sơn B, trường Tiểu học Sài Sơn A, trường phổ thông cơ sở Sài Sơn, huyện Quốc Oai được thực hiện thí điểm các giải pháp cải thiện an toàn giao thông khu vực trường học dưới sự hỗ trợ của Chương trình hợp tác vì các thành phố lành mạnh - PHC (PHC là Mạng lưới toàn cầu có uy tín gồm 70 thành phố cam kết cứu sống các sinh mạng bằng cách ngăn ngừa các bệnh không lây nhiễm và thương tích) trong khuôn khổ Dự án BIGRS.

Công tác thiết kế cải thiện an toàn cho 3 cụm trường được tham khảo các giải pháp trong Hướng dẫn Thiết kế Đường phố Toàn cầu (GSDG), Hướng dẫn Thiết kế Đường phố cho Trẻ em (DSfK) và Cách thức Đánh giá Chuyển đổi Đường phố (HTM). 

Nguyên tắc của thiết kế đường phố an toàn nói chung và cho khu vực trường học nói riêng là ưu tiên cho đối tượng yếu thế, ưu tiên sự di chuyển của con người hơn phương tiện; ưu tiên việc đi bộ và đi xe đạp an toàn của học sinh hơn việc di chuyển nhanh của các phương tiện cơ giới.

Về giải pháp hạ tầng:

- Làm lối đi bộ nổi cho học sinh đi bộ sang đường được thuận tiện, an toàn tại khu vực cổng trường học;

- Tăng khả năng nhận diện của người tham gia giao thông với các lối đi bộ sang đường bằng sơn kẻ vạch màu trắng, nền vàng, tăng nhận diện khu vực trường học bằng biển báo, sơn kẻ vạch;

- Thu hẹp làn di chuyển của các phương tiện cơ giới nhằm giảm vận tốc của các phương tiện khi đi qua khu vực trường học; Mở rộng vỉa hè, tạo lối đi bộ rộng, thông thoáng, hấp dẫn cho học sinh; Một số vị trí không có hè cho người đi bộ, mở rộng lối đi bộ bằng hàng cọc tiêu trụ dẻo có phản quang gắn dưới lòng đường (cụm trường Xuân Đỉnh);

- Tổ chức lại các vị trí đỗ xe của phụ huynh trước khu vực cổng trường học, tạo không gian phù hợp cho phụ huynh chờ đón học sinh có trật tự và khoa học, tránh sự lộn xộn trong giờ đưa đón học sinh ở trước cổng trường;

- Tạo đảo giao thông kết hợp điểm trú chân cho người đi bộ sang đường (cụm trường Sài Sơn, Trường tiểu học Nguyễn Du);

- Bố trí làn đường dành cho học sinh đi xe đạp qua nút giao đảm bảo an toàn giao thông (nút giao ngã ba cụm trường Sài Sơn);

- Hạn chế tốc độ các phương tiện qua khu vực cổng trường;

Công tác đánh giá đánh giá kết quả thí điểm: Dự án thí điểm tổ chức thực hiện thu thập thông tin, khảo sát (bằng ảnh, phim, phiếu khảo sát, điều tra) để theo dõi trước, trong và sau khi thực hiện thí điểm từ đó đánh giá kết quả của Dự án.

Công tác tuyên truyền:

- Cùng với thực hiện thí điểm các giải pháp về hạ tầng, Dự án thí điểm sẽ thực hiện công tác tuyên truyền về các giải pháp thí điểm, tuyên truyền việc tuân thủ Luật giao thông đường bộ, kỹ năng tham gia giao thông an toàn đến học sinh, giáo viên của trường học khu vực thí điểm.

- Tuyên truyền và vận động phụ huynh và học sinh cùng phối hợp thực hiện khu vực cổng trường an toàn, trật tự.

Xử lý điểm nguy cơ ùn tắc ở cổng trường, tăng cường xử lý học sinh vi phạm an toàn giao thông

Theo Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội, ngày 2/11, tại Hội nghị trực tuyến chuyên đề về đảm bảo an toàn giao thông đối với học sinh, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn cho biết, trong 10 tháng đầu năm 2023, lực lượng chức năng của Hà Nội đã kiểm tra, xử lý 2.374 trường hợp học sinh, sinh viên vi phạm trật tự, an toàn giao thông, tạm giữ 1.031 trường hợp xe mô tô vi phạm.

Các hành vi vi phạm chủ yếu là: không đội mũ bảo hiểm 2.248 trường hợp; chưa đủ tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy 800 trường hợp; không có giấy phép lái xe 67 trường hợp; vi phạm nồng độ cồn 28 trường hợp…

Hà Nội triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông khu vực trường học- Ảnh 4.

Tình trạng ùn tắc trước cổng trường khi học sinh tan học thường xuyên xảy ra. Ảnh: Hànộimới

Ngoài việc học sinh trực tiếp điều khiển phương tiện vi phạm trật tự, an toàn giao thông, cũng ghi nhận tình trạng phụ huynh đưa, đón con đến trường vi phạm các quy định của pháp luật về trật tự, an toàn giao thông như: dừng đỗ xe không đúng quy định, chở người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm,... phần nào tác động đến nhận thức của chính con em mình đối với việc chấp hành các quy tắc khi tham gia giao thông.

Trước đó, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã ban hành nhiều kế hoạch, văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã triển khai công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông nói chung và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn Hà Nội nói riêng.

Đồng thời chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải tổ chức rà soát toàn bộ các cổng trường học có nguy cơ mất an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội để xử lý, khắc phục nhằm bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh. Qua rà soát, có tổng an toàn giao thông, trong đó khu vực nội thành: 108 vị trí, ngoại thành 44 vị trí; đề xuất các giải pháp xử lý…

Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố Hà Nội và các lực lượng chức năng đã tiến hành rà soát, kiểm tra tại 110 trường học có ký hợp đồng vận chuyển đưa, đón học sinh với 186 đơn vị kinh doanh vận tải, tổng số phương tiện vận chuyển 1.519 xe ô tô; đã tiến hành lập biên bản xử lý vi phạm hành chính đối với 41 trường hợp, phạt tiền 182.200.000 đồng.

Lực lượng Cảnh sát giao thông - Công an thành phố Hà Nội đã phối hợp với các trường học tổ chức 527 buổi tuyên truyền với sự tham gia của 444.242 học sinh và 26.954 giáo viên các cấp học; tổ chức ký cam kết chấp hành quy định về an toàn giao thông cho 306.339 lượt học sinh, giáo viên; tổ chức ký cam kết không giao xe cho học sinh, sinh viên không đủ điều kiện điều khiển cho 88.848 lượt phụ huynh; tổ chức 48 đội tình nguyện hướng dẫn giao thông tại các cổng trường học; trao 682 mũ bảo hiểm, 50 áo phao cho học sinh trên địa bàn Hà Nội,...

Thời gian tới, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội sẽ chỉ đạo Sở Giao thông Vận tải, Công an thành phố, các đơn vị liên quan tiếp tục triển khai thực hiện các giải pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông khu vực trường học tại 152 vị trí có nguy cơ mất an toàn giao thông. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh; tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa nhà trường - phụ huynh, gia đình học sinh và các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giáo dục học sinh chấp hành quy định về an toàn giao thông...

Cùng với đó, tăng cường công tác kiểm tra, xử lý đối với những trường hợp học sinh vi phạm về trật tự an toàn giao thông; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp học sinh, thanh thiếu niên điều khiển xe mô tô khi chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe theo quy định; xử lý trách nhiệm tổ chức, cá nhân giao xe mô tô cho người chưa đủ điều kiện điều khiển theo quy định của pháp luật.


Bình luận của bạn

Bình luận