Hà Nội: Phát hiện 40 tấn thịt lợn nhiễm virus tả lợn châu Phi và dịch bệnh tai xanh trong kho đông lạnh

PV
23:22 - 25/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

40 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ này được phát hiện trong 2 kho đông lạnh trên địa bàn huyện Chương Mỹ, Hà Nội. Qua xét nghiệm, cho kết quả nhiễm virus tả lợn châu Phi và dịch bệnh tai xanh.

Hà Nội: Phát hiện 40 tấn thịt lợn nhiễm virus tả lợn châu Phi và dịch bệnh tai xanh trong kho đông lạnh- Ảnh 1.

40 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ được phát hiện tại kho đông lạnh của ông Nguyễn Bá Minh (sinh năm 1976, trú tại thôn Quang Trung, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ).

40 tấn thịt lợn nhiễm 2 loại virus gây dịch bệnh nguy hiểm, gây lây lan dịch bệnh

Đội Quản lý thị trường số 25, Cục Quản lý thị trường thành phố Hà Nội phối hợp với Công an huyện Chương Mỹ, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chương Mỹ và Công an xã Hữu Văn tiến hành kiểm tra kho đông lạnh của ông Nguyễn Bá Minh (sinh năm 1976, trú tại thôn Quang Trung, xã Hữu Văn, huyện Chương Mỹ). Vào thời điểm kiểm tra, ông Minh khai nhận trong kho hàng chứa trữ khoảng 4 tấn hàng hóa là thực phẩm, tuy nhiên, đó là 40 tấn thịt lợn không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Tổ công tác đã tiến hành lấy 2 mẫu thịt tại 2 kho đông lạnh để phân tích, giám định và niêm phong toàn bộ kho lạnh trên. Kết quả xét nghiệm của Trung tâm chẩn đoán Thú y Trung ương, Cục Thú y cho thấy một mẫu dương tính virus dịch tả lợn châu Phi và một mẫu dương tính virus PRRS dòng Bắc Mỹ (bệnh tai xanh).

2 loại virus trên là virus gây dịch bệnh nguy hiểm, gây lây lan dịch bệnh, thuộc diện phải công bố dịch.

Ông Nguyễn Bá Minh khai nhận, toàn bộ số hàng hóa trên được thu gom từ các chợ trên địa bàn xã Hữu Văn và một số xã lân cận thuộc huyện Chương Mỹ với giá vài nghìn đồng/1kg. Ông Minh tích trữ số hàng trên từ khoảng tháng 7/2023 tại kho đông lạnh thuộc đất trang trại chăn nuôi của gia đình để làm thức ăn nuôi cá và bán cho các hộ gia đình nuôi cá để kiếm lời. Tuy nhiên, ông Minh đang trữ đông thịt lợn, chưa kịp sử dụng làm thức ăn cho cá và bán ra ngoài thì bị phát hiện.

Ngày 25/1/2024, Ban chỉ đạo 389 huyện Chương Mỹ chỉ đạo các lực lượng chức năng giám sát buộc cơ sở tiêu hủy toàn bộ số hàng hóa vi phạm.

Điều 317 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định Tội vi phạm quy định về an toàn thực phẩm như sau:

Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là cấm sử dụng hoặc ngoài danh mục được phép sử dụng trong sản xuất thực phẩm; Sử dụng động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy theo quy định của pháp luật để chế biến thực phẩm hoặc cung cấp, bán thực phẩm mà biết là có nguồn gốc từ động vật chết do bệnh, dịch bệnh hoặc động vật bị tiêu hủy; Sử dụng chất, hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phụ gia thực phẩm hoặc chất hỗ trợ chế biến thực phẩm mà biết là chưa được phép sử dụng hoặc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam trong sản xuất thực phẩm gây ngộ độc ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của từ 05 người đến 20 người hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 31% đến 60% thì bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm…


Nguồn: Tổng hợp