Thêm một trường hợp nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn sau khi làm và ăn thịt lợn ốm

Minh Châu
15:46 - 11/08/2023
Công dân & Khuyến học trên

Sau khi làm và ăn thịt lợn ốm, nam bệnh nhân bị sốt cao, rét run, mệt mỏi, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày. Bệnh nhân được chẩn đoán sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng do nhiễm liên cầu lợn.

Nhiễm liên cầu lợn sau khi làm và ăn thịt lợn ốm

Thông tin từ Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương vừa tiếp nhận một bệnh nhân là nam giới, 62 tuổi, đến từ Lai Châu.

Bệnh nhân có tiền sử khỏe mạnh. Sau khi làm và ăn thịt lợn ốm cách đây 1 tuần bệnh nhân sốt cao, rét run, mệt mỏi, đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, điều trị tại nhà.

2 ngày sau, bệnh nhân xuất hiện đi ngoài phân đen kèm nổi ban xuất huyết hoại tử toàn thân được chuyển đến nhập viện Bệnh viện đa khoa tỉnh Lai Châu. Bệnh nhân được chẩn đoán: Sốc nhiễm khuẩn, suy đa tạng, theo dõi liên cầu lợn. Bệnh nhân có co giật toàn thể, được đặt ống nội khí quản, thở máy, duy trì vận mạch...

Bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn sau khi làm và ăn thịt lợn ốm. Ảnh: Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương

Điều trị một ngày tình trạng bệnh không cải thiện, bệnh nhân đã được chuyển đến Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương. Bệnh nhân được các bác sĩ tại đây chẩn đoán Sốc nhiễm khuẩn – Nhiễm khuẩn huyết – Viêm màng não TD do S.suis (liên cầu lợn).

Hiện tại bệnh nhân vẫn đang trong tình trạng nguy kịch, suy đa tạng (suy thận cấp, suy gan), an thần, thở máy.

Như vậy, chỉ trong vài tháng gần đây, đã có không ít trường hợp bệnh nhân bị nhiễm liên cầu lợn.

Trước đó, tháng 3/2023, Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cũng đã cấp cứu và điều trị cho 2 bệnh nhân bị viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết nguy kịch do vi khuẩn liên cầu lợn.

Bệnh nhân thứ nhất 73 tuổi, ở Duy Tiên, Hà Nam đã giết mổ một con lợn bị ốm và nấu ăn. Sau một ngày, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, buồn nôn, sốt cao và mê hoảng, được gia đình đưa vào bệnh viện. Bệnh nhân được chẩn đoán theo dõi nhiễm khuẩn huyết, suy đa tạng. Do diễn biến nặng nên bệnh nhân được chuyển lên Trung tâm Bệnh nhiệt đới.

Bệnh nhân thứ hai 41 tuổi, ở Hưng Yên, bị viêm màng não mủ do liên cầu lợn sau 9 ngày ăn tiết canh ngan mua ở chợ. Sau ăn một ngày, bệnh nhân xuất hiện sốt không rõ nhiệt độ kèm đau đầu, mệt nhiều. Bệnh nhân được đưa đến bệnh viện điều trị giảm đau. Khi xuất hiện đau đầu nhiều, vật vã, kích thích, bệnh nhân được đưa đến Trung tâm Bệnh nhiệt đới. Kết quả cấy dịch não tủy phát hiện liên cầu lợn Streptococcus suis.

Bệnh liên cầu lợn là gì?

Theo Báo Đảng Cộng sản, Phó giáo sư, tiến sĩ Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết: Liên cầu khuẩn lợn là bệnh lây truyền từ lợn sang người. Hầu hết các ca bệnh đều có liên quan đến giết mổ, ăn tiết canh hoặc các đồ ăn từ thịt lợn chưa nấu chín…

Một số nhà hàng hiện nay dùng tiết lợn pha vào tiết ngan, vịt, dê... để bán. Vì vậy khi xét nghiệm có kết quả vi khuẩn liên cầu lợn Streptococcus suis sau khi ăn tiết canh ngan, vịt…

Ngoài ra, có một số trường hợp bệnh nhân không ăn tiết canh, không giết mổ lợn vẫn mắc bệnh do có thể ăn thịt lợn nhiễm bệnh, nhưng chế biến còn sống, tiếp xúc với lợn nhiễm bệnh thông qua các tổn thương, trầy xước trên da khi chế biến thực phẩm.

Người nhiễm bệnh liên cầu khuẩn lợn bao gồm 3 thể: Nhiễm trùng huyết, viêm màng não mủ hoặc kết hợp cả hai. Tùy cơ địa mỗi người, thời gian ủ bệnh của liên cầu khuẩn lợn trên người là từ vài tiếng đến 4 hoặc 5 ngày.

Khi nhiễm liên cầu lợn, người bệnh có biểu hiện sốt nóng, sốt lạnh, buồn nôn, nôn, có thể tiêu chảy... Các triệu chứng này khiến nhiều người lầm tưởng với các rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thực phẩm thông thường.

Trường hợp nặng, người bệnh có biểu hiện ù tai, điếc, cứng gáy, tri giác lơ mơ, mê hoảng, xuất hiện các ban hoại tử trên da do nhiễm trùng huyết, suy đa phủ tạng, rối loạn đông máu, sốc nhiễm trùng và tử vong nhanh chóng nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời.

Năm 1960, ca bệnh nhiễm liên cầu lợn đầu tiên được phát hiện. Đến nay, thế giới đã ghi nhận hàng trăm ca nhiễm với tỷ lệ tử vong cao 17,5%. Ở Việt Nam, ca nhiễm liên cầu lợn đầu tiên vào năm 2003, sau đó được phát hiện ở nhiều nơi và ở tất cả các vùng miền trên toàn quốc.

Bệnh liên cầu lợn thuộc nhóm B trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm.

Thêm một trường hợp nguy kịch do nhiễm liên cầu lợn sau khi làm và ăn thịt lợn ốm - Ảnh 3.

Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín. Ảnh minh họa: wochenblitz


Không ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín

Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khuyến cáo người dân, vi khuẩn gây bệnh liên cầu lợn bị tiêu diệt hoàn toàn khi thực phẩm được nấu chín kỹ. Để phòng tránh bệnh liên cầu lợn, người dân không nên ăn tiết canh và các sản phẩm từ thịt lợn chưa được nấu chín.

Đồng thời, không mua bán, vận chuyển, giết mổ lợn ốm chết hoặc sản phẩm từ lợn không đảm bảo vệ sinh. Không sử dụng thịt lợn có màu đỏ khác thường, xuất huyết hoặc phù nề.

Thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, khi tiếp xúc với lợn, chế biến thịt lợn. Khi có biểu hiện mắc bệnh, cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.