Hà Nội: Khám bảo hiểm chỉ cần căn cước công dân

PV
18:09 - 19/10/2022
Công dân & Khuyến học trên

Gần 5 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng căn cước công dân để đi khám chữa bệnh.

Báo cáo của Sở Y tế Hà Nội về kết quả triển khai Đề án 06 (Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030) của UBND TP Hà Nội, sau hơn 9 tháng triển khai Đề án 06, hiện nay toàn thành phố có gần 5 triệu người có thẻ BHYT được đồng bộ dữ liệu, có thể sử dụng căn cước công dân để đi khám, chữa bệnh.

Hà Nội: Khám bảo hiểm chỉ cần căn cước công dân - Ảnh 1.

Người dân thủ đô có thể sử dụng căn cước công dân để khám chữa bệnh. Ảnh: SYT HN

Cùng với đó, có 503 cơ sở khám chữa bệnh BHYT đã áp dụng sử dụng căn cước công dân tra cứu khám chữa bệnh; đã có hơn 56.710 lượt công dân sử dụng căn cước công dân để tra cứu khám chữa bệnh tại các cơ sở khám chữa bệnh.

Về công tác “làm sạch” dữ liệu tiêm chủng Covid-19 và ký xác nhận “Hộ chiếu vắc xin”, đến nay, các đơn vị trên địa bàn thành phố (không tính số liệu của các bệnh viện bộ, ngành đóng trên địa bàn) đã ký xác nhận được hơn 14,5 triệu mũi tiêm (đạt 79%), hiện còn hơn 3,9 triệu mũi tiêm chưa ký xác nhận (chiếm tỷ lệ 21%). Các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã nghiêm túc thực hiện, phối hợp với công an các cấp và các đơn vị liên quan thực hiện đối chiếu, xác thực, cập nhật, bổ sung thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; cập nhật vào nền tảng quản lý tiêm chủng Covid-19 quốc gia.

Từ nay đến cuối năm 2022, Sở Y tế tiếp tục tham mưu báo cáo UBND TP các giải pháp cụ thể để xây dựng Cơ sở dữ liệu y tế của thành phố Hà Nội, trước mắt tập trung triển khai đồng loạt 100% cơ sở y tế trên địa bàn thành phố thực hiện khám chữa bệnh bằng thẻ căn cước công dân thay thế thẻ BHYT. Tiếp tục phối hợp với Bộ Y tế, Công an TP, BHXH TP, các cơ sở khám chữa bệnh và các đơn vị liên quan để triển khai thực hiện đảm bảo tiến độ, hiệu quả.

Ngày 06 tháng 1 năm 2022, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định số 06/QĐ-TTg về việc Phê duyệt Đề án “Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn đến năm 2030” với mục tiêu để phục vụ 5 nhóm tiện ích như sau: (1) Phục vụ giải quyết thủ tục hành chính và cung cấp dịch vụ công trực tuyến; (2) Phục vụ phát triển kinh tế, xã hội; (3) Phục vụ công dân số; (4) Hoàn thiện hệ sinh thái phục vụ kết nối, khai thác, bổ sung làm giàu dữ liệu dân cư; (5) Phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo các cấp.

Nguồn: Sở Y tế Hà Nội