Hà Nội dự kiến xây 17 chợ mới, sửa chữa 21 chợ cũ

Trang Linh
10:57 - 11/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Giai đoạn 2024-2025, Hà Nội dự kiến đầu tư xây mới 17 chợ, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 21 chợ. Trong đó, năm 2024 dự kiến xây dựng 5 chợ mới, năm 2025 dự kiến xây dựng 12 chợ.

chợ Hà Nội

Hà Nội dự kiến xây 17 chợ mới, sửa chữa 21 chợ cũ. Ảnh: Tô Vân

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch số 110/KH-UBND thực hiện chỉ tiêu về đầu tư xây dựng, cải tạo chợ Hà Nội giai đoạn 2024-2025. Kế hoạch nhằm đẩy mạnh công tác đầu tư cải tạo hệ thống chợ thuộc khu vực đô thị trên địa bàn Hà Nội, 'chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị" có hiệu quả thiết thực, phù hợp với định hướng chung phát triển hạ tầng thương mại.

Theo đó, giai đoạn 2024-2025 thành phố Hà Nội đầu tư xây mới 17 chợ. Riêng năm 2024 hoàn thành 5 chợ, năm 2025 hoàn thành 12 chợ, đồng thời, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 21 chợ.

Ủy ban nhân dân các quận, huyện và thị xã có nhiệm vụ rà soát lại quỹ đất để bố trí địa điểm xây dựng chợ theo quy hoạch đã được phê duyệt, tăng cường giải tỏa các tụ điểm kinh doanh tự phát trái quy định trên địa bàn. 

Đồng thời, rà soát lại toàn bộ kế hoạch sử dụng đất của địa phương giai đoạn 2024-2025 đảm bảo các chợ xây dựng mới đều phải đưa vào kế hoạch sử dụng đất giai đoạn 2024-2025.

Tạo điều kiện để các doanh nghiệp, hợp tác xã tiếp cận với quỹ đất sạch góp phần giảm kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng, giảm thời gian chuẩn bị đầu tư dự án; Hỗ trợ tháo gỡ khó khăn đối với các chợ còn vướng mắc về đất đai theo quy định.

Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội yêu cầu đảm bảo hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước về chợ trên địa bàn của các cấp, các ngành; giải quyết các tồn tại, các khó khăn vướng mắc hiện nay của hệ thống chợ trên địa bàn thành phố thực hiện Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy.

Cùng với đó, đầu tư cải tạo, phát triển hệ thống chợ đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn theo quy định; đảm bảo thuận lợi cho người dân khi kinh doanh và mua bán tại chợ hướng tới phục vụ ngày càng tốt hơn nhu cầu đời sống, sinh hoạt của nhân dân địa phương, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện, mất an ninh trật tự, đảm bảo an toàn thực phẩm, văn minh thương mại.

Kế hoạch của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội nêu rõ: "Phân công nhiệm vụ rõ ràng, đảm bảo phối hợp chặt chẽ giữa các cấp, các ngành của thành phố, các đơn vị quản lý kinh doanh khai thác chợ, các tiểu thương và người dân trong quá trình thực hiện công tác đầu tư, cải tạo chợ theo đúng tiến độ, kế hoạch được giao".

Việc kêu gọi doanh nghiệp tham gia xây chợ Hà Nội còn gặp vướng mắc

Theo báo cáo của Sở Công Thương Hà Nội, tính đến năm 2023, Hà Nội có 29 trung tâm thương mại, 135 siêu thị và 453 chợ truyền thống. Tuy nhiên, cơ chế quản lý và phát triển chợ trên địa bàn Hà Nội vẫn còn nhiều vướng mắc, nhất là việc quy hoạch chợ còn chậm nên khó thu hút doanh nghiệp tham gia. 

Ngoài ra, đầu tư từ nguồn vốn ngân sách gặp không ít vướng mắc. Muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì diện tích đất xây dựng chợ là đất công.