Hà Nội đề xuất quy định giám sát khi xét duyệt đối tượng mua nhà ở xã hội
Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về dự thảo Quyết định ban hành quy định về quản lý bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội trên địa bàn thành phố.
Trong đó có quy định liên quan đến việc giám sát khi xét duyệt đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; trả lại, thu hồi nhà ở xã hội…
Đề xuất biện pháp giám sát xét duyệt đối tượng mua nhà ở xã hội
Đối với nhà ở xã hội sử dụng nguồn vốn đầu tư công, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hà Nội tham gia Hội đồng xét duyệt thuê, thuê mua nhà ở xã hội và tổ chuyên viên liên ngành giúp việc Hội đồng để thực hiện theo dõi, giám sát việc xét duyệt đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Đối với nhà ở xã hội sử dụng nguồn tài chính công đoàn, đề nghị Liên đoàn Lao động Thành phố tham gia Hội đồng xét duyệt thuê, thuê mua nhà ở xã hội và Tổ chuyên viên liên ngành giúp việc Hội đồng để thực hiện theo dõi, giám sát việc xét duyệt đối tượng được thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Đối với nhà ở xã hội không sử dụng nguồn vốn đầu tư công, nguồn tài chính công đoàn, sau 30 ngày, kể từ khi khởi công dự án, chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có dự án các thông tin liên quan đến dự án để theo dõi, giám sát.
Trước tối thiểu 30 ngày kể từ ngày dự kiến thực hiện xét duyệt đối tượng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, chủ đầu tư có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản gửi Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà ở xã hội các thông tin liên quan, gồm: tổng số căn hộ sẽ bán, cho thuê, cho thuê mua; danh sách đối tượng đã đăng ký (họ tên, địa chỉ, số điện thoại liên hệ của từng đối tượng); thời gian dự kiến xét duyệt hồ sơ; thời gian dự kiến bốc thăm lựa chọn căn hộ (nếu có); thời gian dự kiến ký hợp đồng.
Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có nhà ở xã hội có trách nhiệm chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã quyết định thành lập Tổ giám sát để theo dõi, giám sát việc bán, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, kể từ ngày xét duyệt đối tượng đến khi chủ đầu tư ký hợp đồng mua bán, cho thuê, cho thuê mua nhà ở xã hội với khách hàng.
Thành viên Tổ giám sát phải có tối thiểu 3 khách hàng đại diện cho những đối tượng đã đăng ký mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội được chọn ngẫu nhiên trong danh sách các đối tượng đã đăng ký do chủ đầu tư cung cấp và đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc cấp cơ sở.
Dự thảo quy định việc trả lại, thu hồi nhà ở xã hội
Bên cạnh đó, dự thảo cũng quy định việc trả lại, thu hồi nhà ở xã hội thuộc sở hữu nhà nước được thực hiện khi có một trong các trường hợp theo quy định tại Khoản 1 Điều 127 Luật Nhà ở.
Việc trả lại, thu hồi nhà ở xã hội không thuộc sở hữu nhà nước được thực hiện khi có một trong các trường hợp: bên mua, thuê, thuê mua không còn nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội và trả lại nhà ở xã hội; bên mua, thuê, thuê mua hoặc bên bán, cho thuê, cho thuê mua đơn phương chấm dứt hoặc cùng thỏa thuận chấm dứt hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội; hết thời hạn thuê theo Hợp đồng thuê nhà ở xã hội, bên cho thuê không tiếp tục cho bên thuê thuê nhà ở.
Mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội không đúng đối tượng, kể cả trường hợp hậu kiểm phát hiện đối tượng được hỗ trợ nhà ở xã hội nhiều lần theo quy định hoặc không đủ điều kiện theo quy định của Luật Nhà ở thuộc một trong các trường hợp: bán lại không đúng đối tượng khi chưa đủ 5 năm theo quy định, kể từ ngày người mua, thuê mua đã thanh toán hết tiền mua, thuê mua nhà ở; hết thời hạn thuê theo Hợp đồng đã ký, bên thuê nhà ở xã hội không thuộc đối tượng được thuê nhà ở xã hội theo quy định.
Bên thuê, thuê mua nhà ở không nộp tiền nhà ở từ 3 tháng trở lên mà không có lý do chính đáng; bên thuê, thuê mua nhà ở cho thuê lại, cho mượn hoặc tự ký đục phá, cơi nới, cải tạo, phá dỡ nhà ở đang thuê, thuê mua; nhà ở bị chiếm dụng trái pháp luật; các trường hợp khác theo quy định của pháp luật.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google