Hà Nội đảm bảo cung cầu hàng hóa dịp Tết Xuân Giáp Thìn

PV
20:07 - 31/01/2024
Công dân & Khuyến học trên

Gần bước vào dịp nghỉ Tết nguyên đán, nhu cầu mua sắm của người dân tăng cao. Tại Hà Nội, các điểm bán được tăng cường để phục vụ nhu cầu sắm Tết của người dân.

Nhu cầu tiêu dùng hàng hóa dịp Tết tăng cao

Càng gần sát dịp Tết Nguyên đán nên nhu cầu tiêu dùng của người dân tiếp tục xu hướng tăng so với những tháng cuối năm 2023. Theo thống kế, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 1 trên địa bàn thành phố ước tính đạt 68,8 nghìn tỷ đồng, tăng 3,2% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.

Kể từ tháng 11/2023, để chuẩn bị cho việc cân đối cung cầu các mặt hàng thiết yếu, bình ổn thị trường hàng hóa dịp cuối năm 2023 và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các đơn vị thuộc Bộ, các tập đoàn, tổng công ty, công ty, các hiệp hội ngành hàng sớm có kế hoạch sản xuất, kinh doanh, các phương án cung ứng hàng hóa và xử lý các biến động bất thường của thị trường.

Hà Nội sẵn sàng các phương án cung ứng hàng hóa trước, trong, sau Tết

Tại Hà Nội, dịp Tết Nguyên đán được dự báo là cơ hội cho doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, góp phần phục hồi đà tăng trưởng của ngành Công nghiệp. Để thúc đẩy tăng trưởng sản xuất công nghiệp, UBND thành phố Hà Nội đã giao Sở Công Thương chủ trì, đôn đốc các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan, các doanh nghiệp trên địa bàn triển khai đồng bộ các giải pháp.

Theo đó, Hà Nội đã đưa ra những cam kết và khẳng định sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp. UBND Thành phố đã ban hành Kế hoạch số 302/KH-UBND về việc thực hiện Đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố năm 2024, trong đó, phấn đấu 100% doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực được thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Thành phố.

Ngoài ra, Thành phố chú trọng triển khai hiệu quả, kịp thời các chính sách về lãi suất, tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân và các lĩnh vực ưu tiên...

Cụ thể, trên địa bàn thủ đô có trên 8 nghìn cửa hàng kinh doanh tổng hợp và chuyên doanh; 900 sạp hàng tại các chợ truyền thống và 500 bếp ăn tập thể. Các đơn vị sản xuất, kinh doanh đã xây dựng kế hoạch chuẩn bị hàng hóa với tổng giá trị ước tính đạt 40,9 nghìn tỷ đồng, tăng 10% so với thực hiện Tết Nguyên đán Quý Mão.

Thành phố tổ chức các hoạt động bán hàng phục vụ tết tại 29 trung tâm thương mại; 137 siêu thị; 453 chợ và 2.000 cửa hàng tiện lợi; hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa tại các quận, huyện, thị xã; 159 chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông, lâm, thủy sản trên địa bàn; 926 chuỗi, cơ sở cung ứng nông, lâm, thủy sản của 43 tỉnh, thành phố; tổ chức 83 điểm chợ hoa Xuân; 20 hoạt động như: Hội chợ, hội hoa, chợ tết, phiên chợ tết, ... và hoạt động vui chơi, giải trí khác để phục vụ nhu cầu mua sắm, vui chơi, giải trí của người dân; cấp phép cho trên 190 xe vận chuyển hàng hóa thiết yếu để đảm bảo lưu thông hàng hóa phục vụ nhu cầu của người dân trong dịp Tết.

Đồng thời, tổ chức triển khai hơn 40 sự kiện nhằm kích cầu tiêu dùng; duy trì 100 điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm OCOP của Hà Nội và các tỉnh; tiếp nhận hơn 2,9 nghìn chương trình khuyến mại của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn; hơn 1.300 địa điểm kinh doanh xăng dầu mở cửa bán hàng phục vụ người dân trong những ngày nghỉ Tết.