Hà Nội: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Trung thu

Công Ngọc
00:05 - 02/08/2022
Công dân & Khuyến học trên

Ngay từ bây giờ, nhiều thương hiệu sản xuất bánh Trung thu cổ truyền đã bắt đầu chuẩn bị các nguyên liệu để cho ra lò những mẻ bánh đầu tiên trên thị trường. Chính vì vậy, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm luôn được các nhà sản xuất ưu tiên đặt lên hàng đầu.

Rộn ràng từ làng nghề đến hàng phố 

Hai làng nghề Xuân Tảo và Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được coi là cái nôi của nghề làm bánh Trung thu truyền thống của người dân Hà thành.

Theo chị Nguyễn Lan Ngân – chủ cơ sở làm bánh Thành Công (Xuân Tảo, Bắc Từ Liêm) cho biết, thời điểm này, các hộ sản xuất đều đang trong giai đoạn sẵn sàng nguyên liệu để vụ mới.

"Để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và giữ được nguyên hương vị truyền thống độc đáo của làng nghề, nguyên liệu chế biến được xem là mấu chốt to lớn  tạo sự khác biệt về chất lượng sản phẩm. Từ thịt, hạt đậu cùng các phụ gia đều phải được đảm bảo tươi ngon và có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Thêm vào đó công đoạn chế biến phải chuẩn chỉ từ người làm cho tới máy móc, tất cả tạo thành một dây chuyền thống nhất để khi sản phẩm tới được tay khách hàng, người tiêu dùng thì vẫn luôn đảm bảo cả về chất lượng, hương vị" – chị Ngân chia sẻ thêm.

Là một trong số ít những hộ dân còn bám trụ với nghề làm bánh trung thu truyền thống ở Xuân Đỉnh, cơ sở sản xuất Công Lân (Tổ dân phố Trung Ba, Xuân Đỉnh) đã và đang dần chuyển mình sang làm bánh với những công nghệ tiên tiến để dần phù hợp hơn với thị trường hiện nay.

Trao đổi với chủ đại diện cơ sở Công Lân được biết, hiện toàn bộ công đoạn chế biến sản xuất đều đã được sử dụng bằng máy móc công nghệ cao, đảm bảo các sản phẩm từ đầu tới cuối đều ổn định. Công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cũng được đặt lên hàng đầu khi đội ngũ công nhân trong xưởng thường xuyên được tham gia những khóa tập huấn của phường. Do đó, nhiều năm nay Công Lân luôn là cái tên góp mặt trong những hộ tiêu biểu, nghiêm chỉnh chấp hành vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn.

Tương tự, dọc con phố Thụy Khuê (Tây Hồ, Hà Nội) các cơ sở sản xuất bánh trung thu cũng đã bắt đầu bày bán bánh để phục vụ người tiêu dùng.

Không chỉ những cơ sở sản xuất làng nghề tư nhân mà ngay cả những thương hiệu lớn như Kinh Đô, Hải Hà, Madam Hương … cũng đã bắt đầu bày bán sản phẩm của mình tại những ki-ot dọc trên các tuyến phố lớn của Hà Nội.

Anh Hoàng Nam, nhân viên bán hàng tại quầy bánh Trung Thu Kinh Đô trên phố Nguyễn Sơn (Long Biên, Hà Nội ) cho biết mặc dù năm nay mở bán sớm hơn mọi năm nhưng lượng khách đến hỏi mua bánh cũng đã nhiều hơn gấp đôi.

"Hiện nay, người mua chủ yếu là khách lẻ, mua để dùng trước thưởng thức hoặc cúng thắp hương. Còn khách mua số lượng lớn để biếu tặng thì phải gần đến Trung thu thì họ mới đổ xô đi mua nhiều" -  anh Nam chia sẻ.

Theo khảo sát, hầu hết các sản phẩm bánh Trung Thu năm nay đều đắt hơn năm ngoái khoảng 10%. Nguyên nhân tăng giá được các đơn vị kinh doanh cho là do nguyên liệu đầu vào tăng cao.

Hà Nội: Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịp Tết Trung thu - Ảnh 2.

Mọi công đoạn sản xuất bánh Trung thu đều được đảm bảo an toàn thực phẩm.

Bảo đảm an toàn cho Tết Trung thu

Mới đây, lãnh đạo phường Xuân Đỉnh (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã ra Kế hoạch số 152/KH-UBND về công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong dịp Tết Trung thu năm 2022 trên địa bàn.

Theo đó, từ ngày 29/7 đến ngày 21/9/2022, phường Xuân Đỉnh sẽ tổ chức kiểm tra, giám sát việc sản xuất, chế biến, kinh doanh sản phẩm bánh trung thu. Với mục đích tuyên truyền các văn bản quy phạm pháp luật về vệ sinh an toàn thực phẩm và biện pháp phòng ngừa ngộ độc thực phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Thạch – Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường Xuân Đỉnh cho biết: "Hàng năm, phường đều triển khai đăng ký tập huấn cho các hộ dân trên địa bàn về những kiến thức an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm của chủ cơ sở, người quản lý, người trực tiếp sản xuất, kinh doanh.

Cùng với đó, lãnh đạo phường cũng thường xuyên lập kế hoạch và đi kiểm tra các cơ sở sản xuất. Hầu hết các hộ dân trên địa bàn đều tuân thủ chấp hành nghiêm túc các quy định của địa phương".

Bà Nguyễn Thanh Hương – Trưởng phòng Kinh tế quận Tây Hồ chia sẻ, quận đã lên kế hoạch và sẽ kiểm tra an toàn thực phẩm với các cơ sở sản xuất, kinh doanh bánh trung thu trên địa bàn các phường từ tháng 8/2022.

Trước khi vào mùa bánh Trung thu, quận sẽ tổ chức tập huấn, cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở, yêu cầu chuẩn bị trang phục cho người sản xuất bánh gọn gàng, sạch sẽ, nguồn gốc thực phẩm, nhập nguyên liệu phải được chứng minh qua hóa đơn, phiếu thu từ các địa chỉ rõ ràng, uy tín..., các công đoạn sản xuất đều có khu vực riêng và thông thoáng. Ngoài ra, quận cũng tổ chức khám sức khỏe cho người lao động tại các cơ sở sản xuất này.