Góp ý dự thảo Thông tư quy định điều kiện, tiêu chuẩn xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên

Phan Anh
10:24 - 21/03/2024
Công dân & Khuyến học trên

Dự thảo Thông tư này nên bỏ nội dung "phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giáo viên giữ chức danh nghề nghiệp và trong thời gian giữ hạng tương đương".

Bộ Giáo dục và Đào tạo đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Thông tư quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non, phổ thông công lập và giáo viên dự bị đại học.
Góp ý dự thảo Thông tư quy định điều kiện, tiêu chuẩn xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên - Ảnh 1.

Việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp luôn được các nhà giáo quan tâm. Minh hoạ: BHT

Tôi là một giáo viên trung học phổ thông xin góp ý về quy định các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của giáo viên mầm non và phổ thông.

Theo Dự thảo Thông tư, khoản 4 Điều 4 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng I như sau (trích):

"Các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại khoản 7 Điều 1 Thông tư số 08/2023/TT-BGDĐT phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên mầm non hạng II và trong thời gian giữ hạng tương đương".

Khoản 4 Điều 6 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng I như sau (trích):

"Các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại điểm e khoản 4 Điều 5 Thông tư số 02/2021/TT-BGDĐT phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên tiểu học hạng II và trong thời gian giữ hạng tương đương".

Khoản 4 Điều 8 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng I như sau (trích):

"Các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại điểm i khoản 4 Điều 5 Thông tư số 03/2021/TT-BGDĐT phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II và trong thời gian giữ hạng tương đương".

Khoản 4 Điều 10 quy định tiêu chuẩn, điều kiện xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng I như sau (trích):

"Các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng theo quy định tại điểm h khoản 4 Điều 5 Thông tư số 04/2021/TT-BGDĐT phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học phổ thông hạng II và trong thời gian giữ hạng tương đương".

Có thể nhận thấy, dự thảo Thông tư quy định các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng khi xét thăng hạng đối với giáo viên mầm non và phổ thông hạng I phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên hạng II và trong thời gian giữ hạng tương đương.

Hay nói cách khác, các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của giáo viên trước đó không được tính là thành tích. Điều này sẽ gây thiệt thòi cho giáo viên khi xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II lên hạng I.

Tôi góp ý, Dự thảo Thông tư của Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bỏ nội dung "phải là các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng đạt được trong thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên (mầm non, tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) hạng II và trong thời gian giữ hạng tương đương" vì những lí do sau đây.

Tôi lấy ví dụ, ngày 1/9/2024 giáo viên A (bậc trung học phổ thông) tham gia xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng III lên hạng II.

Trước ngày 1/9/2014 (thời điểm giữ hạng III 10 năm, bao gồm 1 năm tập sự) giáo viên A đã được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, bằng khen Chiến sĩ thi đua cơ sở, Chiến sĩ thi đua cấp tỉnh, bằng khen của Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi...

Tuy vậy, giáo viên A vẫn không được tính các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng này để xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp là không hợp lí.

Trong khi đó, không phải giáo viên nào cũng có thể đạt các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng như đã dẫn.

Chẳng hạn, điều kiện đề nghị tặng bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, điểm b Khoản 1 Điều 73 Luật Thi đua, khen thưởng năm 2022 quy định như sau:

"Đã được tặng bằng khen của Bộ, ban, ngành, tỉnh và có liên tục từ 05 năm trở lên đến thời điểm đề nghị được công nhận hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên, trong thời gian đó có 03 lần được tặng danh hiệu "Chiến sĩ thi đua cơ sở"".

Hay, hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi cấp tỉnh được tổ chức theo chu kỳ 04 năm một lần, do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Mong rằng, lần sửa đổi Thông tư này sẽ không còn những bất cập như Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của các Thông tư số 01/2021/TT-BGDĐT, 02/2021/TT-BGDĐT, 03/2021/TT-BGDĐT, 04/2021/TT-BGDĐT.