Gỡ khó cho bệnh nhân bằng việc bổ sung các quy định khám chữa bệnh từ xa

Nhật MInh
18:40 - 16/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Việc áp dụng tư vấn khám, chữa bệnh từ xa cần được phát huy một cách triệt để, hiệu quả để chăm lo cho sức khỏe nhân dân.

Cần đưa thêm các cơ sở pháp lý vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) về các quy định, vai trò của việc khám chữa bệnh từ xa

Theo quyết định của Bộ Y tế ngày 22 tháng 9 năm 2020, Bộ Y tế đã đã quyết định một số hướng dẫn và quy định tạm thời tổ chức hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa, trong đó bao gồm các hoạt động:

- Hướng dẫn thiết lập Phòng hội chẩn, tư vấn khám, chữa bệnh từ xa;

- Hướng dẫn bảo mật thông tin trong hoạt động tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa;

- Quy trình tổ chức hội chẩn khám, chữa bệnh từ xa.

Tuy nhiên, theo một số đại biểu Quốc hội trong Kỳ họp thứ 3 - Quốc hội khóa XV, bà Nguyễn Thị Huế, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn cho rằng, về vấn đề khám bệnh, chữa bệnh và hỗ trợ chữa bệnh từ xa, trong luật còn quy định chưa cụ thể và đầy đủ, như tính liên thông khoa học công nghệ giữa các tuyến của bệnh viện.

Ông Hoàng Minh Hiếu, đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An ý kiến, một trong những lý do cơ bản dẫn đến tình trạng này là do chúng ta chưa nhìn nhận đầy đủ về mối quan hệ pháp lý giữa người bệnh và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Theo các đại biểu, trong mối quan hệ này, người bệnh luôn ở vào thế yếu, phụ thuộc hoàn toàn vào thông tin, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và đạo đức của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.

Vì vậy, các đại biểu đề nghị cần đưa ra một số các nguyên tắc pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh phải đặt ra những quy định rất cụ thể để bảo vệ quyền và lợi ích của người bệnh.

Theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, ước tính hàng năm, việc di chuyển vượt tuyến y tế không cần thiết, có thể tiêu tốn của người dân và xã hội hàng chục nghìn tỷ đồng.

Do đó, việc khám, chữa bệnh từ xa, đang được kỳ vọng là một giải pháp nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ của người dân với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh.

Hoàn thiện đưa vào Luật khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) các quy định khám chữa bệnh từ xa - Ảnh 1.

Khám chữa bệnh từ xa sẽ phát triển nhanh, mạnh mẽ trong vòng 5-10 năm tới. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Chính phủ

Cần mở rộng hơn nữa không gian khám chữa bệnh mới qua Telemedicine và Telehealth

Với Telemedicine, bệnh nhân sẽ được khám và chữa bệnh từ xa bằng cách sử dụng điện thoại thông minh, máy tính hoặc máy tính bảng để chẩn đoán và có những phương pháp điều trị thích hợp.

Ngoài việc khám và chữa bệnh, công nghệ này sẽ giúp các cán bộ y tế và bệnh nhân trong việc tư vấn, cung cấp thuốc men, giảng dạy nghiên cứu, bảo hiểm y tế,...

Telehealth và Telemedicine thường được sử dụng thay thế cho nhau bởi cả hai được định nghĩa giống nhau như giáo dục y tế, theo dõi bệnh nhân điện tử, tư vấn bệnh nhân qua hội nghị truyền hình, ứng dụng không dây y tế, truyền báo cáo hình ảnh y tế và nhiều hơn nữa.

Theo Bộ Y tế, Telemedicine dùng để chỉ các dịch vụ lâm sàng từ xa. Còn Telehealth thì gồm cả các dịch vụ lâm sàng và phi lâm sàng từ xa, như các cuộc họp, đào tạo liên tục.

Đối với Telemedicine được chia thành 3 loại dịch vụ: Điều trị tương tác từ xa, kỹ thuật lưu trữ và chuyển tiếp (store-and-forward), và giám sát bệnh nhân từ xa.

Lợi thế của ứng dụng công nghệ này có thể thay thế các cuộc thăm khám tại phòng khám để chăm sóc ban đầu thường xuyên hoặc tham vấn chuyên gia hoặc các nhu cầu chăm sóc khẩn cấp. Các chuyên khoa có thể cung cấp dịch vụ y tế từ xa bao gồm tim mạch, thần kinh, ung thư, phụ khoa, da liễu, sức khỏe tâm thần và vật lý trị liệu.

Một số hình thức điều trị có thể tốt hơn trực tiếp, chẳng hạn như sinh thiết hoặc khám sức khỏe. Kiểm tra với nhà cung cấp dịch vụ y tế để xem liệu có cần cuộc hẹn trực tiếp hay không. Điều cần lưu ý là những người gặp trường hợp khẩn cấp có thể bị đe dọa tính mạng, thì nên tìm kiếm sự chăm sóc trực tiếp.

Hiện nay, tại các bệnh viện đã và đang áp dụng các hình thức Telemedicine hay Telehealth với 3 mục đích chính:

Mục đích thứ nhất, là hội chẩn trực tuyến giữa các bác sĩ với nhau, giữa các bệnh viện với bệnh viện, bệnh viện tuyến trung ương, tuyến tỉnh, tuyến huyện hoặc tuyến xã.

Mục đích thứ hai, là làm giảm tải các bệnh nhân đến các bệnh viện ở tuyến cao để cho bệnh nhân tránh công sức đi lại, tránh các bệnh viện tuyến trung ương điều trị những bệnh mà tuyến dưới có thể điều trị được.

Mục đích thứ ba, quan trọng hơn là có thể theo dõi trực tiếp sức khỏe tại nhà dân khi mà các hệ thống Telemedicine được tỏa trên cả nước thì chúng ta có tất cả dữ liệu người dân, theo dõi người dân trong thời gian chẩn đoán, điều trị cũng như theo dõi sau điều trị.