Giữ bình yên những mùa hoa đào biên giới

Trương Thúy Hằng
15:03 - 17/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Vượt qua nghìn con suối, trăm ngọn núi của cao nguyên đá Hà Giang đến Tả Ván, Quản Bạ, ánh mắt và nụ cười của một gia đình người Mông sống bên cạnh đường biên giới ở đây in mãi trong tâm trí tôi. Để có hòa bình, họ phải trả bằng nhiều mất mát cuộc đời.

Vàng Mí Phồng bị mất một chân vì mìn sót sau cuộc chiến bảo vệ biên giới. Ảnh: TTH 

Anh Vàng Mí Phồng và con gái Vàng Thị Hoa Chanh lật đật chống nạng ra đón khách. Bé gái chỉ độ 5 tuổi luôn ôm chân cha không rời. Anh kể, con gái anh có ngón tay dị tật khi mới sinh ra. Các bác sĩ nói nên cắt ngón tay thừa đi nhưng anh sợ con đau, phản ứng như một hung thần: "Kệ nó, tay chân không có thừa thiếu, vẫn cầm nắm được có sao đâu?".

Vàng Mí Phồng sinh năm 1973, bị vướng mìn sót trên đường biên giới mất một chân. Ngồi ở mái hiên nhà anh có thể nhìn thấy đường biên giới trên sống núi trước mặt. Quản Bạ có gần 33km đường biên giới và 51 mốc quốc giới kéo dài trên 3 xã Tả Ván, Tùng Vài và Cao Mã Pờ. Vàng Mí Phồng là tổ trưởng tổ tự quản đường biên cột mốc của thôn bao quát hơn 3km đường biên từ mốc 276 đến mốc 282. Năm 1996 Vàng Mí Phồng làm trưởng thôn Pao Mã Phìn, và theo suốt quá trình phân giới cắm mốc từ năm 2007 đến 2009 không biết bao nhiêu mồ hôi công sức đổ xuống đường biên giới.

Sau cuộc chiến bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979, suốt từ mặt trận Vị Xuyên, Thanh Thủy lên đến Bạch Đích, Săm Pun của cao nguyên đá Hà Giang, mìn sót lại vô kể. Công binh rà soát chừng ấy năm trời không thể rà hết những sườn núi cheo leo, giáp biên, nên thỉnh thoảng vẫn có những tiếng nổ vang lên ám ảnh giữa yên ắng quý giá của bản làng. Vàng Mí Phồng là thanh niên năng nổ, vừa chăm chỉ làm nương vừa bao quát đường biên như một cột mốc sống.  

Trước khi phân giới cắm mốc, anh có mấy khoảnh nương ngô ngay sát đường biên giới. Khi đàm phán để phân định đường biên giới ở khu vực này, không có Vàng Mí Phồng, mọi việc không thể xong được. Ngày nào cũng theo các đoàn công tác ăn nằm ở trên biên giới, tính toán phân định, đất đai một tấc cũng để mắt trông chừng. Nhiều lúc anh còn hiến kế cho đoàn công tác giải quyết các vấn đề khó phát sinh ngay trên thực địa. Trải qua những lúc sinh tử cùng chí hướng, anh và các anh em biên phòng Đồn Biên phòng Tùng Vài (Bộ đội Biên phòng Hà Giang) coi nhau như anh em ruột thịt.

Anh kể, ngày trước đi lên mốc, không có đường mòn. Mỗi người đi phải cầm theo một con dao, vừa phát quang đường vừa đi. Quãng đường toàn rừng già, vách đá cheo leo, có đoạn phải đu dây mới lên được. Hiện bây giờ ở các mốc 283, 284 vẫn rất khó đi tới. Vàng Mí Phồng hồi thanh niên là chiến sĩ biên phòng đóng quân ở Vị Xuyên. Niềm tự hào của người lính quân hàm xanh đã ngấm vào máu, ý thức bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới không phai mờ đi được.

Năm 1996 Vàng Mí Phồng đã làm trưởng thôn Pao Mã Phìn, và theo suốt quá trình phân giới cắm mốc từ năm 2007 đến 2009 không biết bao nhiêu mồ hôi công sức đổ xuống đường biên giới. Anh bảo hai bên biên giới nhân dân ở các thôn bản đều phần lớn là người Mông, nói phải thì phải nghe. Những lúc có tranh chấp ruộng nương, trâu bò chạy lạc anh đều đứng ra dàn xếp. 

Năm 2002, Vàng Mí Phồng mất mát lớn nhất, đó là phải bỏ lại một phần cơ thể cho biên cương trong một lần đi lên sát đường biên giới, dẫm phải mìn còn sót lại. Mìn nổ, anh văng xuống dưới núi mà vẫn gượng dậy được, sau đó được cáng về bệnh viện huyện cấp cứu. Tưởng là người đàn ông Mông này sẽ chùn chột sau cú tai nạn đó. Nhưng thoắt cái, đã thấy anh chống gậy tập đi, rồi lắp thêm khúc gỗ làm chân giả, đi cà nhắc. Hiện tại bây giờ vẫn cứ chân thấp chân cao lò dò đi cùng dân quân và bộ đội di tuần tra. 

Trước đây tuần nào cũng lên mấy lượt, giờ mỗi tháng cũng phải đi một lần. Tôi hỏi còn có 1 chân có đu dây leo lên vách núi được không. Mí Phồng nói giờ những chỗ dễ đi vẫn đi được, khó quá thì chịu. Sau khi đã phân định đường biên, cắm mốc xong, nhân dân 2 bên biên giới có ruộng nương tiến hành thu hoạch hoa màu ở những phần đất quy thuộc. Lúc đó chưa phân định quản lý rõ ràng nên mìn sót còn nhiều mà không biết. Giờ dân bản có kinh nghiệm, và sau cú mìn cướp mất một chân của Vàng Mí Phồng, ai lên đường biên, đi nương rẫy cũng cẩn thận đi vào đường mòn, không cắt rừng mà đi. 

Tôi thấm thía sự thiệt thòi của người dân biên cương khi chiến tranh đã lùi rất xa rồi, vẫn còn phải sống cùng với thương tật do bom mìn. Để có những ngày yên lặng ở Pao Mã Phìn, đã có những tiếng nổ xa xót như thế trên đường tuần tra biên giới. Tiếng nổ mất đi cái chân trụ của Vàng Mí Phồng có thể coi là tiếng động cuối để biên giới tĩnh lặng trở lại.

Niềm hy vọng của họ Vàng là con gái Hoa Chanh của anh sinh năm 2013, tức là sinh ra sau tai nạn của cha. Cô bé có đôi mắt ngời sáng, chan chứa sự sống tiếp nối mãnh liệt trên biên cương. 

Giữ cho em mùa hoa đào - Ảnh 2.

Gia đình lạc quan của Vàng Mí Phồng. Ảnh: TTH

Giữ cho em mùa hoa đào - Ảnh 3.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng dựa vào người dân biên giới, những gia đình như gia đình Vàng Mí Phồng để bao quát quản lý địa bàn vùng biên. Ảnh: TTH

Giữ cho em mùa hoa đào - Ảnh 4.

Vẻ bình yên trở lại với các bản làng trên cao nguyên đá Hà Giang hôm nay. Ảnh: TTH

Giữ cho em mùa hoa đào - Ảnh 5.

Sau mỗi buổi tuần tra trên biên giới, các địa hình khó, bộ đội và nhân dân cùng ăn cơm, cùng tính đến những kế sách phát triển kinh tế - xã hội lâu dài. Ảnh: TTH

Vàng Mí Phồng dù mất một chân vì mìn sót lại trên biên giới nhưng không mất đi vẻ lạc quan, cốt cách kiên cường của dân tộc Mông. Ảnh: TTH 

Và vẻ hồn nhiên, nụ cười còn đọng mãi trên gương mặt của biên giới Hà Giang hôm nay. Ảnh: TTH