Lũng Pô, tháng Hai mùa này con nước...
Lũng Pô ngày nay trở thành điểm du lịch, giáo dục lịch sử truyền thống và đi vào bài ca bất hủ về tình yêu người lính ngân lên hồi hồi mỗi tháng Hai về: "anh ở biên cương, nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt…".
Sông Hồng có 80km chiều dài chảy theo đường biên giới bắt đầu từ thôn Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai. Lũng Pô là một thôn bản nằm ở ngã ba sông, chính diện điểm sông Hồng bắt đầu vượt qua biên giới, chảy vào đất Việt.
Trước đây, Tổ công tác Lũng Pô của Đồn Biên phòng A Mú Sung (Bộ đội Biên phòng Lào Cai) ở trong căn nhà bát giác nhỏ như một điểm chốt ngay bên sông Hồng. Thôn Lũng Pô chỉ là một thôn sơn dã hoang vu nghèo đói, lau lách và cỏ hôi um tùm. Theo kế hoạch di dân ra vùng biên giới làm kinh tế của tỉnh Lào Cai, bà con người Mông ở Dìn Chin, Mường Khương đã tới vùng đất A Mú Sung lập nghiệp, sống nương theo dòng nước ngọt sông Hồng từ năm 2007.
Sau này, người dân Lũng Pô mới biết cách trồng dứa, chuối, sắn, mà kĩ thuật trồng chăm sóc chủ yếu học hỏi từ người dân bên tổ Ngũ Đạo Hà bên kia sông Hồng. Lũng Pô là thôn bản thứ 6 của Lào Cai kết nghĩa với cụm dân cư đối diện biên giới của nước bạn - tổ Ngũ Đạo Hà. Nhân dân 2 cụm dân cư đối diện qua con sông Hồng có thể trao đổi cây con giống, kỹ thuật trồng trọt và mỗi năm gặp nhau vài lần theo quy chế giao lưu nhân dân vùng biên giới.
Việc kết nghĩa cũng giúp vùng biên thêm thắt chặt an ninh trật tự, ổn định đời sống, giúp người dân làm ăn kinh tế hộ gia đình xóa đói giảm nghèo. Cho đến nay, thôn Lũng Pô đã gần như đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Nơi này đất đai thấm đượm phù sa sông, vườn cây ăn trái quýt, chuối, hồng của bà con xanh tươi theo mùa. Vụ mùa bội thu tiếp nối và niềm tin của con người vào trái ngọt chưa bao giờ vơi cạn.
Cột cờ Lũng Pô được xây dựng lại năm 2019 là biểu tượng của tinh thần dân tộc, có ý nghĩa chủ quyền quốc gia, là điểm du lịch rất ưa thích của giới trẻ khi muốn tìm hiểu các vị trí địa lý đặc biệt, các mốc quốc giới và lịch sử quốc gia dân tộc.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google