Giới anh hào nghề cá và "vòng kim cô" IUU

Trương Thuý Hằng
07:09 - 28/05/2023
Công dân & Khuyến học trên

Tài công Nguyễn Văn Tèo vừa đưa chiếc ghe lớn của mình xáp vào Trạm Kênh Dài, Đồn Biên phòng Tây Yên (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) thu hút sự chú ý của tôi bởi nụ cười tươi hết cỡ. Thường thì ngư dân ít cười. Những khuôn mặt sạm nắng và mặn mòi gió biển thường phảng phất nét dữ dằn như những con sóng lớn.

Anh hào nghề cá và "vòng kim cô" IUU - Ảnh 1.

Tài công Nguyễn Văn Tèo, ngư dân phố 3, phường An Bình, Rạch Giá, Kiên Giang. Ảnh: TTH

Nghề cá ăn sóng nói gió, con không theo kịp cha

Xác định hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) ảnh hưởng trực tiếp đến ngành xuất khẩu hải sản và uy tín Việt Nam trên thị trường quốc tế, lực lượng Bộ đội Biên phòng tuyến biển các tỉnh Tây Nam đang ráo riết kiểm soát, quyết tâm lập lại trật tự, đưa hoạt động nghề cá vào quy củ. 

Nói về nghề cá vươn khơi vùng biển giáp ranh với vịnh Thái Lan và khu vực hải phận nước ngoài, phải kể đến sự giới anh hào nghề biển 2 tỉnh Cà Mau và Kiên Giang. Những người lấy biển là nhà, chỉ tuần trăng sáng là xáp vào đất liền, còn không thôi cứ lênh đênh miết với những con sóng. 

Cần từng bước xóa bỏ IUU, xóa thẻ vàng EC để tiến tới chuyên nghiệp nghề cá Việt Nam, điều này ngư dân nào cũng hiểu. Tuy nhiên, ngoài khơi, có hàng ngàn lý do để tài công "lơ đãng" cho tàu chạy ra ngoài vùng biển hợp pháp. Những con tàu ngoài xa vạn dặm biển, tuân thủ luật pháp hay không phải phụ thuộc vào việc quản lí "thấu lí - đạt tình" ở trong đất liền. 

Tài công Nguyễn Văn Tèo điều khiển chiếc tàu lớn dài hơn 15m (mức quy định được đánh cá tuyến khơi, có lắp định vị, được trang bị máy dò cá) làm nghề lưới cào đôi. Anh chia sẻ dạo này ra ngoải (vùng khơi) có muốn cũng không đi xa ra hải phận nước ngoài được, mấy anh Biên phòng réo gọi qua điện đàm ngay. Ngoài ra còn lực lượng kiểm ngư, cảnh sát biển ngoài đó trông chừng. 

Nguyễn Văn Tèo đi biển từ 16 tuổi, đến nay thâm niên nghề cá 30 năm cũng phải "chờn" không dám sục sạo tìm ngư trường mới ở hải phận nước ngoài nữa. Nhìn những tàu cá khác bị phạt, tàu nằm bờ cũng "treo niêu" luôn, anh ớn. Cái khó bây giờ ngoài việc không có ngư trường mới, còn khó tìm bạn nghề, khó tuyển lao động nghề cá theo tàu. 

Anh nói, thanh niên giờ ít theo nghề cá lắm, người biết nghề cá giờ hiếm vô cùng. Nguyễn Văn Tèo có 2 con trai lớn, không ai theo được nghề của anh. Đứa lớn đã thanh niên mà một lần theo tàu thôi nó sợ sóng gió đến mức thề không bao giờ đi biển nữa - Tèo chia sẻ, nét mặt buồn bã.

Giới anh hào nghề cá và "vòng kim cô" IUU - Ảnh 2.

Tài công Nguyễn Văn Tèo trình rất nhiều thủ tục kiểm soát với Bộ đội Biên phòng trước khi tàu ra khơi. Ảnh: TTH

Giới anh hào nghề cá và "vòng kim cô" IUU - Ảnh 3.

Hành trình nghề cá bấp bênh, gian khó của ngư dân biển Tây Nam. Ảnh: TTH

Giới anh hào nghề cá và "vòng kim cô" IUU - Ảnh 4.

Tài công Nguyễn Văn Tèo và bức thư kêu gọi tuân thủ nghề cá hợp pháp của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang. Ảnh: TTH

Ngư dân vùng biển Tây Nam Bộ thường gọi thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá là hộp đen. Trước đây, ngư dân rất sợ lắp đặt hộp đen, sợ lộ ngư trường, sợ cơ quan chức năng "theo sát" hành trình của mình như sợ "chiếc vòng kim cô" cứ siết dần lại. Dần dà, họ hiểu ra, lúc gặp nạn, lúc mà tàu chớm ra khỏi vùng biển hợp pháp thì được kịp thời báo động, gọi về, không còn nơm nớp cảnh mất tàu, giam người ở nước ngoài nữa. Đó hầu như là việc đồng hành chứ không phải đối đầu.

Ngư dân nói ra ngàn lý do vi phạm IUU

Tiếp cận giới anh hào trong nghề biển, tôi cũng gặp ngư dân Lê Văn Thiệt ở khóm 3, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, Cà Mau. Ông chủ ghe lớn đang cặm cụi nhếch nhác trong bộ đồ bảo hộ dính đầy dầu mỡ để bảo dưỡng và sửa chữa máy vì quá lâu không hạ thủy ra biển. Ông Thiệt có đội tàu lớn 5 chiếc, được xem là công dân thân thiện và ủng hộ chính quyền địa phương trong mọi động thái lập lại trật tự nghề cá trên biển.

Ngư dân Lê Văn Thiệt, thị trấn Sông Đốc, Cà Mau. Ảnh: TTH

Điều ngạc nhiên với tôi, ông Thiệt chính là chủ hãng tàu bị thu hồi 2 chiếc vào năm 2020 vì vi phạm IUU, thiệt hại 5 tỉ đồng. "Tàu mình thả trôi, lúc qua đường phân định lúc nào không hay. Lực lượng chức năng của nước ngoài phát hiện tàu mình sang vùng biển của họ, tịch thu luôn" - ông Lê Văn Thiệt giãi bày. 

Tuy nhiên, câu chuyện giữa chúng tôi không có lời than vãn nào về mất mát. Ngược lại, ông nói nhiều về nguồn lợi hải sản bị cạn kiệt, giới máu mặt nghề biển lao đao, và bỏ nghề rất nhiều. 

Ông Thiệt than phiền nhiều về phương thức khai thác “tận diệt” trong nghề biển vẫn còn. Ông vào nhà trong lấy ra chiếc lưới mùng màu xanh làm ví dụ. “Đây, chiếc lưới mắt nhỏ này bị cấm lâu rồi, giờ người ta vẫn làm, cá lớn nhỏ bị khuấy lên vợt hết. Đi hoài không gặp cá, nguồn lợi cạn kiệt, có khi đi qua vùng biển nước ngoài không hay”. Ông phân trần về việc đánh cá vi phạm ra vùng biển nước ngoài. 

Có rất nhiều lý do ngư dân vi phạm IUU do họ nói ra, song bất kể lý do gì, thì khi về tới bến đều phải “đàng hoàng nói chuyện” với cơ quan chức năng. Chính họ nhận định, việc bị tịch thu tài sản lớn và xử phạt rất nhiều tiền sẽ khiến ngư dân không dám đánh bắt sai quy định, giấu ngư trường hay là đánh bắt bằng lưới nhỏ, giã cào nữa.

Ngư dân Lê Văn Thiệt chợt tâm tư tầm vĩ mô kinh tế: “Mình chỉ bắt chứ không nuôi, như vậy biển cạn kiệt đúng rồi. Chống IUU cũng là chống lại khai thác tận diệt, hải sản không còn thì nghề cá cũng tiêu vong”. Rồi ông lấy ví dụ, các nước xung quanh đều có quy định nghiêm ngặt về việc khai thác thủy sản như quy định kích cỡ đánh bắt, vùng đánh bắt. Nếu không đạt kích cỡ đó, họ sẽ không bắt vì bắt lên sẽ bị phạt rất nặng. Vì thế, ông Thiệt cho rằng, trước hết phải cấm dùng lưới mùng trong đánh bắt cá.

Ngư dân Lê Văn Thiệt đi biển thâm niên hơn 30 năm gắn bó với nghề. Ông chả thiếu thăng trầm, buồn vui, được mất vì nghề. Ông nói một chuyến biển chi phí mất 400 triệu đồng, đánh bắt ngoài biển cỡ một tháng, khi về lỗ khoảng 150-200 triệu đồng. Nhà tôi vay tiền ngân hàng, mỗi tháng trả lãi trên 100 triệu đồng. Tương lai không xa chắc phải bán ghe vì biển ít cá, chi phí cho một chuyến ra khơi lớn quá" - ông Thiệt nói về thiệt hại trong nghề. 

180 ngày cao điểm phòng chống IUU của Bộ đội Biên phòng

Trung tá Bùi Khắc Dương - Đồn trưởng Biên phòng Tây Yên (Bộ đội Biên phòng Kiên Giang) nói đơn vị quản lý địa bàn 8 xã, phường biên giới biển thuộc 3 huyện, thành phố Rạch Giá, Châu Thành và An Biên của tỉnh Kiên Giang với chiều dài chính diện đoạn bờ biển hơn 26km. 

Giới anh hào nghề cá và "vòng kim cô" IUU - Ảnh 7.

Sơ đồ ranh giới biển ghi rõ vùng biển đánh cá hợp pháp trên cảng cá Tắc Cậu, Kiên Giang. Ảnh: TTH

Giới anh hào nghề cá và "vòng kim cô" IUU - Ảnh 8.

Cá về cảng Tắc Cậu, Kiên Giang - cảng cá lớn nhất nhì Tây Nam Bộ. Ảnh: TTH

Địa bàn đồn quản lý có 461 tàu cá, trong đó có 458 tàu có chiều dài từ 15m trở lên và nhiều tàu cá ngoại tỉnh thường xuyên ra vào sông Cái Lớn và cảng cá Tắc Cậu. Hiện có 2.942 tàu cá Kiên Giang đăng ký tại cảng cá Tắc Cậu và 47 tàu cá ngoài tỉnh thường xuyên hoạt động khu vực này - một con số khổng lồ. 

Vị chỉ huy Đồn Biên phòng Tây Yên cho biết: "Chúng tôi thực hiện 180 ngày cao điểm phòng chống IUU, chủ động tuyên truyền cho 9.039 lượt chủ tàu hoặc thuyền trưởng viết cam kết chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật khi ra vào hoạt động trên biển; phát 3.000 tờ rơi tuyên truyền các quy định về phòng, chống khai thác IUU. Trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023, đã có hơn 9.000 tàu/hơn 63.000 lượt thuyền viên được Đồn Biên phòng Tây Yên làm thủ tục xuất bến và hơn 7.500 lượt tàu/hơn 53.000 lượt thuyền viên nhập bến". 

Đồn Biên phòng Tây Yên cũng đã lập 8.948 biên bản kiểm tra tàu cá xuất, nhập bến, 100% tàu cá từ 15m trở lên đủ thủ tục rời bến. Đơn vị kiểm tra chặt chẽ thiết bị giám sát hành trình; các giấy tờ, sổ sách, chứng chỉ chuyên môn theo quy định của pháp luật... kiên quyết không cho tàu xuất bến khi không đảm bảo các thủ tục theo quy định.

Đơn vị đã phát hiện 10 tàu cá có hành vi tự ý tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình; không duy trì hoặc vô hiệu hóa thiết bị này trong quá trình hoạt động trên biển; 9 thuyền trưởng, máy trưởng không có văn bằng, chứng chỉ theo quy định; 1 tàu cá có giấy phép khai thác thủy sản hết hạn; 3 tàu có giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá hết hạn hoặc sử dụng giấy phép tàu khác; 1 tàu không có sổ danh bạ thuyền viên; 2 tàu cá không chấp hành hiệu lệnh kiểm tra, kiểm soát của đơn vị có thẩm quyền.

Đồn Biên phòng Tây Yên đã được cấp tài khoản theo dõi hệ thống tàu cá của Tổng cục Thủy sản từ năm 2021 đến nay. Tất cả các tàu cá từ 15m trở lên xuất bến đều được kiểm tra tín hiệu kết nối đảm bảo. Trạm Kiểm soát Biên phòng Kênh Dài, Đồn Biên phòng Tây Yên đã lập biên bản 125 tàu cá mất tín hiệu kết nối trên biển trên 10 ngày. 

Trong số đó, Đồn Biên phòng Tây Yên đã lập hồ sơ vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản với 14 vụ/17 phương tiện/21 đối tượng. Chi cục Kiểm ngư cũng đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 74 tàu với tổng số tiền hơn 1,7 tỷ đồng về các hành vi tháo gỡ thiết bị giám sát hành trình mà không có sự giám sát của đơn vị cung cấp, không duy trì hoặc vô hiệu hóa hoạt động của thiết bị, không thực hiện các quy định trong trường hợp thiết bị giám sát hành trình bị hư hỏng. 

"Chiếc vòng kim cô" chống khai thác IUU thực ra là vành đai an toàn cho nghề cá. Thường thì ngư dân ăn sóng nói gió, ít khi chờn lòng trước nguy hiểm ngoài đại dương. Họ thường có câu cửa miệng "biển giả" để nói về những bất trắc trên sóng. Trên những bấp bênh theo ngọn sóng ấy, càng kỉ luật chính mình, tuân thủ luật pháp thì càng an toàn.

Giới anh hào nghề cá và "vòng kim cô" IUU - Ảnh 9.

Bến tàu Trạm Kiểm soát Biên phòng Kênh Dài - Kiên Giang. Ảnh: TTH

Thiết bị giám sát hành trình tàu cá có nhiều tính năng hữu ích cho nghề cá: Xác định vị trí tàu qua điện thoại hoặc máy tính có kết nối internet; xác định vận tốc của tàu theo từng thời điểm; giám sát đóng mở cửa tàu; tắt mở động cơ; cảnh báo SOS khi tàu gặp sự cố; cảnh báo vào ra vùng giám sát và có báo cáo chi tiết; lưu lại lộ trình của tàu di chuyển trong 12 tháng; tích hợp cảm biến nhiên liệu, kiểm soát mức tiêu hao nhiên liệu của tàu.