Giáo viên nghỉ việc ngày càng nhiều: Cần một giải pháp căn cơ?

Quang Minh
07:46 - 24/09/2023
Công dân & Khuyến học trên

Từ tháng 8/2020-8/2023, cả nước có khoảng 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc. Dự báo, xu hướng này có thể tiếp diễn trong thời gian tới nếu như không có những giải pháp căn cơ.

Cả nước có khoảng 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc

Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, năm học 2022 - 2023, toàn quốc có hơn 19.300 giáo viên công lập nghỉ hưu và nghỉ việc (gần 10.100 giáo viên nghỉ hưu và gần 9.300 giáo viên nghỉ việc).

Trước đó, thống kê từ hệ thống cơ sở dữ liệu ngành Giáo dục cho thấy, năm học 2021 - 2022 có hơn 16.200 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành; trong đó, số giáo viên công lập nghỉ việc là hơn 10.400 người, giáo viên ngoài công lập nghỉ việc là 5.858 người.

Tính từ tháng 8/2020 - 8/2023, cả nước có khoảng 40.000 giáo viên nghỉ việc, bỏ việc. Hiện, cả nước còn thiếu hơn 118.200 giáo viên, số giáo viên thiếu tăng thêm trên 11.300 người so với năm học 2021 - 2022.

Theo thống kê sơ bộ trên cơ sở dữ liệu ngành, tính đến hết năm học 2022 - 2023, tổng số giáo viên mầm non, phổ thông là trên 1,2 triệu giáo viên (tăng 71.927 người so với năm học 2021 - 2022 (trong đó công lập chiếm 88,57%, ngoài công lập chiếm 11,43%) và hơn 100 nghìn cán bộ quản lý cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông (công lập chiếm 90,4%, ngoài công lập chiếm 9,6%).

Giáo viên nghỉ việc ngày càng nhiều: Cần một giải pháp căn cơ? - Ảnh 1.

Cần nâng cao nhận thức, trình độ, nghiệp vụ để giáo viên yên tâm công tác, tự hào, tự tôn về nghề giáo.

Theo báo cáo phân tích của Bộ GD&ĐT, giáo viên nghỉ việc, chuyển việc ra khỏi ngành chủ yếu tập trung ở các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển như: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương...

Ở khu vực này, giáo viên có nhiều lựa chọn để chuyển đổi nghề nghiệp với mức thu nhập cao hơn. Chẳng hạn, giáo viên nghỉ việc sẽ chuyển sang làm việc ở các trường tư thục hoặc chuyển sang làm việc ở các lĩnh vực khác có thu nhập cao hơn. Một số ít địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn như : Gia Lai, Sơn La… số giáo viên nghỉ việc cũng nhiều hơn các địa phương khác.

Báo cáo tĩnh chỉ ra, tình trạng nghỉ việc của giáo viên do một số nguyên nhân chủ yếu như: Chế độ, chính sách về tiền lương còn nhiều bất cập, lương giáo viên chưa đủ để trang trải cuộc sống.

Nhiều giải pháp được đưa ra để giải quyết vấn đề thu nhập, thu hút nhân sự giáo viên

Năm học 2022-2023, ngành Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đã mở ra nhiều kỳ thi  tuyển dụng giáo viên ở mọi cấp học nhằm thu hút nhân tài cho đất nước cho nền giáo dục thủ đô. 

Muốn có học sinh tốt thì phải có giáo viên đủ thực sự giỏi, có đủ tâm, đủ tài. Thực hiện chủ trương của Chính phủ, thành phố, chúng tôi đã triển khai tuyển dụng những sinh viên xuất sắc theo chính sách thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc, cán bộ khoa học trẻ
Ông Nguyễn Quang Tuấn, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội

Thành phố cũng tiếp tục nghiên cứu, tham mưu, đề xuất các cấp lãnh đạo về các cơ chế, chính sách trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn Thủ đô phù hợp tình hình thực tiễn của xã hội, trong đó có việc ban hành cơ chế thu hút nhân tài là giáo viên dạy giỏi của các tỉnh, thành phố về công tác tại Thủ đô...

Được biết, trong năm học 2023 - 2024, Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu, ngành Giáo dục thành phố nghiên cứu đề xuất chính sách về thu nhập, điều kiện làm việc thu hút giáo viên các môn học đặc thù còn thiếu như: Âm nhạc, Mỹ thuật, Tin học và Tiếng Anh tiểu học để triển khai hiệu quả Chương trình GDPT 2018. Thành phố Hồ Chí Minh không thể thiếu những giáo viên cần thiết như trên.

Nhiều cơ sở giáo dục đào tạo cũng đã đưa ra những giải pháp hữu hiệu để giữ chân các giáo viên, kể cả đội ngũ giáo viên xin nghỉ hưu trước tuổi bằng cách, thực hiện nhiều chính sách ưu đãi, thu hút giáo viên về địa phương. Tùy từng khu vực, các chính sách sẽ được mở rộng để thu hút giáo viên về các vùng, đặc biệt là các khu vực khó khăn, các địa bàn thiếu giáo viên trầm trọng. 

Đặc biệt, đội ngũ giáo viên bộ môn như Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Tiếng Anh, Thể dục, Lịch sử, Địa lý… thiếu khá nhiều giáo viên và khó tuyển dụng, các địa phương cũng đã có nhiều chính sách thu hút như tăng thêm thu nhập, trợ cấp và ưu đãi nhiều chính sách về đời sống. 

Theo đó, nhiều địa phương đã đề ra những mức phụ cấp thêm cho giáo viên trong khoảng từ 75 - 100% mức lương hiện hưởng hoặc thêm 1 lần mức lương cơ sở mỗi tháng tùy theo đối tượng. 

Bên cạnh đó, các chính sách đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các chế độ, chính sách đối với sinh viên sư phạm; vận động học sinh lớp 12 đăng ký theo học ngành này và trở về phục vụ địa phương sau khi ra trường cũng được thực hiện nhằm giúp đỡ và giữ chân các thày/cô giáo ở lại với nghề.

Đồng thời, các địa phương cũng tăng cường công tác giáo dục chính trị, bồi dưỡng phẩm chất, năng lực cho đội ngũ giáo viên để nâng cao nhận thức, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để giáo viên yên tâm công tác, tự hào, tự tôn về nghề giáo.

Trước làn sóng nghỉ việc có xu hướng gia tăng trong ngành giáo dục, không chỉ trong các cơ quan quản lý ngành, giải pháp căn cơ cần đến sự chung tay của toàn xã hội, cùng kêu gọi sự chia sẻ, đồng hành gửi tới các thầy cô, giúp các thầy cô yêu nghề, tự hào với nghề đã chọn, bớt tính toán, so đo, yêu nghề, gắn bó với nghề hơn.



Nguồn: VGP, TTXVN, Nhân Dân