Giáo viên có còn chia 3 hạng từ 1/7/2024 không?

Ly Hương
08:00 - 02/04/2024
Công dân & Khuyến học trên

Giáo viên mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông có còn chia hạng 1, 2, 3 từ 1/7/2024 hay không là băn khoăn của đội ngũ nhà giáo.

Giáo viên có còn chia 3 hạng từ 1/7/2024 không?- Ảnh 1.

Từ 1/7/2024, mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ, bảng lương giáo viên được quy định bằng số tiền cụ thể. Minh hoạ: NLĐ

Bỏ "hạng" nhưng vẫn giữ "bậc" đối với chức danh nghề nghiệp

Hiện nay, giáo viên bậc mầm non và phổ thông công lập được chia thành hạng 1, 2, 3. Có nghĩa là, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý (hiệu trưởng, hiệu phó) và giáo viên đều được xếp thành các hạng khác nhau theo quy định tại Văn bản hợp nhất Thông tư quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các trường mầm non, phổ thông công lập.

Thế nhưng, cách chia giáo viên theo hạng như thế này không phải là trả lương theo vị trí việc làm. Từ 01/7/2024, Nhà nước tiến hành cải cách toàn diện tiền lương theo hướng trả theo vị trí việc làm, hiệu quả công việc cho cán bộ, công chức, viên chức.

Tuy nhiên, theo Thông tư 20/2023/TT-BGDĐT quy định danh mục vị trí việc làm, định mức số người làm việc ở bậc mầm non, phổ thông mới ban hành có hiệu lực từ 16/12/2023 thì vẫn còn vị trí việc làm giáo viên các hạng 1, 2, 3.

Đến thời điểm 01/7/2024, thực hiện cải cách tiền lương theo vị trí việc làm có thể sẽ có nhiều thay đổi khoa học, phù hợp hơn.

Hiện nay, các Bộ ban ngành, các cơ quan liên quan trong đó có Bộ Giáo dục và Đào tạo đang khẩn trương xây dựng Đề án vị trí việc làm là cơ sở quan trọng để trả lương theo vị trí việc làm từ 01/7/2024 sắp tới.

Theo đó, cải cách tiền lương sắp tới sẽ bãi bỏ mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay, xây dựng bảng lương mới từ 1/7/2024 cho viên chức giáo viên với mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Như vậy, theo Nghị quyết 27/NQ-TW thì công chức, viên chức nói chung và giáo viên nói riêng sẽ có một hệ thống bảng lương mới, trong đó loại bỏ khái niệm "hạng" nhưng vẫn giữ nguyên "bậc" đối với chức danh nghề nghiệp.

Các khoản phụ cấp giáo viên được nhận từ 1/7/2024

Từ ngày 1/7/2024, chế độ phụ cấp cho giáo viên sẽ được sắp lại theo tinh thần của Nghị quyết 27-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo đảm tổng quỹ phụ cấp chiếm tối đa 30% tổng quỹ lương.

Theo đó, 8 khoản phụ cấp giáo viên được nhận từ 1/7/2024 bao gồm:

1. Phụ cấp kiêm nhiệm (giáo viên kiêm nhiệm thêm vị trí công việc khác).

2. Phụ cấp thâm niên vượt khung (chế độ khuyến khích mà Nhà nước đưa ra cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động). Phụ cấp này dành cho giáo viên công tác lâu năm, đang hưởng bậc lương cuối cùng, sau một thời gian công tác sẽ hưởng thêm phụ cấp thâm niên vượt khung tính theo mức lương.

3. Phụ cấp khu vực (bù đắp cho công nhân viên chức, công chức làm việc ở những vùng khí hậu xấu, xa xôi, hẻo lánh, đi lại, sinh hoạt khó khăn và nhằm góp phần ổn định lao động những vùng có địa lý tự nhiên không thuận lợi).

4. Phụ cấp trách nhiệm công việc (dành cho các công việc đòi hỏi trách nhiệm cao hoặc đảm nhiệm công tác quản lý nhưng không thuộc chức danh lãnh đạo).

Hiện nay, đối tượng được hưởng phụ cấp trách nhiệm công việc gồm giáo viên được cử làm Tổng phụ trách Đội Thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh ở trường phổ thông, giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục thuộc biên chế trả lương của các trường chuyên biệt (theo Thông tư 05/2005/TT-BNV)

5. Phụ cấp lưu động (giáo viên đang làm chuyên trách về xóa mù chữ và phổ cập giáo dục mà phải thường xuyên đi đến các thôn, bản).

6. Phụ cấp ưu đãi theo nghề.

7. Phụ cấp công tác ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

8. Phụ cấp theo phân loại đơn vị hành chính và theo phân hạng đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là khoản phụ cấp mới mà trước đây chưa có quy định.

Trước khi cải cách tiền lương, các khoản phụ cấp trên được tính theo mức lương cơ sở nhân với hệ số.

Tuy nhiên từ 1/7/2024, mức lương cơ sở sẽ bị bãi bỏ, bảng lương giáo viên được quy định bằng số tiền cụ thể. Như vậy khi cải cách tiền lương, các khoản phụ cấp trên có thể cũng sẽ được quy đổi ra số tiền cụ thể.