Bỏ phụ cấp thâm niên từ 1/7/2024, lương giáo viên lâu năm có giảm?
Bỏ phụ cấp thâm niên, lương giáo viên lâu năm có giảm không là vấn đề được hầu hết thầy cô giáo trên cả nước quan tâm.
Mức lương giáo viên sẽ tăng hơn 32% từ 1/7/2024
Theo Nghị quyết 27-NQ/TW, từ ngày 1/7/2024, lương giáo viên sẽ được tính theo chính sách cải cách tiền lương, bao gồm lương cơ bản chiếm 70% tổng lương, phụ cấp 30% và thêm 10% tiền thưởng (10% tiền lương trích từ quỹ tiền lương của năm và không bao gồm phụ cấp).
Như vậy, nếu tính cả lương cơ bản, phụ cấp và tiền thưởng thì tiền lương giáo viên trung bình sau khi thực hiện cải cách tiền lương có thể sẽ tăng hơn 32% so với thu nhập bình quân của lao động làm công hưởng lương.
Bên cạnh đó, giáo viên hưởng lương theo bảng lương chuyên môn, nghiệp vụ. Theo đó, sẽ có 3 trường hợp xảy ra với việc hưởng lương theo hạng hiện nay của giáo viên.
Trường hợp 1: Nếu địa phương nào đã hoàn tất bổ nhiệm, chuyển xếp hạng từ các Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT), giáo viên sẽ được hưởng lương với các hạng như sau:
Giáo viên mầm non được chia thành 3 hạng chức danh nghề nghiệp có hệ số lương tương ứng như sau: Giáo viên mầm non hạng III (hệ số lương 2,1-4,89); giáo viên mầm non hạng II (hệ số lương 2,34-4,98); giáo viên mầm non hạng I (hệ số lương 4,0-6,38).
Giáo viên phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông) hạng III (hệ số lương 2,34-4,98); giáo viên phổ thông hạng II (hệ số lương 4,0-6,38); giáo viên phổ thông hạng I (hệ số lương 4,4-6,78).
Những trường hợp này giáo viên hạng I, II sẽ có nhiều lợi thế khi chuyển xếp lương từ lương hiện hưởng sang bảng lương cải cách tiền lương từ 01/7/2024.
Trường hợp 2: Nếu các địa phương hoàn tất bổ nhiệm hạng III (mầm non, phổ thông), hạng II (mầm non) từ chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV sang các Thông tư 01-04/2021/TT-BGDĐT (được sửa đổi bổ sung bởi Thông tư 08/2023/TT-BGDĐT), các hạng còn lại vẫn hưởng theo lương của chùm Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV, giáo viên sẽ được hưởng lương với các hạng như sau:
Giáo viên mầm non hạng III có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II có hệ số lương 2,34-4,98. Giáo viên phổ thông hạng III có hệ số lương 2,34-4,98.
Các hạng còn lại hưởng theo hạng của Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV (hạng cũ), giáo viên mầm non hạng I cũ có hệ số lương 2,34-4,98; giáo viên tiểu học, trung học cơ sở hạng II cũ có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I cũ có hệ số lương 4,0-6,38; giáo viên trung học phổ thông hưởng lương hạng III (hệ số lương 2,34-4,98); giáo viên phổ thông hạng II (hệ số lương 4,0-6,38); giáo viên phổ thông hạng I (hệ số lương 4,4-6,78).
Trường hợp 2 này phổ biến hơn, nhiều địa phương chỉ chuyển xếp lương từ các hạng cũ sang hạng III mới, các hạng còn lại vẫn chưa thực hiện chuyển xếp.
Trường hợp 3: Chưa chuyển xếp lương mới, giáo viên hưởng lương theo các Thông tư 20-23/2015/TTLT-BGDĐT-BNV.
Giáo viên mầm non, tiểu học hạng IV cũ có hệ số lương 1,86-4,06; hạng III cũ có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II cũ có hệ số lương 2,34-4,98.
Giáo viên trung học cơ sở hạng III cũ có hệ số lương 2,1-4,89; hạng II cũ có hệ số lương 2,34-4,98; hạng I cũ có hệ số lương 4,0-6,38.
Giáo viên phổ thông hưởng lương hạng III (hệ số lương 2,34-4,98), giáo viên phổ thông hạng II (hệ số lương 4,0-6,38), giáo viên phổ thông hạng I (hệ số lương 4,4-6,78).
Trường hợp 3 này rất ít, chỉ vướng mắc ở một số địa phương do vướng quy định tiêu chuẩn còn chưa thống nhất.
Như vậy, lương giáo viên sẽ được tính theo công thức: Lương = Lương cơ bản + phụ cấp + thưởng (nếu có).
Bỏ phụ cấp thâm niên, lương giáo viên lâu năm có giảm?
Tại Nghị quyết 104/2023/QH15 về dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024, Quốc hội đã thông qua chính sách tiền lương từ ngày 01/7/2024.
Căn cứ Nghị quyết 27-NQ/TW về cải cách tiền lương, giáo viên sẽ không còn khoản phụ cấp thâm niên nghề nữa.
Với nhiều giáo viên, phụ cấp thâm niên là một sự động viên, khích lệ và ghi nhận thời gian cống hiến của giáo viên. Việc cắt bỏ khoản này khi cải cách tiền lương khiến thầy cô vô cùng nuối tiếc, đồng thời thắc mắc rằng lương giáo viên lâu năm có bị giảm đi hay không.
Theo thông tin từ Cổng thông tin điện tử Chính phủ, dự kiến tiền lương bình quân chung của cán bộ, công chức, viên chức từ 01/7/2024 sẽ được tăng khoảng 30% (tính cả lương cơ bản và phụ cấp).
Từ năm 2025, bảng lương sẽ tiếp tục được điều chỉnh tăng thêm bình quân khoảng 7%/năm.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, lương viên chức giáo dục sẽ cao hơn so với mặt bằng chung của đội ngũ công chức và viên chức khác.
Khi cải cách tiền lương, Bộ Nội vụ sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và đào tạo đảm bảo tiền lương (bao gồm cả phụ cấp) của giáo viên tăng lên tương ứng với yêu cầu và vị trí việc làm của họ, vừa bảo đảm mức tăng theo mặt bằng tiền lương chung của cán bộ, công chức, viên chức, vừa thể hiện ưu đãi đối với ngành giáo dục.
Ngoài bỏ phụ cấp thâm niên nghề, Nghị quyết 27-NQ/TW cũng sẽ bãi bỏ phụ cấp chức vụ lãnh đạo, phụ cấp công tác đảng, đoàn thể chính trị - xã hội, phụ cấp công vụ, phụ cấp độc hại, nguy hiểm để đưa vào trong mức lương cơ bản.
Đồng thời, tiếp tục áp dụng phụ cấp kiêm nhiệm, phụ cấp thâm niên vượt khung cho giáo viên lâu năm, phụ cấp khu vực, phụ cấp trách nhiệm công việc; phụ cấp lưu động.
Gộp phụ cấp ưu đãi theo nghề, phụ cấp trách nhiệm theo nghề và phụ cấp độc hại, nguy. Gộp phụ cấp đặc biệt, phụ cấp thu hút và trợ cấp công tác lâu năm ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thành phụ cấp công tác ở vùng đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, Nghị quyết 27-NQ/TW cũng nêu rõ quan điểm chuyển xếp lương cũ sang lương mới phải bảo đảm không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.
So sánh về mức lương giữa giáo viên lâu năm và giáo viên mới ra trường, chắc chắn sẽ có sự khác biệt về bậc lương, mức độ công việc phức tạp cũng như thứ bậc chức vụ lãnh đạo (nếu có).
Sau khi cải cách tiền lương, do mức lương mới không được thấp hơn lương hiện hưởng nên mức lương của giáo viên mới tuyển dụng sẽ không thể bằng lương của giáo viên lâu năm.
Tóm lại, khi bỏ phụ cấp thâm niên theo chính sách cải cách tiền lương, lương giáo viên nói chung đảm bảo sẽ tăng nhiều hơn các ngành khác, đồng thời lương giáo viên lâu năm vẫn sẽ cao hơn giáo viên mới tuyển dụng.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google