Giáo sư Trương Nguyện Thành: Hành trình học tập phải luôn là con đường mới mẻ

An Đôn
10:39 - 08/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Đến Mỹ năm 19 tuổi, không người thân, không biết tiếng Anh, không hiểu văn hóa bản xứ. Nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của bản thân, Trương Nguyện Thành là sinh viên nghiên cứu khoa học từ khi trẻ tuổi và đã trở thành giáo sư của Đại học Utah.

Giáo sư Trương Nguyện Thành: Hành trình học tập phải luôn là con đường mới mẻ - Ảnh 1.

Giáo sư Trương Nguyện Thành - diễn giả nhiều chương trình chắp cánh ước mơ cho sinh viên đại học. Ảnh: Đại học Quốc tế Hồng Bàng

Ngã rẽ cuộc đời

Xuất thân trong một gia đình nghèo, Trương Nguyện Thành có 9 anh em ruột. Năm Thành 11 tuổi, ba bị liệt nửa người nên anh phải đi bán thuốc lá ở bến xe lam Gò Vấp (Thành phố Hồ Chí Minh). Sau đó, Trương Nguyện Thành về Lái Thiêu (Bình Dương) cày mướn, làm nông thuê để phụ lo cho gia đình. Mỗi bữa chỉ có cơm độn khoai mì. Tuổi thơ dường như không có giấc mơ nào hơn là được ăn no giữa lúc đói ngặt nghèo. 

"Tôi lúc đó chỉ ước ao có một dĩa cơm tấm đầy ắp thịt và được ăn một mình hết dĩa cơm đó mà không phải chia cho ai" - Giáo Trương Nguyện Thành chia sẻ về tuổi thơ nghèo khổ của ông. 

Trương Nguyện Thành đến Mỹ năm 19 tuổi, không người thân, không ngôn ngữ, không hiểu văn hóa. Bản năng thôi thúc, nhắc nhở ông "phải sống, phải tồn tại". Thành ghi khắc sâu vào tâm khảm câu nói của ba anh: "Học để thoát nghèo con ạ!".

Khi được theo học năm cuối trung học tại Mỹ, Trương Nguyện Thành tập trung hoàn toàn vào việc học. Ông cảm thấy mình có cơ hội tiếp cận với kiến thức mới, nhiều dự định và giấc mơ được hình thành ở đây. Tuy nhiên, con đường học vấn thực sự không hề đơn giản với một đứa trẻ không thân thích ở xứ người. 

Tôi chỉ biết rằng muốn tồn tại và phát triển ở đất nước này phải giỏi gấp 2, 3 lần so với người bản xứ cùng trang lứa - Trương Nguyện Thành khẳng định. 

"Tôi muốn vào đại học"

Tôi thấy rằng từ đó, ước mơ của tôi bắt đầu chuyển biến và tăng lên thêm một bậc. Tôi muốn vào đại học. Chỉ có học mới giúp mở mang kiến thức, và trải nghiệm giúp mình mở ra ước mơ. Nếu không học có lẽ mãi mãi tôi cũng chỉ mơ có đủ ăn đủ mặc.

Vì không biết tiếng Anh nên tôi không đủ tiêu chuẩn vào đại học. May thay các thầy cô ở trường trung học viết thỉnh nguyện thư đến một trường đại học gần nhà ba mẹ nuôi của tôi sau khi họ từ chối hồ sơ. Tôi được nhận vào học thử một năm kèm điều kiện phải chứng minh được năng lực trong năm học đầu tiên.

Vào được đại học rồi, tôi tìm việc làm thêm để có đủ trang trải và đứng trước hai sự lựa chọn: Làm việc khó ít tiền nhưng có cơ hội học hỏi (như làm việc trong phòng thí nghiệm) hoặc làm việc dễ lại có nhiều tiền (như làm việc ở nhà hàng).

Đa số sinh viên chọn cái dễ, còn tôi vì muốn có cơ hội học hỏi nên chọn cái khó. Tôi nghĩ, vào làm việc tại phòng thí nghiệm sẽ học được điều gì đó. Sau đó tôi có cơ hội làm việc tại phòng thí nghiệm của Giáo sư Mark Gordon (học trò của John Pople, người nhận giải Nobel năm 1998). Trong khi sinh viên thường chọn bạn bè cùng trang lứa thì tôi chọn ở xung quanh nghiên cứu sinh, tiến sĩ, những người giỏi hơn mình nhiều bậc. Tôi nỗ lực học hỏi từ tương tác với họ.

Sau bốn năm đại học, tôi ra trường với bằng Cử nhân Hóa học hạng Giỏi, cùng các bằng phụ: Toán, Vật lý, Công nghệ Thông tin. 

Và suýt cầm thêm bằng Xác suất thống kê nữa chứ - Giáo sư Trương Nguyện Thành vui vẻ chia sẻ. 

Cùng với việc có 4 bài nghiên cứu tương đương một luận án tiến sĩ, một ước mơ mới mở ra với ông đó là học lên cao học. 

Con đường nghiên cứu khoa học rộng mở

Sau bốn năm đại học, vì tôi biết nghiên cứu nên mới mơ học cao học. Thầy tôi, Giáo sư Mark Gordon khuyên: "Em hãy chọn một sư phụ giỏi chứ không nên chọn trường". Và lời khuyên này đã mở ra hành trình Nghiên cứu khoa học của tôi.

Học cao học phải trải qua rất nhiều thử thách nhưng cuối hành trình ấy tôi lại có thêm nhiều sự lựa chọn. Hoặc đi làm cho công ty, hoặc đi dạy. Người thầy hướng dẫn của tôi, Giáo sư Andy McCammon (học trò của Giáo sư Martin Karplus, Nobel Prize 2013) khuyên nên theo con đường học thuật, trở thành giáo sư khi trên tay tôi đang cầm lá thư mời nhận việc nghiên cứu cho doanh nghiệp với lương cao.

Tôi đắn đo lắm, giữa các lựa chọn, nhưng thầy đưa ra một nhận định ngắn gọn: "Em ra làm doanh nghiệp là một mất mát cho khoa học và giáo dục Mỹ". Tôi nhìn ông và hỏi: "Thầy nghĩ thế à?". Ông chỉ gật đầu. Tôi nghe lời thầy như tin vào bản năng của chính mình. Sau đó, tôi được nhận làm giáo sư của Đại học Utah (Mỹ).

Ngày đầu tiên đến Mỹ vào năm 1980, Giáo sư Trương Nguyện Thành chỉ có một hành lý đơn sơ vài bộ quần áo. Đến cuối năm 1990, ông cầm trên tay tấm bằng tiến sĩ danh giá, được nhận học bổng Nhà khoa học trẻ tài năng bình chọn bởi National Science Foundation (Mỹ).

Năm 1992, ông trở thành giáo sư phụ giảng tại Đại học Utah (có Khoa Hóa được xếp hạng 30 - 40 trên toàn cầu). Sau khi trở thành giáo sư đại học, có phòng thí nghiệm riêng, có học trò, thêm một ước mơ mới lại mở ra với ông, chính là nghiên cứu khoa học và có những công trình nghiên cứu khoa học có giá trị.

Hiện nay, Giáo sư Trương Nguyện Thành đã về Việt Nam sau nhiều năm giảng dạy ở Đại học Utah (Mỹ). Ông cho rằng, cuộc đời mỗi người, đừng làm những giấc mơ dừng lại, mà cần vượt thoát ra khỏi vùng an toàn của mình. 

Phía trước luôn là con đường phải đi, nên đi một cách đầy cảm hứng và tâm thế mới mẻ - ông nói.