Giáo sư Trương Nguyện Thành: AI sẽ đưa ra quyết định nhanh hơn não người

An Đôn
17:13 - 09/01/2023
Công dân & Khuyến học trên

Giáo sư Trương Nguyện Thành (Đại học Utah, Mỹ) mới đây đã có buổi thuyết trình về giáo dục đáng chú ý. Giáo sư nhận định, với bộ nhớ khổng lồ và tốc độ tính toán lượng tử, AI sẽ đưa ra quyết định nhanh hơn não người.

Con người không cần nhớ dữ liệu nữa?

Giáo sư Trương Nguyện Thành đưa ra nhận định, ngày nay, trách nhiệm nhớ dữ liệu không còn thuộc về con người nữa. Chúng ta không có khả năng nhớ được hàng tỉ đơn vị dữ liệu. Chúng ta cũng không thể truy xuất dữ liệu nhanh, phong phú như công cụ Google. Khi cần tìm hiểu gì đó, mọi người sẽ bật Google lên. 

Vậy tại sao ta lại ép học sinh, sinh viên của mình phải học thuộc lòng và nhớ để làm gì?

Giáo sư Trương Nguyện Thành: AI sẽ đưa ra quyết định nhanh hơn não người - Ảnh 1.

Vậy tại sao ta lại ép học sinh, sinh viên của mình phải học thuộc lòng và nhớ để làm gì? Giáo sư Trương Nguyện Thành đưa ra câu hỏi. Đồ họa: TTH

Trong tương lai, trách nhiệm nhớ thông tin, phối hợp thông tin có khả năng không chỉ nằm trong não người nữa. Ví dụ, cô người máy Sophia hiện có một bộ nhớ và khả năng xử lý thông tin không thua kém con người. Cô có thể trao đổi bất kỳ lĩnh vực nào bạn muốn: chính trị, triết học, nghệ thuật… một cách thông minh, sắc sảo. Người máy Sophia thông minh vì dữ liệu nhiều hơn con người, và cô đã học được cách xử lý thông tin thông qua máy học, trí tuệ nhân tạo.

Theo Giáo sư Trương Nguyện Thành, trí tuệ nhân tạo (AI) phát triển trên cơ sở bắt chước cách hoạt động và học tập của não người. Ở cấp độ thứ nhất, AI học cách phân loại như đứa trẻ 3 đến 4 tuổi. Cấp độ thứ hai, AI bắt đầu thí nghiệm theo cách "thử rồi học" như đứa trẻ 5 đến 6 tuổi… Trong tương lai, với bộ nhớ khổng lồ và tốc độ tính toán lượng tử, AI sẽ đưa ra quyết định nhanh hơn não người. Con người đang thực sự chế tạo ra các thiết bị máy móc để thay đổi công việc của mình, hay nói cách khác là "xóa công việc của con người".

Vậy rồi con người có thể làm gì?

"Tương lai gần, khi con em chúng ta tốt nghiệp đại học thì xe hơi đã tự lái, về nhà muốn ăn gì chỉ cần nói và sau một giờ là đã có thức ăn nóng sốt để dùng. Tôi chia sẻ những câu chuyện này là để chúng ta cùng suy nghĩ xem cách mình đang dạy - đang học có còn hợp lý cho những gì sắp sửa xảy ra không? Chúng ta đã chuẩn bị cho con em mình những gì cho tương lai của họ?", Giáo sư Trương Nguyện Thành nói về AI ở thời tương lai.

Đại dịch COVID-19 đã ép loài người đi thẳng đến Cách mạng Công nghiệp 4.0

Giáo sư Trương Nguyện Thành nhớ lại: "Tôi ở Việt Nam liên tục từ cuối năm 2020 đến cuối 2021 vì đại dịch COVID-19. Do đó, tôi đã chứng kiến tất cả những khó khăn của ngành giáo dục đào tạo Việt Nam khi phải đóng cửa toàn bộ trường học, cơ sở giáo dục để cách ly cộng đồng. Trong khi đó, tại căn hộ của mình ở Thành phố Hồ Chí Minh, 2 giờ sáng mỗi ngày trong tuần tôi thức dậy và giảng dạy cho gần 500 sinh viên ở Mỹ dễ dàng, thuận tiện. Tại sao tôi không gặp những khó khăn tương tự?

Giáo sư Trương Nguyện Thành: AI sẽ đưa ra quyết định nhanh hơn não người - Ảnh 3.

Giáo dục trực tuyến là công cụ để nâng cao chất lượng đào tạo chứ không thay thế chuyện lên giảng đường ở các trường đại học trên thế giới hiện nay. Ảnh: IT/image

"Trước khi xảy ra đại dịch COVID-19, những người tổ chức đào tạo thường nghĩ việc học tập trực tiếp rất ổn thỏa, dạy trực tuyến là thừa. Trong khi đó, các trường đại học tại Mỹ và những nước tiên tiến khác hiểu rằng hệ thống dạy trực tuyến và quản lý lớp học là một công cụ hỗ trợ giảng viên đào tạo tốt hơn nữa chứ không phải công cụ thay thế.

Tuy dạy trực tiếp vẫn được ưu tiên nhưng khi cần thiết thì giảng viên có thể linh hoạt dạy trực tuyến. Chính xác là, dù chúng ta có chuẩn bị hay không thì COVID-19 cũng đã ép chúng ta đi vào con đường Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà không có bất kỳ lựa chọn nào khác. 

Các hệ thống giáo dục toàn cầu đều phải làm như vậy, còn làm hiệu quả hay không là việc của mỗi cơ sở đào tạo", Giáo sư Trương Nguyện Thành khẳng định.

Giáo sư Trương Nguyện Thành cho biết, trong tương lai, đại học không còn những giảng đường lớn với quy mô 500 đến 1000 sinh viên cho các môn lý thuyết mà sẽ bị thay thế bởi các lớp trực tuyến. Sinh viên sẽ học các lớp này ở những thời điểm thích hợp. Còn sinh viên đến trường chỉ để thực tập thí nghiệm, làm việc nhóm, sinh hoạt...

Minh chứng cho điều này, Giáo sư Trương Nguyện Thành kể câu chuyện: "Trong thời gian COVID-19, qua đứa con trai út đang học cao học tại Đại học Stanford (Mỹ) tôi biết được trường đã bắt buộc tất cả các giáo sư đang cùng giảng dạy một môn học đưa toàn bộ bài giảng riêng của họ lên hệ thống đào tạo trực tuyến.

Như vậy, sinh viên của giáo sư A có thể đồng thời vừa tiếp cận được tư liệu giảng dạy của giáo sư A lẫn của các giáo sư khác ngay trên hệ thống. Không còn chuyện bài giảng của tôi thì tôi cất giấu nữa. Sinh viên sẽ vào xem tất cả video bài giảng của tôi lẫn các giáo sư dạy môn đó.

Từ đó nảy sinh tình trạng sinh viên sẽ vào xem video của thầy cô nào họ thích, chứ chưa chắc sinh viên xem hay dự các buổi dạy online của giảng viên phụ trách chỉ vì video giảng dạy của thầy cô kia xem hay hơn.

Và số lượt xem đều biểu hiện công khai, minh bạch trên hệ thống. Thật là "chết dở" khi tôi dạy lớp 100 sinh viên và 100 sinh viên này không thèm xem video của tôi, không thèm vào lớp online của tôi mà vào lớp của thầy cô khác để học. Điều này nói gì về khả năng giảng dạy của tôi với sếp tôi?".

Giáo sư Trương Nguyện Thành nhận định, giáo dục trực tuyến chỉ là công cụ để nâng cao chất lượng đào tạo chứ không thay thế chuyện lên lớp. Và người học là trọng tâm. Họ không cần biết ai dạy, cái họ cần là làm sao để có thể học được (môn học) một cách tốt nhất mà thôi.