Dạy và học online: Vẫn có thể duy trì

Tuyết Trinh
10:44 - 05/11/2022
Công dân & Khuyến học trên

COVID đã mở ra một cơ hội lớn chưa từng thấy: Hàng ngàn giảng viên đã kịp dịch chuyển và dần đưa việc đào tạo của mình lên online. Đây cũng là một xu hướng vẫn có thể duy trì.

Làn sóng Covid diễn ra đã thay đổi hoàn toàn cách thức đào tạo và giảng dạy. Chưa bao giờ đào tạo online trở thành một nhu cầu cấp bách khi Covid đã càn quét và làm hàng triệu cơ sở giáo dục phải đóng cửa, hàng ngàn giảng viên mất đi thu nhập. Tuy nhiên, ngành giáo dục với việc thích ứng rất nhanh đã chuyển dịch cho toàn bộ hệ thống của mình sang online. 

Dạy và học online: Vẫn có thể duy trì - Ảnh 1.

Trào lưu văn hóa học online được nhiều người đánh giá khá hiệu quả. Ảnh: IT

Từ đó, xuất hiện một trào lưu văn hóa học online được nhiều người đánh giá khá hiệu quả, đặc biệt đối với người lớn. Việc học online giúp người dạy và người học không còn khoảng cách địa lý, không còn bị vướng bận bởi không gian và thời gian. 

Các lớp học online đã phần nào cho thấy nhiều ưu điểm vượt trội và hiệu quả, có thể tồn tại song song với các lớp offline, để bổ trợ cho nhau, hướng tới một xã hội học tập mọi nơi, mọi lúc, không phân biệt khoảng cách địa lý và lứa tuổi. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc đưa lên online, số hóa bài giảng là cách cực kỳ tuyệt vời để các thầy cô giáo chỉ mất công sản xuất nội dung một lần trong khi có thể "bán kiến thức" tới nhiều đối tượng khác nhau và không giới hạn thời gian này, hay thời gian khác. 

Rất nhiều giảng viên đã vận dụng được kiến thức của mình lưu giữ một cách khoa học bằng các phương tiện ghi hình, quay dựng công phu, chỉn chu để có thể truyền tải bài giảng của mình. Bên cạnh những giờ lên lớp, các video dựng trước có thể giúp sinh viên không bị cảm giác nhàm chán. Các bạn có thể dễ dàng hệ thống kiến thức của mình để có thể nắm bắt và theo dõi nội dung tốt hơn. 

Với cách làm này, đội ngũ giảng viên cũng tiết kiệm được khá nhiều công sức, thời gian, và cả tiền bạc di chuyển, đi lại, lặp lại nội dung và tâm huyết để tổ chức các lớp. 

Ngay trong và sau thời điểm dịch COVID-19 diễn ra, đã có hàng ngàn giảng viên đã quyết định đưa lên online với mong muốn sẽ lưu giữ được một cách hệ thống các bài giảng, đồng thời vẫn tạo ra giá trị, thu nhập và lại có nhiều thời gian hơn để tổ chức và sắp xếp công việc giảng dạy, nghiên cứu, trau dồi và cập nhật thêm các kiến thức mới thay vì phải giảng đi giảng lại một nội dung cũ. 

Các phương tiện truyền thông trên online cũng tạo ra xu hướng dễ dàng lan tỏa tri thức của mình tới hàng chục ngàn, thậm trí hàng triệu người trên khắp thế giới miễn là họ cùng chung một ngôn ngữ. Đó là điều tuyệt vời mà Internet mang lại. 

Công tác tuyển sinh cũng dễ dàng hơn khi thời đại công nghệ số phát triển. Có rất nhiều giảng viên/cơ sở đào tạo trước đây phải vất vả thuê mướn nhân sự, đầu tư thời gian và tiền bạc cho công tác tuyển sinh, mà kết quả chỉ có thể giới hạn trong 1 khu vực địa lý nhất định, thì giờ đây, "đào tạo online" đã giúp họ tìm được học viên từ khắp nơi trên cả nước, thậm chí đến từ nước ngoài như Mỹ, Pháp, Đức, Nhật...

Dạy và học online: Vẫn có thể duy trì - Ảnh 2.

Dạy và học online góp phần cải tổ phương pháp giảng dạy truyền thống. Ảnh: IT

Có thể nói, đất nước đang đứng trước những khó khăn, thách thức không hề nhỏ khi phải vươn lên phục hồi nền kinh tế. Trong đó, giáo dục cũng có nhiều bài toán khó cần phải giải, thì phương pháp đào tạo online trên nền tảng số đã được đặt nền móng trong bối cảnh dịch bệnh, giờ đây vẫn có thể duy trì để góp phần cải tổ phương pháp giảng dạy truyền thống, hỗ trợ đội ngũ giáo viên trong quá trình giảng dạy.

Các bài giảng online có thể thay thế như một sản phẩm robot đào tạo, để các giáo viên truyền thống có thể tập trung đội ngũ, đầu tư vào chất lượng cho các phần cải cách, cập nhật xu hướng mới. Từ đó, giúp giải bài toán thiếu giáo viên của ngành giáo dục hiện nay, đồng thời giúp cho học sinh, sinh viên dễ dàng tiếp cận xu hướng "online hóa" - một xu hướng tất yếu của thời cuộc. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam đang tiến tới một xã hội số, một nền kinh tế số thực thụ.