Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật vinh danh 128 tác giả
Sáng 19/5, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự Lễ trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức.
Chủ tịch nước trao Giải thưởng Hồ Chí Minh cho tác giả, đại diện gia đình các tác giả. Ảnh: VOV.
Đánh giá cao vai trò của đội ngũ văn nghệ sỹ cho nền văn học, nghệ thuật Việt Nam
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng biểu dương những thành tựu to lớn mà đội ngũ văn nghệ sĩ Việt Nam đã đạt được trong những năm qua, chúc mừng các tác giả, thân nhân các tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật năm 2022.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, thời gian qua, các cơ quan đã cố gắng trong việc đổi mới công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật đáp ứng yêu cầu, mục đích của giải thưởng cao quý này để phù hợp thực tiễn văn học, nghệ thuật thời kỳ mới.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, trân trọng, khuyến khích, biểu dương và tạo mọi điều kiện để văn nghệ sĩ sáng tác được nhiều tác phẩm có giá trị về tư tưởng và nghệ thuật đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần của nhân dân, góp phần xây dựng nền văn hóa và con người Việt Nam phát triển toàn diện, thấm nhuần tinh thần dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học.
Đề cương về văn hóa Việt Nam năm 1943 ra đời với 3 nguyên tắc: Dân tộc hóa, đại chúng hóa và khoa học hóa đã trở thành ngọn cờ tập hợp các tầng lớp trí thức, văn nghệ sĩ theo tiếng gọi non sông, tham gia vào cuộc kháng chiến vĩ đại do Đảng lãnh đạo, phục vụ cách mạng, phụng sự nhân dân, phụng sự Tổ quốc.
Trải qua các cuộc kháng chiến dành độc lập, tự do, thống nhất đất nước, lớp lớp văn nghệ đã dâng hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân, dành cả cuộc đời, trí tuệ và tài năng của mình cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sáng tác những tác phẩm giá trị góp phần to lớn làm nên những kì tích, khẳng định phẩm giá con người Việt Nam trước bom đạn kẻ thù. Nhiều người đã anh dũng hi sinh trong tư thế nghệ sĩ, chiến sĩ, nhiều tác phẩm ra đời trong những năm tháng đó đã trở thành di sản quý báu của dân tộc.
Với tinh thần tôn vinh những văn nghệ sĩ đã dâng hiến trọn đời cho cách mạng, cho nền văn học nghệ thuật nước nhà, thấu hiểu sự sáng tạo đặc biệt, sự đóng góp vô giá và ảnh hưởng rộng lớn của các văn nghệ sĩ cho cách mạng và cho dân tộc, để đúng với tấm lòng biết ơn chân thành và sâu sắc của chúng ta, không được “bỏ sót” các tác phẩm thực sự có giá trị, không để các văn nghệ sĩ xứng đáng nhưng chưa được tôn vinh.
Trước những thách thức đang đặt ra hiện nay, trước sự đe dọa đối với phẩm giá con người, đất nước ta cần nhiều hơn nữa các tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật. Đó là những tác phẩm phản ánh được thực tiễn sinh động của đời sống xã hội, tầm vóc của công cuộc đổi mới ở mọi lĩnh vực, thúc đẩy một đời sống dân chủ lành mạnh, phản ánh vẻ đẹp tâm hồn con người Việt Nam và khát vọng lớn lao của toàn dân tộc. Hơn lúc nào hết, Tổ quốc và nhân dân đang rất cần sự dấn thân và lòng dũng cảm của văn nghệ sĩ.
16 tác giả, cố tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh
Lễ trao Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật lần này có 16 tác giả, cố tác giả được trao tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh; 112 tác giả, cố tác giả được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học, nghệ thuật.
Trước đó, căn cứ kết quả kiểm phiếu bầu của thành viên 3 cấp Hội đồng, có 27 tác phẩm, cụm tác phẩm đề nghị xét tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh” và 144 tác phẩm, cụm tác phẩm đề nghị xét tặng “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật đạt từ 80% tổng số thành viên Hội đồng có mặt tại cuộc họp bỏ phiếu đồng ý, đủ điều kiện trình Thủ tướng Chính phủ xét trình Chủ tịch nước tặng “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước” về văn học, nghệ thuật năm 2021.
Với tinh thần làm việc công tâm, khách quan, trách nhiệm cao của các cấp Hội đồng, đặc biệt là Hội đồng cấp Nhà nước, công tác xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật năm 2021 đã hoàn thành các mục tiêu, yêu cầu đề ra.
Ngày 17/10/2022, Chủ tịch nước đã ký các quyết định tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật cho các tác giả, đồng tác giả; cụ thể có 16 tác giả, cố tác giả có các tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học, nghệ thuật; có 112 tác giả, cố tác giả có tác phẩm, cụm tác phẩm được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học, nghệ thuật.
Trong thời kỳ đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đội ngũ văn nghệ sĩ đã kế thừa và phát huy truyền thống văn hóa, chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, gắn bó sâu sắc với sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc, tiếp tục có những tác phẩm đa dạng về đề tài, phong phú về thể loại và phương thức thể hiện, sâu sắc về tư tưởng, phản ánh được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử của sự nghiệp đổi mới, cùng những vấn đề mới nóng của thời cuộc, của đất nước hôm nay.
Giải thưởng là một sự kiện vinh danh đội ngũ văn nghệ sỹ trong nước. Hy vọng các tác giả sẽ tiếp tục có thêm các tác phẩm văn học, nghệ thuật hấp dẫn, phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu, tiếp biến có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại; góp phần phát huy sức mạnh văn hóa, con người Việt Nam; đưa hình ảnh, đất nước, con người Việt Nam ra với thế giới đồng thời xây dựng Việt Nam trở thành địa chỉ hấp dẫn về giao lưu văn hóa quốc tế.
Tham khảo Nghị định 133/2018/NĐ-CP sửa đổi về điều kiện xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" về văn học, nghệ thuật:
1- Tác giả có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật được xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" phải trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành tốt pháp luật Việt Nam.
2- Tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh", "Giải thưởng Nhà nước" phải đáp ứng các điều kiện sau đây:
a) Đã được công bố, sử dụng dưới các hình thức xuất bản, kiến trúc, triển lãm, sân khấu, điện ảnh, phát thanh, truyền hình, giảng dạy, đĩa hát và các hình thức khác kể từ ngày thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam) mùng 2 tháng 9 năm 1945. Thời gian công bố tối thiểu là 05 năm đối với "Giải thưởng Hồ Chí Minh" và 03 năm đối với "Giải thưởng Nhà nước" tính đến thời điểm nộp hồ sơ tại cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quản lý về lĩnh vực văn hoá, nghệ thuật hoặc Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương.
b) Không có tranh chấp về quyền tác giả kể từ thời điểm được công bố.
Về tiêu chuẩn xét tặng giải thưởng, Nghị định số 133/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung như sau: Tác giả được xét tặng "Giải thưởng Hồ Chí Minh" phải có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn:
1- Đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng từ năm 1993 trở về trước: Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.
2- Đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng sau năm 1993: Có tác dụng to lớn phục vụ sự nghiệp cách mạng, có ảnh hưởng rộng lớn và lâu dài trong đời sống xã hội, góp phần quan trọng vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có giá trị đặc biệt xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật: Đã được tặng Giải Vàng, Giải A, Giải Nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hoặc Giải thưởng cao nhất của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải cao nhất tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế có uy tín.
Còn đối với tác giả được xét tặng "Giải thưởng Nhà nước" phải có tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật đáp ứng các tiêu chuẩn sau:
1- Đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng từ năm 1993 trở về trước: Có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có giá trị xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật.
2- Đối với những tác phẩm, công trình được công bố, sử dụng sau năm 1993: Có tác dụng tốt trong giáo dục, xây dựng con người mới, nâng cao trình độ thẩm mỹ của nhân dân, góp phần đáng kể vào việc thay đổi nhận thức của nhân dân trong sự nghiệp phát triển văn học, nghệ thuật Việt Nam, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; có giá trị xuất sắc về văn học, nghệ thuật, về nội dung tư tưởng và hình thức nghệ thuật: Đã được tặng Giải Nhất, Nhì, Ba (Giải A, B, C hoặc Giải Vàng, Bạc, Đồng) tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật cấp quốc gia do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức hoặc được tặng Giải Nhất, Nhì, Ba (Giải A, B, C hoặc Giải Vàng, Bạc, Đồng) của Hội Văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương thuộc lĩnh vực chuyên ngành hoặc được tặng giải thưởng chính tại các cuộc thi, liên hoan chuyên nghiệp và triển lãm về văn học, nghệ thuật quốc tế có uy tín.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google