Đề cương về văn hóa Việt Nam: Động lực phát triển văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới

PV
15:59 - 27/02/2023
Công dân & Khuyến học trên

Ngày 27/2, Hội thảo khoa học cấp quốc gia: "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển" đã được tổ chức nhằm khẳng định và phát huy những giá trị cốt lỗi của văn kiện lịch sử này.

Hội thảo khoa học "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023) - Khởi nguồn và động lực phát triển" nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 80 năm ra đời Đề cương về văn hóa Việt Nam (1943 - 2023), với mục đích khẳng định và phát huy những giá trị cốt lõi của một văn kiện có ý nghĩa lịch sử - Đề cương về văn hóa Việt Nam; nghiên cứu quá trình vận dụng đường lối văn hóa của Đảng vào thực tiễn đấu tranh giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng đất nước; tổng kết những thành tựu xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam. 

Đề cương về văn hóa Việt Nam: Động lực phát triển văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới - Ảnh 1.

Hội thảo khoa học cấp quốc gia "80 năm Đề cương về Văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển". Ảnh: VGP/Nam Nguyễn

Trên cơ sở nghiên cứu làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn vận dụng các quan điểm, đường lối của Đề cương về văn hóa Việt Nam qua các thời kỳ, các tác giả tham luận có đề xuất, kiến nghị một số cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa hiện nay. Điều này có ý nghĩa quan trọng đối với việc xây dựng và phát triển văn hóa, con người đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước trong tình hình mới.

Nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, giá trị thực tiễn lớn lao

Phát biểu tại Hội thảo, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng khẳng định, ngoài mối quan hệ khăng khít, hữu cơ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, "nền văn hóa mới" mà Đề cương về văn hóa Việt Nam xác lập còn thể hiện giá trị lý luận cấp tiến khi đặt con người ở vị trí trung tâm. Vị thế của con người nằm ở vai trò lãnh đạo của Đảng đối với công tác văn hóa, văn nghệ; và quan trọng là quần chúng nhân dân chính là chủ thể của văn hóa, là lực lượng sáng tạo, trao truyền, gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa.

Với những tư tưởng, quan điểm ngắn gọn, súc tích, Đề cương về văn hóa Việt Nam "là một văn kiện đặt nền móng, mở đường cho việc xây dựng lý luận văn hóa cách mạng Việt Nam". 3 năm sau ngày Đề cương ra đời, tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất khai mạc vào ngày 24/11/1946, chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh hơn nữa vai trò định hướng, dẫn dắt của văn hóa đối với sự phát triển của đất nước, dân tộc thông qua lời khẳng định "Văn hóa phải hướng dẫn quốc dân thực hiện Độc lập, Tự cường và Tự chủ", "Văn hóa soi đường cho quốc dân đi". Kể từ thời điểm này cho tới năm 1975, đường lối văn hóa kháng chiến - kiến quốc dần hình thành và hoàn thiện dựa trên nền tảng căn bản mà Đề cương về Văn hóa Việt Nam đã đề ra. Sau ngày thống nhất đất nước, đặc biệt kể từ khi bước vào công cuộc đổi mới toàn diện do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, cùng với các chủ trương, đường lối phát triển kinh tế, chính trị, từ sự kế thừa các giá trị về lý luận của Đề cương để tiếp tục bổ sung, hoàn thiện.

Đề cương về văn hóa Việt Nam: Động lực phát triển văn hóa dân tộc trong thời kỳ mới - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: VGP

Theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng, bên cạnh những giá trị quý báu về nền tảng lý luận, nguyên tắc cốt lõi, những nội dung của Đề cương về văn hóa Việt Nam còn có giá trị thực tiễn lớn lao trong phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam trong suốt 8 thập niên qua. Cụ thể: 

(1) Hệ thống văn bản do Đảng, Nhà nước ban hành đã từng bước tạo ra cơ sở chính trị, pháp lý nhất quán, hình thành môi trường thể chế có khả năng điều chỉnh mối quan hệ giữa các chủ thể văn hóa theo hướng hài hòa, lành mạnh giúp phát huy hiệu quả vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và chủ thể sáng tạo của nhân dân.

(2) Ngay từ khi Đề cương ra đời, với việc đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ giữ vai trò quan trọng của phát triển văn hóa đã cho thấy phát triển con người và phát triển văn hóa là hai mục tiêu gắn kết, không tách rời nhau

(3) Vận dụng các nguyên tắc của Đề cương về Văn hóa Việt Nam, trong suốt những thập niên qua, việc kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống của văn hóa Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực. Cơ chế xử lý hợp lý, hài hòa giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế đã từng bước được xác lập và vận hành trên thực tế góp phần gia tăng sức mạnh mềm văn hóa Việt Nam.

(4) Việc gắn kết văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội có chuyển dịch tích cực về nhận thức và hành động. Theo thống kê, đóng góp của các ngành công nghiệp văn hóa của Việt Nam ước đạt 3,61% GDP năm 2018.

Trên cơ sở nhìn lại giá trị lý luận, giá trị thực tiễn và những tồn tại trong quá trình tổ chức thực hiện Đề cương, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng đề xuất một số định hướng và giải pháp phát huy giá trị của Đề cương về Văn hóa Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Đó là việc kế thừa, phát huy các giá trị, nguyên tắc của Đề cương trong phát triển văn hóa, con người Việt Nam theo hướng bền vững.

Bên cạnh đó, cần có chính sách phù hợp tại Luật quản lý, sử dụng tài sản công, nhằm phát huy, sử dụng có hiệu quả tài sản kết cấu hạ tầng, thiết chế văn hóa, tài sản đặc thù của văn hóa; tiếp tục triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa nhằm chấn hưng văn hóa.

Xây dựng Bộ chỉ số quốc gia về phát triển văn hóa; Hoàn thiện các chính sách văn hóa đối ngoại có khả năng phát huy tính chủ động hội nhập, tăng cường hợp tác, giao lưu quốc tế về văn hóa nhằm tạo sự lan tỏa mạnh mẽ của giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới; 

Phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật; đẩy mạnh nghiên cứu khoa học và công nghệ, chú trọng phát triển công cụ đo lường, giám sát việc hoạch định, triển khai chính sách và hiệu quả đầu tư.

Văn hóa dân tộc đang phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ chuyển đổi số

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng đã bàn về vai trò và xu hướng chuyển đổi số trong phát triển văn hóa - con người Việt Nam.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết thực hiện theo chủ trương, quan điểm của Đề cương về văn hóa Việt Nam, văn hóa dân tộc đang có bước phát triển mạnh mẽ, nhất là trong thời kỳ chuyển đổi số. Với tinh thần đại chúng hoá, Việt Nam đang nỗ lực đưa văn hóa phát triển trên đa nền tảng, đến được với mọi tầng lớp nhân dân. Bộ trưởng nhận định: "Chưa bao giờ chúng ta có cơ hội đại chúng hóa văn hoá; thu hẹp khoảng cách tiếp cận, hưởng thụ văn hóa như hiện nay".

Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, một trong những xu hướng tiếp cận văn hóa phổ biến hiện nay là hỏi - đáp. Tức là cần thông tin gì sẽ đặt câu hỏi. Vì lẽ đó, chúng ta cần xây dựng được công cụ trợ lý ảo, chẳng hạn như ChatGPT chuyên về văn hóa Việt Nam. Từ đó, mọi công dân Việt Nam, thậm chí là bạn bè quốc tế có cơ hội được vào đối thoại, học hỏi, mở mang hiểu biết mọi lúc, mọi nơi. Đây là cách thức truyền bá văn hóa Việt Nam nhanh, hiệu quả.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh văn hóa muốn phát triển thì cần một ngành công nghiệp, thị trường văn hóa đủ mạnh. Công nghiệp văn hóa Việt Nam sẽ phát triển hơn khi có càng nhiều người tham gia sáng tạo văn hoá. Điều này là khả thi khi Việt Nam đang cung cấp nhiều công cụ sáng tạo số để người dân tham gia, có cơ hội sáng tạo văn hoá. Ngoài các nền tảng sẵn có, Việt Nam có thể nghiên cứu, cho ra đời thêm một sàn thương mại điện tử chuyên cung cấp các sản phẩm văn hoá; giúp phát triển các ngành công nghiệp, thị trường văn hoá. Những yếu tố này đều góp phần thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị văn hóa toàn quốc (2021) rằng xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế, xã hội và không gian số sẽ giúp văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững của đất nước trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ 4".

Phát biểu Kết luận Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, Hội thảo khoa học "80 năm Đề cương về văn hóa Việt Nam - Khởi nguồn và động lực phát triển" cùng với thành quả đã nghiên cứu và tư liệu lịch sử đã công bố, một lần nữa chứng minh giá trị to lớn, toàn diện của Đề cương về văn hóa Việt Nam đối với sự nghiệp vẻ vang của dân tộc ta dưới sự lãnh đạo của Đảng.

Nguồn: Báo Chính phủ; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch