"Giải mã" câu chuyện đặc biệt về Liệt sĩ Ngô Xuân Quảng, Tiểu đoàn 631 anh hùng
Đúng ngày đất nước kỷ niệm 78 năm này thương binh liệt sĩ (27/7/1947-27/7/2025), tôi mới "giải mã" được câu chuyện về liệt sĩ Ngô Xuân Quảng, chiến sĩ trung đội trinh sát Tiểu đoàn 631 anh hùng, tiểu đoàn độc lập trực thuộc Bộ Tư lệnh Mặt trận Tây Nguyên.


Đại tá Nguyễn Kiệm, nguyên chiến sĩ trinh sát D631 anh hùng cùng trung đội với anh Ngô Xuân Quảng kể câu chuyện cho tác giả nghe từ năm 1973 (ảnh trái) và mộ chí của Liệt sĩ Ngô Xuân Quảng (ảnh phải). Ảnh: Cao Ngọ
Anh Ngô Xuân Quảng sinh năm 1950, quê xã Trường Giang, huyện Nông Cống (cũ) nay là xã Trường Văn tỉnh Thanh Hoá, nhập ngũ năm 1968 khi đang học lớp 9 (nay là lớp 11).
Bố anh Ngô Xuân Quảng là Nhà giáo Ngô Thiện Tứ (hay Ngô Thiên Tứ, Ngô Xuân Tứ) là Hiệu trưởng một trường cấp 3 nổi tiếng ở Thanh Hoá. Ông là anh ruột của Nhà thơ Ngô Xuân Sách (Xuân Sách) với bài thơ "Đường chúng ta đi" được Nhạc sĩ Huy Du phổ nhạc trở thành ca khúc nổi tiếng sống mãi với thời gian.
Câu chuyện về Liệt sĩ Ngô Xuân Quảng mà tôi biết là vào đầu năm 1973, khi tôi cùng với hơn 300 tân binh huyện Nông Cống được bổ sung vào Tiểu đoàn 631- B3, tiểu đoàn đứng chân và đánh trận hầu như liên tục tại huyện 4 thường gọi là Khu 4 Gia Lai, giáp ranh với thị xã Pleiku (thuộc tỉnh Gia Lai).


Bút tích lá thư - bài thơ chú ruột anh Ngô Xuân Quảng - Nhà thơ Xuân Sách gửi cho cháu mình.
Câu chuyện này được Đại tá Nguyễn Kiệm, nguyên Trưởng phòng Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm Viện Kiểm sát quân sự Trung ương kể lại. Đại tá Kiệm là chiến sĩ trinh sát cùng trung đội với anh Ngô Xuân Quảng, cùng học cấp 3, cùng huyện Nông Cống và cùng nhập ngũ năm 1968 khi 2 anh đều tuổi 18.
Chuyện rằng, sau một lần đi đánh trận trở về hậu cứ của tiểu đoàn ở bờ sông Pô Cô, anh Ngô Xuân Quảng nhận được thư của bố anh nhà giáo Ngô Thiện Tứ. Trong thư cụ Tứ hỏi thăm con về sức khỏe, về công tác chiến đấu, về đồng đội về những công việc diễn ra ở chiến trường. Đồng thời bố anh Quảng cũng thông báo cho con trai biết tình hình quê hương, gia đình, dòng họ, anh em, làng xóm...
Cuối thư cụ Ngô Thiện Tứ còn tái bút: "hành ống ở nhà vẫn tươi tốt". Chính dòng tái bút của bố anh Quảng đã gây tò mò cho đồng đội ở trung đội trinh sát và lan rộng ra cả tiểu đoàn, các thủ tưởng và đồng đội đều cho rằng "hành ống" chính là một cô gái nào đó, là người yêu hoặc bạn gái có thật ở quê mà bố anh Quảng đã "nói lái" để giữ bí mật cho con. Anh Quảng chỉ cười hiền, đôi mắt sáng, má ửng hồng trước sự trêu ghẹo của đồng đội.
Câu chuyện đó khiến tôi nhớ suốt 52 năm qua, đồng thời trong tôi thi thoảng thầm nghĩ, nếu có cơ hội sẽ giải mã câu chuyện này như một nén tâm hương tưởng nhớ Liệt sĩ Ngô Xuân Quảng và các liệt sĩ của Tiểu đoàn 631 anh hùng cũng như những liệt sĩ của cả nước, nhất là dịp 27 tháng 7 hàng năm.


Mẹ anh Ngô Xuân Quảng - bà Đỗ Thị Quy thường thăm viếng nghĩa trang, nơi an nghỉ của các liệt sĩ. Ảnh: Cao Ngọ
Lần này, đúng ngày 27/7/2025 được nghe câu chuyện, đích thân em trai Liệt sĩ Ngô Xuân Quảng là Ngô Xuân Ái, nguyên giáo viên dạy toán Trường Trung học phổ thông chuyên Lam Sơn (Thanh Hoá) kể lại.
Anh Ngô Xuân Ái cho biết, trong một lần viết thư cho cháu mình - Ngô Xuân Quảng đang chiến đấu trên chiến trường Tây Nguyên, lá thư của chú ruột Ngô Xuân Sách viết cho cháu - 2 người lính (Nhà thơ Xuân Sách cũng là bộ đội) là một bài thơ, mỗi câu, mỗi chữ đều thấm đẫm một thời "hoa lửa".
Chuyện trong thư là cảnh Trường cấp 3 Ngọc Lặc, Thanh Hoá (nơi bố anh Quảng là hiệu trưởng) trước mùa hè năm 1968, anh Ngô Xuân Quảng còn học lớp 9 (lớp 11 ngày nay) chị Hồng Ánh, họ tên đầy đủ là Trịnh Hồng Ánh, một người con miền Nam tập kết, quê tỉnh Cà Mau là bạn học của anh Ngô Xuân Quảng. Chị Ánh là con đỡ đầu của bố anh Ngô Xuân Quảng và thường gọi bố anh Quảng là Ba.
Theo lời của Nhà giáo Ngô Xuân Ái, trong sinh hoạt, học tập thường nhật của gia đinh, bố mẹ, anh chị em trong nhà thường gọi chị Hồng Ánh với cái tên thân thương, trìu mến là hành ống.
Và, có lẽ lá thư gửi cho con đang chiến đấu tại chiến trường, Nhà giáo Ngô Thiện Tứ đã cảm thấy điều gì đó trong nỗi nhớ quê hương, cha mẹ, mái trường, bạn bè thời áo trắng mà chị Hồng Ánh là người mà con trai mình thương nhớ. Vì thế cuối lá thư cụ Tứ mới tái bút: "Hành ống ở nhà vẫn tươi tốt".
Trở lại lá thư - bài thơ của Nhà thơ Xuân Sách chú ruột của anh Ngô Xuân Quảng cũng nhận thấy điều mà anh mình - nhà giáo Ngô Thiện Tứ nhận biết. Lá thư - bài thơ của chú gửi đứa cháu, chiến sĩ Ngô Xuân Quảng có 6 khổ 24 câu và thêm 1 câu kết tôi chú ý khổ thứ 4:
…Chú cháu hàn huyên chuyện cửa chuyện nhà
Cháu hỏi chú đôi điều về bộ đội
Chú biết cả những điều cháu còn chưa hỏi
Tình yêu buổi đầu ai dám nói hết đâu…

Nhà thơ Xuân Sách (bên trái) cùng với cháu ruột Ngô Xuân Ái, em Liệt sĩ Ngô Xuân Quảng. Ảnh: gia đình cung cấp
Anh Ngô Xuân Quảng cũng như biết bao chàng trai tuổi 18 đôi mươi gác lại chuyện bút nghiên, gác lại chuyện riêng tư lên đường đánh giặc. Họ ra đi mang theo bóng hình cha mẹ, anh em, họ hàng, làng quê, chòm xóm, mang theo cả những hương vị đầu đời của tình bạn, tình yêu vì nghĩa lớn:
"Trong mắt cháu hôm nào giờ đang sáng giữa rừng sâu/ Soi cho cháu đi trong đội ngũ tuyến đầu".
Tháng 11/1970 trong một trận đánh vô cùng ác liệt gần làng Cu Toong, Khu 4 Gia Lai, chiến sĩ trinh sát Ngô Xuân Quảng của Tiểu đoàn 631 anh hùng đã hy sinh anh dũng khi tuổi đời mới tròn 21.
Liệt sĩ Ngô Xuân Quảng cũng như hàng vạn liệt sĩ ngã xuống trong các cuộc kháng chiến của dân tộc, họ ra đi khi tuổi đời còn quá trẻ, họ ra đi mà khi chia tay bạn gái, người yêu còn e ấp thẹn thùng chưa nói được trọn vẹn lời yêu. Họ đã hiến dâng tuổi xuân vì sự bình yên của quê hương đất nước.
Tôi viết bài báo này đúng ngày kỷ niệm thương binh liệt sĩ 27/7 thay cho nén tâm hương cúi đầu tưởng nhớ đến các anh!
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google