Giá xăng tăng cao, người dân và doanh nghiệp chật vật chống chọi "bão giá"
Giá xăng tăng cao lập "đỉnh" hơn 30.000 đồng/lít đã kéo theo đà tăng giá mọi chi phí sinh hoạt, hàng hóa thiết yếu khiến cuộc sống người dân thêm chật vật.
Giá dịch vụ, hàng hóa "leo thang" theo giá xăng dầu
Từ đầu năm 2022 đến nay, xăng dầu đã có 8 lần tăng giá và hiện tại đang là hơn 30.000 đồng/lít. Đây là mức giá cao chưa từng có trong lịch sử ngành xăng dầu Việt Nam. Đồng nghĩa với đó, các mặt hàng thiết yếu, hàng hóa tiêu dùng như thực phẩm, dịch vụ xe cộ,... đồng loạt tăng giá theo.
Tại một số chợ ở Hà Nội ghi nhận, các mặt hàng như rau củ quả cũng tăng giá so với 1 tháng trước đó. Cụ thể, giá rau xanh tăng mạnh lên gấp 2 - 3 lần so với dịp Tết, cải canh từ 5.000 đồng/mớ lên 8.000 đồng/mớ, su hào từ 5.000 đồng/củ lên 9.000 đồng/củ, súp lơ từ 10.000 đồng/cây lên 18.000 đồng/cây, cà rốt từ 15.000 đồng/kg lên 18.000 đồng/kg,... Ngoài ra, giá trứng gia cầm trong chương trình bình ổn giá cũng đã tăng 1.500 - 2.000 đồng/kg và bán ra ở mức 29.500 đồng/chục trứng gà, 35.000 đồng/chục trứng vịt. Thịt gà công nghiệp ở mức 60.000-90.000 đồng/kg, giá dầu ăn 45.000 - 80.000 đồng/lít, tăng 10.000 đến 15.000 đồng so với năm ngoái.
Tại các siêu thị, giá các loại hàng hóa tiêu dùng thiết yếu được ghi nhận tăng 5-10% trong vòng 2 tuần trở lại đây. Anh Hoạch - chủ cửa hàng Minimart Nguyễn Văn Huyên cho biết: "Giá xăng tăng nên giá tất cả các mặt hàng đều gần như tăng theo, cách đây không lâu mì ăn liền Omachi giá 190.000 đồng/thùng mà bây giờ 205.000 đồng/thùng. Ngay đến các loại nước giặt, nước rửa bát cũng tăng 10 - 15% so với đầu năm. Lượng hàng hóa thì tiêu thụ chậm, các khách hàng vào mua kêu quá trời!"
Trong tình thế giá đầu vào tăng nhưng giá bán chưa thể tăng, đại diện Công ty Cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan) cho hay, từ quý IV/2021, Vissan đã dự báo qua quý I năm nay giá nguyên liệu sẽ tăng từ 10 - 30% tùy mặt hàng. Nhưng khi đó, cũng chưa tính đến chuyện giá xăng tăng mạnh và liên tục như hiện nay. Với tình hình này, doanh nghiệp giờ đây chỉ có thể "gồng mình" chịu đựng chứ chưa thể tăng giá bán lên nhiều vì sức mua hiện quá thấp.
Đời sống người dân chật vật vì giá cả leo thang
Trong bối cảnh xăng dầu tăng giá liên tục như hiện nay, nhiều người dân lo lắng, e ngại về tình trạng "té nước ăn theo giá xăng". Để chống chọi với "cơn bão" giá thực phẩm, các vật dụng tiêu dùng khác đều tăng giá đồng loạt. Người dân đang có xu hướng thắt chặt lại chi tiêu, hạn chế chi tiêu những khoản tiêu dùng chưa cần gấp để chi tiêu cho các mặt hàng thực phẩm thiết yếu.
Chị Tuyết Mai (Cầu Giấy, Hà Nội) chia sẻ: Tôi và chồng đã phải bàn bạc lại về các chi phí sinh hoạt hằng ngày để tiết kiệm tối đa các khoản tiền mà vẫn phải đủ cho chi phí con cái ăn học và bản thân sinh hoạt hàng ngày. Ví dụ, ngày trước tôi mua 1 kg thịt để ăn trong ngày thì nay cũng với số lượng đó, tôi sẽ phải tính toán "khoán" chỉ tiêu hằng ngày cho gia đình. Thịt rẻ thì ăn nhiều, đắt thì ăn ít.
Lĩnh vực kinh doanh vận tải cũng được cho là bị ảnh hưởng nhiều vì giá xăng dầu tác động trực tiếp vào hoạt động. Đại diện doanh nghiệp vận tải Thủy Chính (chuyên tuyến Hà Nội - Phú Thọ) chia sẻ, giá xăng dầu tăng cao nên giá vé hành khách cũng buộc phải tăng theo. Giá nhiên liệu chiếm khoảng 30% chi phí của doanh nghiệp, hiện giá xăng tăng cao đã chiếm tới 40 - 45% trên tổng chi phí, trong khi giá cước xe tăng không nhiều thì việc bù lỗ hiện nay đang diễn ra hằng ngay. Các doanh nghiệp vận tải nói chung ng đang phải "gồng mình" chống đỡ sự leo thang của giá cả như hiện nay.
Chị Lộc- chủ cửa hàng Bún chả (Thụy Khuê, Hà Nội) cho biết, giá xăng tăng khiến cửa hàng chị gặp nhiều khó khăn. "Nếu như trước đây giá nguyên liệu nhập vào tăng ít thì chúng tôi sẽ cắt giảm một số chi phí khác để bù vào bát bún, nhưng giờ giá nguyên liệu tăng gấp 2 - 3 lần nên chúng tôi buộc phải tăng giá mỗi bát lên 2.000 - 5.000 đồng. Lượng khách đến ăn giờ cũng ít hơn so với trước đây nên chúng tôi đang rất lo lắng về tình trạng này nếu kéo dài"- chị Lộc nói.
Ông Nguyễn Đặng Hiến - Phó Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Thành phố Hồ Chí Minh, nhận định: Nếu giá xăng dầu giảm 3.500 đồng/lít trở lên so với cao điểm và có sự can thiệp từ cơ quan nhà nước thì giá các mặt hàng thực phẩm, tiêu dùng, giá cước vận tải và giá thành sản xuất các mặt hàng khác sẽ xuống, góp phần kéo mức giá hiện tại giảm xuống.
Bình luận
Thông báo
Bạn đã gửi thành công.
Đăng nhập để tham gia bình luận
Đăng nhập với
Facebook Google