Giá vàng Việt Nam đi ngược với thế giới: Tăng thì nhanh, giảm thì chậm

Li Lê (Tổng hợp)
15:31 - 09/06/2022
Công dân & Khuyến học trên

Trước nhận xét của đại biểu Quốc hội về việc giá vàng thế giới giảm thì giá vàng Việt Nam lại tăng, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng thừa nhận: giá vàng Việt Nam cũng có cùng xu hướng với thế giới nhưng điều chỉnh xuống... chậm.

Sáng 9/6, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng tiếp tục trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Giá vàng Việt Nam đi ngược với thế giới vì chỉnh tăng thì nhanh, chỉnh xuống thì chậm  - Ảnh 1.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng trả lời chất vấn sáng 9/6. Ảnh: VGP

Vàng SJC giá cao nhưng là mua cao, bán lại cao

Trước đó, đại biểu Nguyễn Phương Thủy (Đoàn thành phố Hà Nội) đã đặt câu hỏi chất vấn xoay quanh vấn đề, việc độc quyền một thương hiệu vàng quốc gia là SJC có phải là một trong những nguyên nhân dẫn đến giá vàng miếng SJC tăng cao như hiện nay? 

Đại biểu Nguyễn Phương Thủy chỉ rõ, cùng là vàng miếng nhưng không phải là thương hiệu SJC thì chênh với giá SJC đến 15 triệu/lượng. Theo đại biểu, đây là mức chênh lệch quá lớn. 

Trước câu hỏi trên, Thống đốc Ngân hàng nhà nước cho biết, SJC là thương hiệu được người dân ưa chuộng từ trước khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành.

Trước đây, thị trường vàng có nhiều tồn tại, hạn chế, gây bất ổn cho kinh tế vĩ mô. Từ khi Nghị định 24/2012/NĐ-CP về quản lý hoạt động kinh doanh vàng được ban hành, các chính sách quản lý nhà nước được thực hiện hiệu quả, nhiều năm nay thị trường tiền tệ ngoại hối ổn định, giúp Việt Nam được nâng hạng theo các đánh giá quốc tế.

Theo Thống đốc, trong Nghị định 24 này có chính sách Ngân hàng Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng. "Nếu chọn làm một thương hiệu vàng quốc gia mới thì xã hội có thể mất nhiều chi phí. Sau khi cân nhắc các mặt lợi ích, chi phí, Ngân hàng Nhà nước đã chọn SJC là thương hiệu vàng miếng quốc gia – đây là loại vàng chiếm đến hơn 90% thị phần ở thời điểm đó - nhưng thuê SJC gia công dưới sự quản lý chặt chẽ của Ngân hàng Nhà nước", Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải thích.

Bà Hồng cũng khẳng định tuy SJC giá cao nhưng là mua cao, bán lại cao. Các thương hiệu khác thường mua thấp, bán thấp.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết sẽ rà soát, đánh giá kỹ vấn đề này trong tổng kết, đánh giá việc thực hiện Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.

Theo Thống đốc Nguyễn Thị Hồng, từ năm 2014 đến nay, giá vàng biến động khó lường, nên doanh nghiệp để giá cao vì lo sợ rủi ro. “Tuy SJC giá cao nhưng là mua cao, bán lại cao nên người dân chọn mua thương hiệu này thì khi mua cao, bán sẽ được giá. Còn các thương hiệu khác thường mua thấp, bán thấp”, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng lý giải.

Sẵn sàng nhập khẩu vàng nếu cần thiết  

Trước đó, chiều 8/6, trong phiên trả lời chất vấn của mình, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cũng đã giải trình về câu chuyện thị trường vàng miếng SJC và vấn đề chênh lệch giá vàng. 

Theo Thống đốc Ngân hàng, diễn biến giá vàng trên thị trường quốc tế rất phức tạp và khó lường, chịu tác động của nhiều yếu tố. Có thời điểm giá vàng tăng rất cao nhưng có lúc lại hạ xuống rất thấp.

Cũng tranh luận về vấn đề giá vàng, đại biểu Trịnh Xuân An nêu có lẽ Việt Nam là nước duy nhất có giá vàng lên xuống kiểu "khi nào giá thế giới giảm ta lại tăng".

"Đây là chuyện không thể chấp nhận được. Sau chuyện này có làm lợi cho doanh nghiệp, tổ chức nào hay không cần đánh giá kỹ. Tôi không ủng hộ việc tích lũy vàng nhưng quy luật kinh tế như thế rất có vấn đề", ông nêu.

Giá vàng Việt Nam đi ngược với thế giới vì chỉnh tăng thì nhanh, chỉnh xuống thì chậm  - Ảnh 2.

Giá vàng Việt Nam có cùng xu hướng với thế giới, tuy nhiên tốc độ điều chỉnh tăng thì nhanh hơn, nhưng tốc độ điều chỉnh xuống thì chậm hơn. Ảnh minh họa: IT

Về phần mình, Thống đốc thừa nhận, tại Việt Nam, giá vàng có cùng xu hướng với thế giới, tuy nhiên tốc độ điều chỉnh tăng thì nhanh hơn, nhưng tốc độ điều chỉnh xuống thì chậm hơn.

"Giá vàng các thương hiệu ngoài SJC chênh lệch giá quốc tế khoảng 2 triệu đồng/lượng. Riêng giá vàng SJC tăng ở mức độ lớn, chênh 16-17 triệu đồng/lượng", Thống đốc Nguyễn Thị Hồng chỉ ra sự chênh lệch.

Đề cập đến nguyên nhân của hiện tượng trên, bà Hồng cho biết, do nguồn cung vàng miếng trong nước bị giảm đi, biến động giá vàng thế giới khiến bản thân các doanh nghiệp vàng miếng trong nước lo ngại rủi ro, do đó niêm yết giá khá cao.

Với vai trò quản lý Nhà nước, Thống đốc cho biết Ngân hàng Nhà nước sẽ sẵn sàng điều tiết nếu thấy cần thiết.

Tuy nhiên, theo số liệu cập nhật, người dân không có nhu cầu mua vàng miếng quá nhiều. Do đó, ngân hàng chưa can thiệp, chỉ trong trường hợp cần thiết mới tiến hành nhập khẩu vàng để can thiệp.