Gần 1 triệu đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

19:14 - 29/07/2022
Công dân & Khuyến học trên

Tính đến hết tháng 6/2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận gần 1 triệu đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và cấp gần 600 nghìn văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại.

Sáng 29/7, tại Hà Nội, Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tổ chức Kỷ niệm 40 năm Ngày thành lập (29/7/1982 - 29/7/2022). Tham dự buổi lễ có: Lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ, đại diện các Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh, các viện nghiên cứu, doanh nghiệp…

Gần 1 triệu đơn đăng ký sở hữu công nghiệp - Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại lễ kỷ niệm

40 năm Ngày thành lập Cục Sở hữu trí tuệ. Ảnh: congthuong.vn

Trọng tâm xác lập quyền sở hữu công nghiệp

Phát biểu tại buổi lễ, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Đinh Hữu Phí cho biết, xác lập quyền sở hữu công nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Cục từ ngày đầu thành lập và ngày càng quan trọng bởi số lượng đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tăng nhanh, đòi hỏi việc xử lý đơn phải đảm bảo chất lượng ngày một cao do sự gia tăng tình trạng tranh chấp, khiếu nại. 

Quyền sở hữu công nghiệp là quyền sở hữu của cá nhân, tổ chức đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý, bí mật kinh doanh do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu và quyền chống cạnh tranh không lành mạnh.

Quyền của chủ sở hữu các đối tượng sở hữu công nghiệp bao gồm:

– Sử dụng, cho phép người khác sử dụng các đối tượng sở hữu công nghiệp.

– Ngăn cấm người khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp.

– Định đoạt đối tượng sở hữu công nghiệp

(Điều 4.4 Luật Sở hữu trí tuệ)

Tính đến hết tháng 6/2022, Cục Sở hữu trí tuệ đã tiếp nhận gần 1 triệu đơn đăng ký sở hữu công nghiệp và cấp gần 600 nghìn văn bằng bảo hộ sở hữu công nghiệp các loại. Chất lượng xử lý đơn và cấp văn bằng bảo hộ đối tượng sở hữu công nghiệp được Cục chú trọng cải thiện thông qua giải pháp đổi mới, cải tiến về quản lý, tổ chức công việc, cải cách thủ tục hành chính và ứng dụng công nghệ thông tin… đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội trong hoạt động bảo hộ và phát triển tài sản trí tuệ phục vụ sản xuất và kinh doanh của xã hội.

Cùng với việc xây dựng thể chế và xác lập quyền, công tác đào tạo, tập huấn, tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về sở hữu trí tuệ được Cục triển khai thường xuyên, có hệ thống, đa dạng về hình thức và dành cho các nhóm đối tượng khác nhau. Cục cũng tích cực xây dựng, phổ biến và đào tạo sử dụng, khai thác các nguồn thông tin sở hữu công nghiệp để phục vụ các hoạt động nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ ...

Công cụ phát triển kinh tế - xã hội

Để sở hữu trí tuệ thực sự trở thành công cụ hữu hiệu nhằm phát triển kinh tế - xã hội, nhanh chóng đến năm 2030 đưa đất nước trở thành một nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, Cục Sở hữu trí tuệ triển khai nhiều giải pháp khắc phục, đồng bộ để hướng đến đổi mới kiện toàn cơ cấu tổ chức, xây dựng dự thảo các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Sở hữu trí tuệ, nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin phục vụ công tác quản trị và xử lý đơn, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực về sở hữu trí tuệ, doanh nghiệp và xã hội; xây dựng mạng lưới các tổ chức hỗ trợ, bổ trợ về sở hữu trí tuệ, nâng cao vai trò quản lý nhà nước về sở hữu trí tuệ.

Gần 1 triệu đơn đăng ký sở hữu công nghiệp - Ảnh 3.

Phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia công nghệ enzyme và protein do Giáo sư Phan Tuấn Nghĩa ở trường Đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia Hà Nội) đứng đầu là một trong những đơn vị có nhiều bằng sáng chế, giải pháp hữu ích được thương mại hóa thành công. Ảnh: Đại học Quốc gia Hà Nội

Bà Thitapha Wattanapruttipaisan, Trưởng Văn phòng đại diện của Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) tại Singapore khẳng định: Văn phòng WIPO Singapore sẽ hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên trong và ngoài ASEAN để hỗ trợ hiệu quả hơn nữa với tư cách là một nền tảng kết nối và liên kết chủ động với tất cả các đối tượng liên quan trong cũng như ngoài lĩnh vực sở hữu trí tuệ. 

"Đặc biệt, chúng tôi sẽ cố gắng mở rộng và tăng cường kết nối với các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ, cũng như phụ nữ và giới trẻ trong quá trình chuyển đổi để vượt qua đại dịch COVID-19 và hướng tới mục tiêu số hóa và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư", bà Thitapha Wattanapruttipaisan nói.

Để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt đề nghị, thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ cần tập trung triển khai thực hiện tốt một số nhiệm vụ cấp bách như: Tập trung nghiên cứu, đề xuất sửa đổi các văn bản hướng dẫn thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng và hướng tới mục tiêu nâng cao tối đa chất lượng bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ; khuyến khích hoạt động sáng tạo, thúc đẩy việc khai thác hiệu quả tài sản trí tuệ; tiếp tục triển khai có chất lượng và hiệu quả các nhiệm vụ trong Chiến lược sở hữu trí tuệ quốc gia và Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến 2030.

Đồng thời, Cục cần tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện các giải pháp, có hiệu quả, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính; tăng cường việc ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói riêng, trong hoạt động của Cục nói chung, giúp nâng cao chất lượng hoạt động xác lập quyền sở hữu công nghiệp; khuyến khích sáng tạo và áp dụng sáng kiến vào công tác xử lý đơn đăng ký xác lập quyền sở hữu công nghiệp. Bên cạnh đó, Cục cần tăng cường mạnh mẽ việc ứng dụng công nghệ thông tin; đổi mới mô hình hoạt động theo hướng tách bạch hoạt động quản lý nhà nước và sự nghiệp về sở hữu công nghiệp; nâng cao chất lượng công tác quản lý công việc; tăng cường cơ sở vật chất, cải thiện đời sống của công chức, viên chức và người lao động; đảm bảo sự đoàn kết, ổn định của cơ quan xứng đáng với vai trò là hạt nhân của hệ thống sở hữu trí tuệ Việt Nam.

Nguồn: TTXVN
Bình luận của bạn

Bình luận